Vụ người dân bị phạt 90 triệu khi đổi 100 USD: Để không còn “tại anh, tại ả”…

08:38 07/11/2018

Những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao trước vụ việc anh thợ điện ở Cần Thơ bị cơ quan chức năng xử phạt 90 triệu đồng về hành vi đổi 100 USD tại tiệm vàng. Điều đáng nói là việc xử phạt này được áp dụng theo Điều 24, Nghị định 96/2014 được ban hành từ năm 2014. Nghĩa là hiệu lực thi hành đã được gần 4 năm nhưng nếu không có vụ việc trên thì còn rất nhiều người dân không biết hành vi đổi tiền tại các tiệm vàng không được cấp phép là vi phạm pháp luật…

Phạm luật vì không nắm được luật

Theo nội dung vụ việc, lúc 11h15 ngày 30-1, cơ quan chức năng bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực, Ninh Kiều) - đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện tự do, ở Ninh Kiều) với giá 2.260.000 đồng. Tờ tiền này do người thân của anh Rê ở nước ngoài gửi cho. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ số tiền trên.

Ngày 4-9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê do có hành vi Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Quyết định ghi rõ thời hạn nộp phạt là 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Nếu quá thời hạn mà anh Rê không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.

Anh Cà Rê có thể đối mặt với mức phạt 90 triệu đồng vì hành vi đổi 100 USD tại cơ sở không được cấp giấy phép

Tiệm vàng anh Rê đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng về hành vi Mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Cụ thể, cơ sở này bị phạt thêm 70 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định và 30 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Tổng mức phạt đối với cơ sở này là 295 triệu đồng; kèm hình phạt bổ sung là tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Việc xử phạt anh Rê được cơ quan chức năng căn cứ theo Điểm a, Khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014 ban hành ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ.

Nghị định này còn hướng dẫn xử phạt cơ sở kinh doanh không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện thu mua, quy đổi ngoại tệ. Thậm chí, với hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau, hay quy đổi không đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định... cũng sẽ bị phạt tiền...

Như vậy, chiểu theo quy định này thì mức phạt anh Rê không phải là ở mức cao nhất mà chỉ ở mức trung bình (90 triệu), gấp hơn 30 lần so với số tiền anh Rê đổi quy ra tiền Việt.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là người bị phạt khi nhận quyết định hoàn toàn bất ngờ về hành vi (trao đổi ngoại tệ) tưởng như bình thường của mình. Anh Rê thật thà bày tỏ không biết việc mình làm là phạm pháp. Đồng thời nại lý do (bản thân chỉ học hết lớp 3, hiện đi sửa điện dạo thu nhập bấp bênh, cần tiền đóng học phí cho con nên anh mang 100 USD được một người bạn tặng đến tiệm vàng đổi) để xin các cơ quan chức năng được miễn giảm hình phạt.

Trước vụ việc của anh Cà Rê, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều người cũng thẳng thắn chia sẻ rằng thực sự mình không nắm rõ hoặc không biết rằng có quy định của nhà nước về việc xử phạt những hành vi trao đổi, thu mua ngoại tệ tại những cơ sở không được cấp phép mặc dù quy định này đã chính thức có hiệu lực cách đây từ… 4 năm.

Để không còn “tại anh, tại ả”

Trước đây, người dân với nhiều nguồn thu nhập ngoại tệ khác nhau (từ gia đình, người thân, bạn bè, đối tác)… có nhu cầu chuyển sang tiền Việt; hoặc muốn mua vài trăm USD để tiện đi du lịch nước ngoài, đi xin việc, để dành… thường giải quyết đơn giản bằng cách đến tiệm vàng để trao đổi.

Có nhiều nguyên nhân khiến họ chọn tiệm vàng thay vì đến ngân hàng vì tiệm vàng thường gần nơi họ ở nhất; thủ tục thì quá đơn giản và nhất là tỷ giá trao đổi có nhích hơn chút ít so với các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, chính việc trao đổi ngoại tệ thoải mái tại nơi gọi là “chợ đen” này khiến cho nhà nước khó kiểm soát và quản lý. Nhất là vào thời điểm cuối năm khi lượng kiều hối đổ về mạnh mẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh tiền tệ và trật tự xã hội.

Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra đời năm 2014 trong bối cảnh tình trạng mua bán USD trên thị trường tự do vẫn còn tràn lan. Những đợt tỉ giá biến động khi đó khiến cầu USD từ người dân tăng cao gây sức ép lên chính sách điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Nghị định 96 được coi là động thái mạnh mẽ của nhà nước nhằm chống đô la hóa nền kinh tế một cách hiệu quả. Do đó các mức phạt trong Nghị định 96 đã được tăng nặng so với các quy định trước nhằm răn đe, thiết lập trật tự, kỷ cương trên thị trường vàng, ngoại hối; đồng thời nhằm nâng cao vị thế của đồng nội tệ.

Cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng quy định về trao đổi ngoại tệ

Thực tế, nghị định được thực thi đã có những kết quả nhất định trong việc quản lý ngoại tệ, không để bị đô la hóa. Với sự kiểm soát chặt chẽ đó, đến nay tình trạng mua bán USD ở thị trường "chợ đen" đã giảm nhiều, giá USD tự do cũng gần sát với giá trong ngân hàng thương mại hơn…

Tuy nhiên, mặc dù đã đi vào đời sống được 4 năm nhưng trên thực tế, tình trạng trao đổi ngoại tệ tại thị trường tự do vẫn còn tương đối âm ỉ. Có nhiều lý giải như so với tỷ giá USD ở các ngân hàng, mức chênh lệnh thu đổi ngoại tệ ở thị trường tự do nhỉnh hơn một chút khiến người đổi thấy lợi. Mặt khác, việc trao đổi ngoại tệ nhiều ngân hàng đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy trình nguyên tắc, điều đó lại khiến khách hàng coi đó là phiền phức và không muốn tuân thủ.

Khi nghị định được ban hành, các cơ quan quản lý đã chưa chú trọng đến công tác truyền thông mạnh mẽ để người dân cả nước thực sự hiểu và nắm rõ chủ trương đường lối và quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo Quy chế đại lý đổi ngoại tệ của NH Nhà nước, điểm giao dịch ngoại tệ được cấp phép phải có bảng hiệu ghi rõ tên của đại lý thu đổi ngoại tệ, tên NH thương mại ủy nhiệm bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thế nhưng, thực tế người dân ít nhận biết đâu là điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp nên họ cứ vô tư giao dịch USD tại các tiệm vàng bình thường. Mặt khác, do các điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp thường đặt tại các sân bay, khách sạn, trung tâm thương mại… không thuận tiện cho hầu hết người dân có nhu cầu.

Như vậy, nguyên nhân của vụ việc đã được xác định rõ là xuất phát từ chính những yếu tố chủ quan và khách quan từ phía người dân và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, với mức xử phạt và áp dụng vào trường hợp cụ thể như anh Cà Rê khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Có nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ rằng quy định của pháp luật đã ban, cứ chiểu theo luật mà thi hành để làm gương cho người khác. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng mức phạt như vậy là không phù hợp. Thậm chí vụ việc đã được đưa ra tại diễn đàn Quốc hội khi có đại biểu cho rằng mức phạt khi đổi 100 USD hay 100.000 USD đều từ 80 triệu đến 100 triệu là không phù hợp, cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Sáng 26-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đã giao cho Giám đốc NHNN Việt Nam cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc ông Nguyễn Cà Rê. Sau đó, lãnh đạo NHNN phía Nam sẽ tư vấn cho UBND TP Cần Thơ hướng xử lý phù hợp.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc UBND TP Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-10…

Từ vụ việc của anh Rê cho thấy hiện sự tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp chưa cao dù có thể do cố ý hoặc vô tình. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, sau vụ việc này, rõ ràng câu chuyện truyền thông của cơ quan quản lý phải làm tốt hơn, để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật nói chung và Nghị định 96.

Bên cạnh đó cũng cần phải xem Nghị định 96 phù hợp thật sự với thực tiễn bây giờ hay không? Chẳng hạn về mức phạt, cần phải phân nhóm khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ, thái độ, bối cảnh thị trường… để cơ quan quản lý quy định mức phạt cho phù hợp. Đồng thời cho thấy cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải tăng cường quan tâm, kiểm soát tốt hơn nữa đối với thị trường ngoại tệ chợ đen vốn thực sự vẫn chưa chấm dứt mà vẫn còn hoạt động âm ỉ.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông