09:12 30/09/2018 Dù nền kinh tế phát triển hay trì trệ, trong xã hội luôn có một bộ phận không nhỏ người dân tiết kiệm được một phần của cải trong sinh hoạt. Bên cạnh việc đầu tư sinh lời từ hoạt động kinh doanh, nhiều người chọn phương pháp tích trữ bảo toàn và phát triển vốn. Tuy nhiên diễn biến thị trường thời gian gần đây khiến nhiều người có tiền vẫn phải lúng túng.
Loay hoay tìm cách sử dụng… tiền.
Tắc đủ mọi đường
Trước kia, khi nền kinh tế nước ta chưa phát triển, lạm phát ở mức cao, đồng tiền tiết kiệm được chuyển hóa qua nhiều hình thức vật chất khác nhau. Bà Vũ Thanh Huyền – một cán bộ nghỉ hưu ở quận Lê Chân nhớ lại: “Bây giờ gọi là đầu tư, ngày trước chỉ nôm na gọi là vốn liếng, nhưng cũng không có nhiều lựa chọn…”. Theo bà Huyền, tiền tiết kiệm được gửi ngân hàng thì sợ trượt giá, nên chủ yếu là mua vàng tích trữ, một số người giữ cả vàng lẫn đô-la, thậm chí mua những đồ gia dụng hiếm thời ấy như máy khâu Trung Quốc, xe đạp Nhật, xe máy… cốt sao khỏi bị thâm hụt.
Còn hiện nay, trong điều kiện mở cửa hội nhập, cơ hội sinh lời cho đồng tiền rất đa dạng. Ngay như gửi tiết kiệm cũng có quá nhiều lựa chọn, chưa kể các hình thức khác như đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, tích trữ ngoại tệ hay bất động sản, không ít người còn “liều” hơn khi rót tiền vào cho vay nặng lãi và bán hàng đa cấp. Điều thấy rõ là, khi thị trường hàng hóa phát triển mạnh, việc lưu giữ bằng hiện vật truyền thống gần như không còn ai áp dụng nữa, thậm chí việc giữ tiền mặt trong nhà cũng hạn chế vì tính chất hoạt động yếu của VND.
Nhưng nhìn lại những năm qua, dường như các kênh đầu tư vốn nhàn rỗi trong nhân dân đều gặp biến động mạnh, dẫu có một bộ phận giàu lên nhờ chứng khoán hay bất động sản, nhưng cũng không ít người “tiền mất, tật mang” từ chính những kênh đầu tư này. Trong khi đó, việc gửi tiền tiết kiệm thông qua các ngân hàng dù lợi nhuận thấp nhưng tưởng như an toàn nhất, thì thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều vụ việc khiến nhà đầu tư thiếm an tâm, mà vụ việc lừa đảo do Trần Thị Kim Chi – nguyên Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại Hải Phòng, khiến khách hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vừa qua là một ví dụ.
Khó chọn hướng đầu tư vốn nhàn rỗi?
Chưa quen… có nhiều tiền
Ông Nguyễn Thế Long - một người dân ở quận Dương Kinh cho biết. Thời kỳ giải phóng mặt bằng các khu nhà ở Anh Dũng, toàn bộ tiền đền bù gia đình ông nhận được là hơn 700 triệu đồng. Xuất thân nông dân, không có khả năng kinh doanh, lại không còn đất để canh tác, ông Long đem tiền gửi ngân hàng để rút lãi ra chi tiêu. Thời điểm lãi suất cao nhất lên tới trên 15%/năm, gia đình ông sống tùng tiệm, nhưng giờ đây với mức lãi suất chỉ trên dưới 7%/năm, mỗi tháng ông chỉ rút ra được hơn 4 triệu đồng. Để thì lo tiền mất giá, mà rút gốc ra cũng không biết làm gì với… tiền.
Một ví dụ khác tương tự ở quận Hải An, là trường hợp của gia đình ông Vũ Quang Minh. Với số tiền ngót nghét một tỷ đồng đền bù, thời gian đầu ông Minh cũng gửi ngân hàng như ông Long, tuy nhiên khi “sốt” bất động sản, ông Long đem tiền đầu tư vào đất. Trúng quả được một hai lần, ông Minh dồn mua tiếp hai lô đất với giá 15 triệu đồng/m2. Giờ đây, ông Minh xót xa mắc kẹt với số tiền đổ vào đất bởi giá giảm hơn một nửa, mà giao bán mãi cũng chẳng ai mua. Ông Minh tâm sự: “ Nếu bán được đất, mua vàng về giữ cho chắc, dù giá vàng ổn định nên không lãi nhiều, nhưng vàng vẫn là vàng”.
