Vụ tàu ngầm Indonesia mất tích: Nhiều nước sẵn sàng hỗ trợ tối đa

09:04 23/04/2021

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 22/4 cho biết quân đội Mỹ sẽ điều một đội không vận đến Indonesia hỗ trợ công tác tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402, mất tích cùng 53 thủy thủ từ ngày 21/4 khi đang diễn tập ở ngoài khơi bờ biển Bali.

Ông Kirby cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ "rất đau buồn" khi nghe tin về sự việc, đồng thời bày tỏ chia sẻ với các thủy thủ Indonesia và gia đình họ. Ông cũng thông báo: "Theo đề nghị của Chính phủ Indonesia, chúng tôi đã điều các thiết bị không vận để hỗ trợ tìm kiếm con tàu mất tích".

Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ trao đổi với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto trong ngày 23/4 "để chia buồn và thảo luận cách thức Mỹ có thể hỗ trợ".

Cảnh sát biển tham gia tìm kiếm tàu ngầm mất tích tại cảng Celukan Bawang, Indonesia, ngày 22/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc xuất hiện mảng dầu loang ở nơi con tàu được cho là đã nổi lên làm dấy lên phỏng đoán rằng khoang chứa nhiên liệu đã bị hư hại, gây lo ngại về khả năng đây là một thảm họa chết người.

Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cho biết tàu ngầm KRI Nanggala 402 có đủ dự trữ oxy cho thủy thủ đoàn trong 72 giờ, tức là đến sáng 24/4. Thời gian đang sắp hết và lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm các dấu hiệu định vị tàu.

Trước Mỹ, đã có Ấn Độ, Singapore và Malaysia tham gia nỗ lực cứu hộ. Hiện Australia, Pháp và Hàn Quốc cũng đã đưa ra đề nghị giúp đỡ.

* Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một tuyên bố ngày 22/4, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Jakarta cho biết Bộ Quốc phòng nước này tỏ ý sẵn sàng tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn phối hợp nhằm xác định vị trí tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Hải quân Indonesia bị mất liên lạc tại vùng biển phía Bắc đảo Bali vào sáng ngày 21/4.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Suh Wook đã chỉ đạo Hải quân sẵn sàng cho chiến dịch tìm kiếm tại Bali trong trường hợp phía Indonesia yêu cầu sự trợ giúp của Seoul. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul và Jakarta đang duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ trong lĩnh vực quốc phòng như một phần của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai quốc gia.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 (giữa) khởi hành từ căn cứ hải quân ở thành phố cảng Surabaya, đảo Java, Indonesia. Ảnh do quân đội Indonesia cung cấp ngày 21/4/2021: AFP/TTXVN

Chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đang tích cực triển khai với sự tham gia của hai tàu hải quân KRI Rigel và KRI Rengat được trang bị các thiết bị dò sóng sonar. Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, hải quân một số nước, trong đó có Australia, Ấn Độ và Singapore, đã đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ của Jakarta và đề nghị giúp đỡ tìm kiếm chiếc tàu ngầm gặp nạn. Phía Singapore đã cử tàu cứu hộ MV Swift Rescue, trong khi Malaysia điều động tàu cứu hộ Rescue Mega Bhati tham gia chiến dịch tìm kiếm.

* Chiến dịch cứu hộ tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia, mất liên lạc từ sáng 21/4, có bước tiến mới với việc Hải quân Ấn Độ quyết định điều một tàu lặn cứu hộ biển sâu (DSRV) tới trợ giúp.

Chiếc DSRV đã rời căn cứ ở Visakhapatnam, miền đông Ấn Độ. Đây là loại tàu đặc chủng, chuyên thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tàu ngầm bị đắm hoặc gặp nạn do thiên tai ở vùng biển xa.

DSRV - tàu lặn chuyên dụng cho các chiến dịch giải cứu tàu ngầm gặp nạn. Ảnh: The Week

DSRV được Ấn Độ đặt mua từ nhà thầu quốc phòng James Fishes (Anh) và là thiết bị được áp dụng những công nghệ, tính năng mới nhất về cứu hộ biển sâu. Hải quân Ấn Độ đã từng diễn tập cứu hộ tàu ngầm bằng DSRV, sơ tán thành công người từ tàu ngầm sang tàu lặn. 

DSRV được trang bị hệ thống cảm biến cùng với một thiết bị hoạt động điều khiển từ xa (ROV) giúp dọn dẹp các chướng ngại vật dưới biển sâu, xác định vị trí tàu đắm. Loại tàu lặn này có thể cứu hộ thủy thủ đoàn trên tàu ngầm gặp nạn ở độ sâu 650m. DSRV được đưa tới hiện trường cứu hộ bằng đường không hoặc đường biển.

Điểm mấu chốt nhất trong cứu hộ tàu ngầm bằng DSRV chính là quá trình ráp nối DSRV với cửa sập của tàu ngầm để tạo ra khoảng không gian khép kín giúp sơ tán thủy thủ đoàn sang tàu lặn. Do được thiết kế đặc biệt, khu vực cửa sập của tàu ngầm luôn được gia cố chắc chắn hơn so với các điểm khác trên bề mặt tàu, giúp cho tàu ngầm chịu được tải trọng của DSRV khi ráp nối.

Hoạt động tìm kiếm từ trên không đã phát hiện các vệt dầu loang quanh khu vực nghi là vị trí tàu đắm. Hải quân Indonesia đã đưa ra nghi vấn tàu KRI Nanggala 402 xảy ra sự cố mất điện toàn bộ khi đang lặn tĩnh tại vùng biển Bali, khiến tàu mất kiểm soát không thực hiện được các quy trình khẩn cấp và bị chìm sâu xuống biển. Vùng biển này nông hơn những vùng biển khác của Indonesia song cũng có những nơi có thể sâu hơn 1.500 mét.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông