18:09 14/09/2014
Để đến làng gốm cổ Bát Tràng (thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), từ nội thành Hà Nội, du khách có thể lên xe buýt tuyến số 47, đi xe máy, ô tô hoặc đi thuyền dọc bờ sông Hồng thơ mộng để vừa nhởn nha ngắm cảnh hai bên bờ sông, vừa được thưởng thức các điệu chèo, điệu hò của các cô gái mặc áo mớ ba mớ bẩy hát tặng khách du lịch. Đi theo con đường làng ven bờ sông, trong tâm tưởng du khách hẳn sẽ gợi lên thứ cảm xúc như được trở về thuở hồng hoang, dường như mỗi viên gạch, mỗi ngõ ngách nơi đây đều đang thì thầm kể chuyện. Đình Bát Tràng, chốn linh thiêng hội tụ Đến Bát Tràng, bạn đừng quên ghé thăm ngôi đình Bát Tràng đẹp cổ kính và uy nghiêm. Năm 2005, đình đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng Di tích Văn hóa Kiến trúc Nghệ thuật. Theo sử sách, ngôi đình được xây dựng lại vào năm 1720, hiện còn lưu giữ hơn 50 đạo sắc phong cho thành hoàng, đời vua Lê Cảnh Hưng, Quang Trung và vua Cảnh Thịnh. Cùng với thời gian dài và thiên tai địch họa, đình bị hư hại nặng. Từ năm 2005, dân làng Bát Tràng đã cùng nhau đóng góp, đại trùng tu, phục dựng đình trở lại dáng dấp xưa. Bước vào tòa Đại bái, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cây cột gỗ lim lớn mà cả vòng tay người ôm cũng không xuể. Du khách sẽ thấy ngơ ngẩn với mái đình cong vút, lượn sóng, phía trên đắp hình Nghê vừa mềm mại, vừa khoẻ khoắn. Sân đình Bát Tràng được lát tuyền một thứ gạch Bát, loại gạch bền chắc không bị rêu bám, được khắp nơi ưa chuộng. Loại gạch này đã đi vào cả trong ca dao xưa: “Trên trời có đám mây xanh Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng Ước gì anh lấy được nàng Để anh mua gạch Bát Tràng về xây” Đình Bát Tràng đông vui nhất vào mùa lễ hội tháng 2 âm lịch nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Cả làng sẽ dâng lễ vật lên thần hoàng làng, cầu xin các thánh hiền giúp dân làng bình an, thịnh vượng. Nếu may mắn, du khách sẽ được tham gia lễ hội rước nước từ sông Hồng rất trang nghiêm thành kính của đông đảo cư dân Bát Tràng, sẽ cảm nhận được sâu sắc tình đoàn kết gắn bó keo sơn của người dân làng Bát. Vũ điệu say mê của đất - nước - lửa Làng gốm Bát Tràng đã nổi danh từ xưa với rất nhiều huyền thoại và truyền thuyết. Gạch Bát Tràng có mặt từ nhiều thế kỉ trước để xây dựng nên Hoàng Thành Thăng Long và nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, sau bao nhiêu năm những viên gạch ấy vẫn tươi nguyên màu đất. Không chỉ là gạch Bát, những bình hoa, lọ lục bình, bát đĩa, ấm chén làng Bát Tràng cũng đều ghi đậm dấu ấn tài năng và tâm huyết của những người thợ gốm đã cả đời dành tình yêu cho đất. Tiếp xúc với một người thợ gốm trong làng, ông lão mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng vẫn vanh vách chia sẻ về kỹ thuật làm gốm với biết bao say mê. Ông bảo, nghề gốm có những yêu cầu khắt khe lắm, ví như đất làm gốm phải là thứ đất sét trắng, mịn, sánh như bột gạo và phải được ngâm lọc lắng cẩn thận qua đủ 4 bể. Nhiều công đoạn bắt buộc phải phơi mình dưới những cái nắng chói chang, gay gắt, rồi bắt hơi với ánh lửa đượm nồng, tiếp đến là những công đoạn trang trí vất vả… Ông nói với cô con gái mang bình hoa gia truyền ra khoe rằng chỉ ông mới có thể điều khiển ngọn lửa để cho ra đời thứ màu men tuyệt diệu ấy. Được biết, vào những năm 2008, làng gốm Bát Tràng bị một phen lao đao, tưởng như không gượng dậy được do trào lưu gốm Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam. Nhiều gia đình đã tính đến chuyện phải ngừng lò, đi làm thuê để sinh tồn. Nhưng rồi người dân nơi đây đã vượt qua được tất cả khó khăn để từng màu men, từng nét hoa văn tinh xảo, từng lò gốm vẫn cháy lửa bập bùng… Trải qua vài trăm năm, làng gốm Bát Tràng đã sản sinh rất nhiều người con tài hoa, là nghệ nhân nổi tiếng về gốm. Những cái tên tiêu biểu của gốm Bát Tràng đương đại không thể không nhắc đến, đó là nghệ nhân Trần Độ, nghệ nhân Vũ Đức Thắng, Nguyễn Khang, Nguyễn Lợi, Tô Thanh Sơn... Trần Độ được mệnh danh là vua men gốm Bát Tràng bởi gia tài của ông có tới 70 bài men cổ được biến tấu từ nhiều công thức khác nhau. Ông phục dựng lại nhiều dòng men cổ như gốm men ngọc thế kỷ 11, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa Lam thời Mạc, gốm men rạn… Trần Độ cũng nổi tiếng với khúc biến tấu của những màu men mới như màu men đỏ, màu men chảy, màu thúy lam, màu men đá, men nâu… Với tài năng thiên bẩm, từ 10 tuổi, Trần Độ đã bước vào thế giới của gốm cùng biết bao say mê. Ông chính là người đại diện khơi nguồn cho hồn gốm cổ với khao khát vực dậy dòng gốm cổ đang chìm dần trước sự tấn công ồ ạt của các dòng gốm thương mại. Nếu như Trần Độ nổi tiếng bởi gia tài men gốm phong phú độc đáo thì nghệ nhân Vũ Đức Thắng lại nổi tiếng với tài nghệ đắp nổi, khắc hoa văn trên gốm. Chúng tôi có dịp được đến thăm ngôi nhà, cửa hàng và nơi sản xuất gốm của ông, ai cũng trầm trồ xuýt xoa vì vẻ đẹp và sự tinh tế trong cách bài trí. Những người khách Hàn Quốc trong đoàn tham quan đặc biệt thích thú với hai chiếc bình đắp nổi, mỗi chiếc cao gần 1m do ông Thắng tạo nên. Một chiếc được đắp nổi những hình ảnh hoa văn về một giai đoạn lịch sử nổi bật của dân tộc Việt Nam từ thời đại của vua Hùng đến các triều Lý, Trần, Lê, chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân năm 1975; chiếc kia thể hiện phong cảnh đặc trưng của đất nước như cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, chùa Một cột, Lăng Bác Hồ, thác bản Giốc, vịnh Hạ Long, dòng sông Hương thơ mộng… Cả hai chiếc bình này ông đã kỳ công vuốt bằng tay, mặc dù vuốt cả ngày cũng chỉ được 10-15cm sản phẩm, tỉ mỉ vô cùng. Ông cho biết, các họa tiết, hoa văn đắp nổi cũng phải làm bằng tay hết vì không có máy móc nào có thể thay thế sự sáng tạo được. Nhờ bàn tay khéo léo, ông đã truyền tải được những cảm xúc cũng như tình yêu của mình khiến những thớ đất trở nên mềm mại, có hồn và thật sống động. Ngoài hai tên tuổi ấy, còn những thế hệ Bát Tràng khác nối tiếp truyền thống để giữ gìn nét tinh túy của nghề gốm. Ngọn lửa tình yêu vẫn mải miết, rạo rực bắt nguồn và cháy bùng trong họ. Đó mới chính là vũ điệu nồng nàn nhất, ấm áp nhất, đẹp nhất đang ngày đêm được thắp lên trên mảnh đất kỳ diệu này… Quỳnh Mai |