Nhưng ngay cả việc mua vàng dù để tích trữ cũng không hẳn là giải pháp an toàn. Còn nhớ cách đây gần chục năm, giá vàng có lúc lên tới 4,9 triệu đồng/chỉ, nhưng sau đó lao dốc liên tục, nhất là tại thời điểm này chỉ còn bình quân 3,5 triệu đồng/chỉ. Tốc độ giảm giá này khiến gia đình ông H. ở ngõ 46 Lạch Tray tổn hại mất hơn hai trăm triệu đồng, khi phải bán hơn chục cây vàng lo cho con trai đi du học, kết quả của 7 năm tiết kiệm bằng vàng.
Tiền gửi ngân hàng cũng tiềm ẩn rủi ro?
Lao đao với tiền thừa
Song hành cũng tốc độ phát triển, hàng chục năm qua bên cạnh những dự án đầu tư bất động sản theo hướng đô thị hóa, còn một lượng rất lớn đất đai, nhà ở được thu hồi để phục vụ cho các dự án kinh tế, hạ tầng giao thông. Khó có thể thống kê chính xác được số tiền đền bù được chuyển cho những người dân, những chắc chắn là con số rất lớn, chưa kể một nguồn tiền không nhỏ của xã hội dôi dư từ các hoạt động khác.
Điều đáng nói là, dù có tiền nhưng nhiều người không có khả năng đầu tư kinh doanh, tự tái tạo và phát triển nguồn vốn. Như đã nói, một thời gian nền kinh tế thị trường đã làm phát sinh nhiều cơ hội, nhưng do trình độ của những người dân có hạn, chưa nhìn hết rủi ro tiềm ẩn nên rất dễ gặp thất bại. Đơn cử như thị trường chứng khoán, thực tế cho thấy những người “ngập sâu” vào chứng khoán đã phải “ăn quả đắng” đến mức nào.
Trong khi đó, một kênh tiết kiệm truyền thống khác là tích trữ ngoại tệ, thì ngay cả giá trị ngoại tệ cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Chẳng hạn như đô la Mỹ, trong 5 năm qua mức độ chênh lệch không đáng kể, thời điểm cao nhất giá đô la Mỹ chợ “đen” đạt trên 23 nghìn đồng/USD, hiện đô-la Mỹ đang tăng cũng chỉ tiệm cận mức này. Chưa kể tích trữ bằng đồng Euro hay một số ngoại tệ mạnh khác đều bị thiệt hại, khi những ngoại tệ này ngày càng mất giá so với đô la Mỹ.
Ngay cả việc một số người mạnh dạn đem tiền dôi dư của mình đầu tư vào các hoạt động tín dụng đen hoặc xé nhỏ tự đem cho vay lãi, thời gian qua cũng gặp nhiều rủi ro. Trong khi tín dụng đen thời buổi hiện nay được trá hình dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, tiềm ẩn rủi ro cũng cao hơn, mà không ít người đã “tan cửa nát nhà” vì những mô hình kiểu như “Liên Kết Việt”.
Hậu quả thấy rõ là những vụ vỡ nợ, lừa đảo, chiếm dụng tài sản liên tục xảy ra, nhiều gia đình mất trắng cả “chì lẫn chài” khi đầu tư ngoài luồng. Mặt khác, có không ít “chủ nợ” ảo khi lợi dụng khả năng quan hệ hoặc vị trí công tác, chuyển tiền từ các ngân hàng sang thị trường đen, góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những khoản “nợ xấu” khổng lồ mà chưa có giải pháp thu hồi.
Có thể thấy thời điểm hiện tại, nền kinh tế đất nước đang phục hồi tích cực, nhưng việc giải quyết các nguồn vốn chính thống vẫn là điều nhức nhối, bởi lẽ ngay các ngân hàng cũng đang tìm cách kìm hãm lãi suất để giải ngân nguồn tiền ứ đọng. Nên nguồn tiền dôi dư trong nhân dân càng khó tìm được đường đi vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng thực chất. Nghĩa là một lượng không nhỏ nguồn vốn trong xã hội đang bị đóng băng, khi hầu hết các kênh hoạt động đều không đem lại hiệu quả như đã nói ở trên.
Gia Lê
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão