Vọng mãi khúc tráng ca nơi biên cương Tổ quốc

19:04 17/02/2023

Đầu Xuân mới Quý Mão, trong cái nắng hanh hao cùng những cơn gió lạnh ào xuống các triền núi cao vùng biên viễn, đoàn cán bộ Hội Khoa học lịch sử Lê Chân chúng tôi thực hiện một cuộc hành hương khá đặc biệt về một địa chỉ đỏ vừa được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia ngày 22-12-2022. Đó là Pò Hèn - địa danh nổi tiếng, một khúc ca bi tráng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây đã 43 năm.
Đài tưởng niệm Liệt sĩ Pò Hèn
Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thượng úy Đỗ Sĩ Họa - Đồn phó Đồn Biên phòng Pò Hèn

Vượt qua lộ trình hàng trăm cây số với những khúc cua ngoắt nghoéo từ huyện vùng biên Bình Liêu qua Tiên Yên chập trùng hai bên những cánh rừng Sở bạt ngàn nở trắng hoa, thơm ngát giữa Xuân về, đoàn chúng tôi cuối cùng cũng đã đặt chân tới xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Pò Hèn đây rồi! Khác với mường tượng trước đó của mọi người, chiến trường ác liệt xưa không phải là một cao điểm mà là một thung lũng khá rộng và bằng phẳng. Sau là núi, phía trước trải dài suốt đến tận đường biên giới cách đó chỉ chừng dăm bảy trăm mét. Không gian trầm lắng, tĩnh mịch, nghe rõ cả lá cây xào xạc trên những vòm cao. “Đã thay đổi nhiều rồi các chú ạ! Đồn Biên Phòng Pò Hèn xưa nằm ngay trên bình địa này, trên giữa khuôn viên của Đài tưởng niệm Liệt sỹ hôm nay. Còn trụ mới đã được dời đi cách đây một quãng”. - Binh nhất Phùng Ngọc Khanh, một trong số tân binh mới của Đồn nói với chúng tôi. Theo chân chiến sỹ trẻ, đoàn công tác có dịp được mục kích toàn bộ Khu di tích rộng tới 16 héc-ta được Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư, quy hoạch thật đẹp, thật trang trọng, xứng với tầm vóc, giá trị của những trang sử oanh liệt, hào hùng viết bằng máu mà Pò Hèn đã để lại cho mai sau. Trong đó, nổi bật nhất là Cụm công trình tổng hợp tưởng niệm các Liệt sỹ rộng tới 86.304 m2 gồm các hạng mục: Tượng đài Liệt sĩ cao 16m ốp đá hoa cương trắng được cách điệu 3 đôi bàn tay tượng trưng 3 dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ ôm trọn Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Hai bên Tượng đài là 2 nhà bia khắc trên đá tên 86 Liệt sỹ của Đồn Biên phòng Pò Hèn cùng các nhân viên thương nghiệp và Trung đội tự vệ Lâm trường Hải Sơn đã anh dũng hy sinh ngày 17-2-1979. Tiếp nữa là các công trình: Nhà tưởng niệm, Đền thờ Liệt sỹ; sân, vườn cây xung quanh có tường bảo vệ. Xa chút nữa là chốt Đồi Quế, đài quan sát Đồi Tây, chốt cửa khẩu Pò Hèn…

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, thắp nén nhang trầm tưởng nhớ các anh chị đã dành trọn tuổi thanh xuân bảo vệ từng tấc đất biên cương, tất cả chúng tôi lòng bùi ngùi xúc động, thấy cay nơi khóe mắt cùng hồi tưởng lại sự kiện bi hùng 43 năm trước, cũng vào dịp đầu Xuân như bữa nay. Lúc ấy, khoảng 5 giờ sáng ngày 17-2-1979. Như thường lệ, anh nuôi của Đồn là chiến sỹ Nhặt dậy sớm nấu cơm bỗng phát hiện từ phía hàng rào biên giới có nhiều ánh sáng lập lòe di chuyển sang phía ta. Thế rồi, thay bằng trận giao hữu bóng chuyền do chính lực lượng biên phòng bên kia hẹn như thật từ chiều hôm trước, những trận pháo kích dữ dội ập xuống nơi đơn vị đóng quân. Tiếp đó, 3000 tay súng có xe tăng yểm trợ cia làm 3 mũi ào sang vây chặt 50 chiến sỹ biên phòng Pò Hèn. Trận chiến với tỷ lệ 1 chọi 60 diễn ra vô cùng ác liệt. Hết đạn, chiến sỹ ta lao lên đánh giáp lá cà và giữ được trận địa suốt 7 giờ. Nhưng rồi trong thế trận không cân sức, 45 cán bộ, chiến sỹ biên phòng Việt Nam cùng nhiều tự vệ Lâm trường Hải Sơn và các nhân viên Cụm thương nghiệp Pò Hèn tới tiếp ứng đã lần lượt ngã xuống, tổng cộng là 86 người. Phía bên kia, 227 kẻ xâm lược phải đền mạng.

Bất khuất, dũng cảm quên mình vì chủ quyền lãnh thổ, vì an ninh biên giới quốc gia, tập thể Đồn Biên phòng Pò Hèn và Liệt sỹ, Thượng úy Phó Đồn trưởng Đỗ Sỹ Họa với chiến công xuất sắc chỉ huy đơn vị chiến đấu cùng tiếng hô bất hủ động viên đồng đội “Người Việt Nam không bao giờ biết quỳ gối..” ngay sau đó đã được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Liệt sỹ Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên Cụm thương nghiệp Pò Hèn - bông hoa thép nơi biên cương với hình ảnh vác khẩu AK bắn đến đỏ nòng nơi biên cương đã được Trung ương Đoàn truy tặng Huy chương “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Nhạc sĩ Phạm tuyên trong ca khúc “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” đã dành những giai điệu, ca từ đẹp nhất cho chị : “Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ/ Mà hương thơm thắm mãi chẳng hề phai”… Một chuyện xúc động nữa là vào năm 2017, một “đám cưới” đầy đủ nghi lễ đã được người thân hai gia đình tổ chức trọng thể cho Hoàng Thị Hồng Chiêm và người yêu của chị - Liệt sỹ Bùi Văn Lượng là chiến sỹ của Đồn Biên phòng Pò Hèn. Cả hai đã hy sinh trên cùng một chiến hào ngày 17-2-1979 ấy…

Còn một điều khá bất ngờ. Ấy là khi điểm lại tên 86 anh, chị đã hy sinh, chúng tôi đếm có tới 26 liệt sỹ quê ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; 1 anh ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên. Riêng tại Đồn Biên phòng Pò Hèn, cũng có một người con thành phố Cảng đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội là Liệt sỹ Trần Văn Phương ở xã Đông Hải, huyện An Hải (nay là phường Đông Hải 1, quận Hải An).

43 năm trôi qua. Trận chiến xưa đã lùi xa. Song mãi còn đây trong trái tim mỗi người dân nước Việt 86 tấm gương sáng ngời xả thân vì chủ quyền, an ninh lãnh thổ như những khúc tráng ca vang vọng mãi nơi biên cương. Qua lời các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn, chúng tôi được biết, mỗi tuần có tới hàng chục đoàn cán bộ, nhân dân khắp mọi miền đất nước, trong đó có các tỉnh, thành phố phía Nam cùng hội tụ về đây thắp nén nhang thơm tri ân các Liệt sỹ, cũng là để tận mắt thấy một Pò Hèn hiên ngang, bất khuất  như một lời thề; một Pò Hèn yêu thương, đầy tự hào và cháy bỏng niềm tin bấy lâu mình ngưỡng mộ…

Tạm biệt chiến trường xưa, bước lên xe đoàn công tác chúng tôi cứ vương vấn mãi những lời rủ rỉ của Binh nhất Phùng Ngọc Khanh : “ Linh thiêng lắm! Có những đêm, chúng cháu như nghe thấy cả Đồn năm xưa tập quân ngũ, bước rầm rập, còn thét xung phong. Cuộc sống giờ đã nhiều thay đổi song lớp tân binh chúng cháu ở đơn vị không bao giờ cho phép mình quên quá khứ và biết phải làm gì để không bao giờ phụ lòng cha anh, không bao giờ làm hổ danh: chiến sĩ Pò Hèn”.

Ôi! Thật trân trọng biết mấy suy nghĩ giản dị mà sâu sắc của chàng tân binh trẻ. Quả đúng rồi, nhắc lại cuộc chiến bảo vệ biên giới đâu phải để khoét sâu hận thù mà là khẳng định một sự thật lịch sử; để khắc sâu hơn nữa những tấm gương của cha anh, để giáo dục truyền thống yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc cho thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước đã không tiếc tuổi xuân, xương máu bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hữu Chỉnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông