Vu Lan tháng 7: Nỗi niềm “âm… thịnh”…

09:20 27/08/2017

Những năm gần đây, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cũng như trong nước khiến thị trường hàng hóa chưa thoát khỏi cơn bĩ cực. Nhưng lẽ đời, khi càng khó khăn người ta lại càng chú tâm vào niềm tin tín ngưỡng, cầu mong mọi điều suôn sẻ nên hễ có dịp là sắm lễ cầu may. Điều này đặc biệt thể hiện rõ nét trong lễ tết Vu Lan tháng 7 âm lịch.

Vài nét về tục xưa

Trải qua thời gian, sự trao đổi, giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau đã khiến lễ Rằm tháng 7 tại Việt Nam trở thành một niềm hỗn dung tín ngưỡng, cơ bản nhất là giữa báo hiếu tổ tiên và xá tội vong nhân.

Hiện có rất nhiều thuyết về lễ Vu Lan, nhưng một trong những thuyết phổ biến là câu chuyện ở Ấn Độ xưa có người tên Mục Kiền Liên tu luyện được nhiều phép thần thông.

Khi mẹ ông qua đời, ông dùng phép tìm khắp trời đất, thấy bà phải đày nơi ngọa quỷ, bị hành hạ đói khát khổ sở trong lửa đỏ. Mục Kiền Liên thương mẹ đã gửi cơm xuống tận cõi quỷ, nhưng cơm tới nơi không ăn được vì cũng hóa thành lửa đỏ. Ông tìm đến thỉnh Phật, Phật nói: “Lúc sinh thời mẹ người không sợ luật nhân quả, tham-sân-si đều có đủ, dối gạt nhiều người, tội ấy không thể dùng sức của một người mà cứu được. Nay ta khuyên người, hãy nương oai các vị chư tăng, Rằm tháng 7 tổ chức chú nguyện, hộ niệm cho cửu huyền thất tổ và mẹ người”.

Mục Kiền Liên làm theo, quả nhiên mẹ ông thoát nạn, từ ấy ngày Rằm tháng 7 được coi là ngày báo hiếu tổ tiên.

Còn theo tín ngưỡng dân gian, vào trước mỗi đợt làm mùa, người trần thường bị những cô hồn quấy phá, bèn than tới trời. Ngọc Hoàng mới lệnh cho Diêm Vương, cứ đến dịp này phải bắt hết cô hồn nhốt lại, bao giờ người trần lập đàn cúng thông báo mới được thả ra.

Vì việc làm đất gieo cấy vụ mùa thường kết thúc vào đầu tháng 7 âm lịch, nên cúng “xá tội vong nhân” xuất hiện và trở thành tục lệ. Trong cúng tế, người ta có ý ban phát lễ lộc, vừa tỏ lòng xót thương hoàn cảnh không nơi nương tựa, vừa tránh không bị chúng sinh quấy nhiễu.

Bởi sự hỗn dung tín ngưỡng từ các thuyết khác nhau nên khi cúng Rằm tháng 7 người ta làm hai mâm lễ, cúng tổ tiên tại ban thờ và cúng chúng sinh, cô hồn ở trước sân nhà. Trên mâm cúng tổ tiên, đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và hàng mã. Mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có quần áo nhiều màu sắc, bỏng ngô nẻ gạo, bánh kẹo, tiền vàng, gạo muối…

Khi cúng xong, hàng mã được đốt, gạo muối rắc khắp 8 phương, còn bánh kẹo chia cho hàng xóm hoặc gọi trẻ em đến lấy, nên có tục cướp chúng sinh là thế.

Khi người dương… “gặp khó”

Phong tục cũ ngày càng được phát triển theo trí tưởng tượng phong phú của quan niệm “dương sao âm vậy”, nhưng có một nét cơ bản nhất là người ta đều cầu mong những lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại. Rằng có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cầu là được, ước là thấy, đốt tiền giả được trả bằng tiền thật, lấy lòng người âm để được phù hộ khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ, thăng quan tiến chức...

Chính vì vậy, tín ngưỡng đôi khi bị biến thái. Ngay cả việc vi phạm pháp luật bị truy cứu, người ta cũng đổ tại thất lễ với người âm, tại quỷ quấy ma rầy, tại động mồ đổ mả…

Những năm gần đây, nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều ngành nghề làm ăn khó khăn, an sinh có phần bất ổn. Nhưng ngược lại, kinh tế càng khó thì không khí Rằm tháng 7 càng tỏ ra nhộn nhịp.

Năm Đinh Dậu này lại có tháng 6 nhuận liền kề, vì vậy thị trường hàng mã khởi động khá sớm, với đủ các loại được bày bán khắp các chợ chính lẫn chợ cóc, ngay nhiều cửa hàng kinh doanh tạp hóa, gạo mắm cũng tranh thủ xoay sang buôn mặt hàng này.

Những loại hàng mã truyền thống như ngựa, gươm, mũ áo đã bớt dần, thay vào đó là những mặt hàng theo xu thế thời đại như nhà lầu, xe hơi, điện thoại, laptop…

Theo thông lệ, việc cúng lễ thường được tổ chức trong tuần trước ngày chính rằm, nhưng đối với những người “chịu chơi” thì phải rục rịch trước hàng tháng.

Ông Hoàng Đức P., chủ một doanh nghiệp buôn bán ô tô cho hay: “Dịp này xe ế, các cụ nhà tôi về trách trước kia làm ăn được lộc mà không chịu gửi cho các cụ, nên năm nay đói kém là phải…”.?

Chẳng biết do ông P. tự bịa hay suy diễn, nhưng để có một chiếc ô tô mã to như thật, người sống ngồi lên mà không hề hấn gì, ông phải thuê đặt làm từ tháng trước. Ông P. cho biết, năm nào ông cũng có “hàng độc” gửi vào cõi âm, có năm là đôi ngựa to như ngựa chiến, có năm là nhà cao tầng ngất ngưởng, rồi tiện nghi nội ngoại thất không thiếu thứ gì. “Người ta bảo dưới ấy máy bay không dùng được, chứ nếu cần tôi làm cả tàu vũ trụ…”, ông P. quả quyết nói.

Đấy là chuyện của người chịu chơi, còn rất nhiều người dân năm nay vẫn cúng theo phong cách giản dị. Chị Phạm Thị T., cán bộ ở một doanh nghiệp bộc bạch: “Em không hiểu lắm, nhưng theo lệ người ta làm mình cũng phải làm, thời gian chả có nên em toàn đi mua đồ làm sẵn…”.

Chị T. cho biết, thị trường hàng mã làm sẵn năm nay đắt hơn năm trước khoảng 15%, cụ thể ô tô du lịch đủ “thương hiệu” nổi tiếng thế giới từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/chiếc; xe máy từ 90.000 đồng đến 250.000 đồng/chiếc; Iphone hay Laptop từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/chiếc…

Tuy nhiên, nếu đơn giản hơn có thể mua các bộ được người bán soạn sẵn, có giá khá rẻ từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng, cúng quần áo cho chúng sinh không biết là nam hay nữ, cao hay thấp thì để nguyên “vải” là các tấm giấy mầu, giấy in hoa văn…

Tương tự như chị Phạm Thị H., bà Trần Thu N. ở phố Chợ Hàng cũng tâm sự: “Mình không có điều kiện, nhưng lễ nghĩa phải đầy đủ, dù không được báo đáp nhưng tâm lý cũng thoải mái…”.

Thị trường khó quản?

Lẽ tất nhiên, có cung ắt có cầu, đồ mã nói chung đã và đang trở thành một mặt hàng có thể nói là thiết yếu trong đời sống xã hội, được điều chỉnh bằng những nguyên nhân nhạy cảm, nên việc quản lý nó cũng… nhạy cảm. Chiểu theo các quy định thì không quá khó để nhận thấy những sai phạm hiển hiện khắp nơi trong thành phố.

Nhưng theo một cán bộ quản lý thị trường, thì bây giờ gần như nhà ai cũng tiêu thụ hàng mã, nên cấm đoán rất khó. Đồ mã thường công kềnh, giá trị thấp, phạt người bán cũng khổ, mà thu về thì bất cập trong vận chuyển và tiêu hủy, trong khi ngành quản lý thị trường đang rất thiếu lực lượng, phương tiện, kho tàng, và cả kinh phí nữa...

Nhưng dù sao, đã là hàng hóa thì cần phải quản chặt cho dù rất khó cấm, bên cạnh đó còn nhiều thứ liên quan như ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh hoạt cộng đồng, mất an toàn về cháy nổ... mà vụ việc cháy xưởng sản xuất hàng mã tại huyện An Lão cách đây hơn một năm khiến hai cháu nhỏ bị tử vong, vẫn nguyên vẹn là nỗi đau khó quên.

Vấn đề đặt ra là các nhà quản lý nên có cái nhìn linh hoạt hơn, ngay từ khi hoạch định chính sách để điều chỉnh cho mặt hàng này.

Gia Lê 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông