Vụ thảm sát kinh hoàng qua hồi ức của nạn nhân thứ 109

16:50 26/10/2013

Chúng tôi tìm đến khu vực bia căm thù Hồ 108 (trước kia là hồ Lâm) xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên) vào một ngày trời mưa giá lạnh. Giữa làn gió thu tê tái, ông Nguyễn Kiểm (sinh năm 1931) - người thứ 109 và cũng là người duy nhất còn sống sót sau vụ thảm sát kinh hoàng đã diễn ra chính tại nơi đây trong cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, đứng nghiêm trang trước tấm bia khắc tên 108 người dân yêu nước.
Chúng tôi tìm đến khu vực bia căm thù Hồ 108 (trước kia là hồ Lâm) xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên) vào một ngày trời mưa giá lạnh. Giữa làn gió thu tê tái, ông Nguyễn Kiểm (sinh năm 1931) - người thứ 109 và cũng là người duy nhất còn sống sót sau vụ thảm sát kinh hoàng đã diễn ra chính tại nơi đây trong cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, đứng nghiêm trang trước tấm bia khắc tên 108 người dân yêu nước. Vừa đọc tên từng người, vừa run rẩy lau những giọt nước mắt, ông nhớ lại khung cảnh tang tóc của cuộc chiến năm xưa…

Máu căm thù nhuộm đỏ nước hồ Lâm

Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25-10-1948, BCH Đảng bộ Thủy Nguyên phát động phong trào phá tề, trừ gian, với chỉ thị: “Tiến công đồn giặc, trừ gian diệt ác, phát động chiến tranh du kích”. Chỉ thị phát ra như tiếp thêm sức mạnh cho quân ta khiến cả vùng quê Thủy Nguyên bừng lên khí thế cách mạng hào hùng hơn bao giờ hết. Dân quân từ các xã bắt đầu nổi dậy phản công, truy quét những tên Việt gian, phản động. Và ngày 25-10-1948 là mốc lịch sử chói ngời của phong trào cách mạng huyện Thủy Nguyên: ngày cả huyện quật khởi. Cho đến nay đã tròn 65 năm nhưng những hồi ức về ngày khí thế cách mạng hừng hực ấy không thể nào quên đối với ông Kiểm.

                

                     Hồ Lâm, nơi từng chất ngập xác và đỏ máu của người Hoàng Hoa

Năm ấy ông tròn 18 tuổi. Cũng như bao thanh niên yêu nước khác mang trong mình nỗi căm thù giặc sâu sắc, ông Kiểm nghe theo tiếng gọi của Đảng, tham gia vào lực lượng du kích địa phương. Ông được phân về Tiểu đội 1, do đồng chí Đồng Xuân Băng làm Tiểu đội trưởng, thuộc Trung đội Trung Kiên, Đại đội Lê Lợi. Cuối năm 1948 và đầu năm 1949, các đơn vị du kích địa phương đã tổ chức một số trận đánh, tấn công bốt giặc, song không tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Để phát động phong trào, lần đó du kích ta đã cắm cờ lên ngọn đa đầu làng để biểu dương lực lượng. Ngay sau đó, giặc Pháp đã tức tốc đàn áp lực lượng du kích của ta, chúng tổ chức càn quét, điên cuồng cướp phá, đốt sạch nhà cửa ở hai thôn đầu xã.

Đỉnh điểm, chúng dồn dân làng Lâm đến đình Cả (cạnh hồ Lâm) để tra khảo hòng phát hiện chiến sĩ nằm vùng của ta, nhưng người dân quyết không khai nửa lời. Biết không thể khai thác được thông tin nào, chúng lập tức tàn sát, dùng súng bắn chết người, từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến trẻ nhỏ rồi vứt xác xuống hồ. Hơn 40 người bị vùi thây dưới bàn tay tàn bạo của quân thù. Tổng cộng qua vụ càn ấy của địch, đã có 108 người gồm du kích và dân làng bị địch sát hại. Hồ Lâm biến thành một bể xác nhuộm đỏ màu máu, sôi sục ý chí căm thù…

Kí ức ngày kinh hoàng

Trên cơ thể ông Kiểm giờ đây còn lưu lại những vết sẹo của cuộc tra tấn man rợ trong cái buổi chiều lịch sử ngày 11-2-1949. Nhìn phần ngực ông Kiểm hõm lại một bên, trên cổ vẫn còn sẹo do dao găm đâm khiến ai cũng phải rùng mình.

Ông vẫn nhớ như in thời khắc mà ông phải chứng kiến biết bao người thân, đồng đội bị giết hại một cách dã man dưới tay quân thù. Chiều hôm đó, có 3 tên lính Âu - Phi hung hãn lên cướp bóc làng xóm, hãm hiếp phụ nữ. Nhận được tin báo, lực lượng dân quân tổ chức vây bắt, kết quả bắn chết được 2 tên, bắt sống được 1 tên. Bộ đội cử người dẫn giải tên bị bắt sống về Cao Nhân, Hợp Thành. Ngay sáng hôm sau, giặc Pháp tổ chức bao vây hòng giải cứu tên lính bị bắt sống kia. “Lúc này, tôi đang trinh sát thì nghe thấy tiếng động cơ cano chạy đột nhiên tắt máy. Một bộ phận chỉ huy quân địch chạy từ Hải Phòng bằng tàu chiến đổ bộ vào. Sau khi tắt máy nổ khoảng 5 phút, Pháp nổ 3 phát súng. Tôi vội vã chạy vào báo cáo cấp trên rồi cùng tổ chức lực lượng để phục kích tiêu diệt địch”, ông Kiểm bồi hồi nhớ lại.

                   

                   Ông Kiểm và thế hệ trẻ kính cẩn dâng hương bên đài tưởng niệm hồ 108

Tuy nhiên lúc đó vũ khí của tiểu đội còn ít ỏi, chỉ có 2 khẩu súng, mã tấu, kiếm, 2 quả mìn. Trong khi đó, lực lượng địch hùng hậu kéo đến cả tiểu đoàn. Nhận định tình hình địch quá mạnh, quá đông, ta không thể trực tiếp đương đầu, phải bảo toàn lực lượng, tiểu đội trưởng bèn hạ lệnh tạm thời rút quân. Tuy nhiên, trước đó vài hôm, Thủy Nguyên mưa trắng trời, nước ngập khắp nơi, ngập hết cả hầm nên mạnh ai người nấy tản đi.

Đến chiều tối, bọn giặc Pháp phát hiện và bắt được ông Kiểm cùng ông Tửu. Chưa hết, chúng bắt những người già, phụ nữ, cả trẻ em trong làng tập trung hết cả ở sân đình để tra khảo. Chúng tách hai ông ra hai chỗ khác nhau để tra tấn nhằm kiểm chứng lời khai.

Giọng đau thương nhưng đầy kiêu hãnh, ông Kiểm kể lại: Nhóm lính da đen và da trắng thay nhau đấm đá, dùng dao xẻo da thịt ông Tửu, song cũng không cạy được nửa lời. Biết không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung, chúng dìm ông Tửu xuống một chiếc hầm ngập nước. Giết chết ông Tửu, chúng quay sang tra tấn ông Kiểm.

Tên lính Tây, mình lực lưỡng tức tối đầu húc vào ngực ông. Ông Kiểm khi ấy mới 18 tuổi, vóc người nhỏ bé. Cú đánh mạnh đến nỗi làm gãy 2 xương sườn, ngực ông nghẹt thở. Không khai thác được gì, chúng quẳng ông Kiểm ra góc sân đình Cả. Ông kể: “Mình nằm đó chứng kiến đồng bào bị tàn sát vô tội mà không cách gì giúp được. Đau lắm, chua xót lắm! Hận rằng không thể vùng lên mà giết chết bọn chúng”. 

Đến sáng hôm sau, mấy tên lính da đen dí súng vào lưng dẫn giải ông đi. Một nhóm khác khiêng xác những người bị hành quyết về phía hồ Lâm và ném xuống đó. Trên đường đi, ông Kiểm đau xót chứng kiến cảnh hai đồng chí của mình bị tra tấn, treo ngược lên cành cây. Bọn lính thi nhau đấm đá như bao cát. Nhưng mãi không khai thác được gì, chúng quay sang dùng dao găm xẻo thịt, cắt gân, dùng lưỡi lê thọc vào đùi tứa máu rồi cắt dây, khiêng xác ném xuống hồ Lâm.

Đến lượt ông Kiểm, chúng treo ông lên rồi thay nhau đánh đập nhưng ông vẫn “im như thóc”. Điên tiết trước sự kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, tên lính Pháp đâm liên tiếp 3 nhát dao găm thấu ngực ông. Máu tuôn xối xả, ông Kiểm mê man, đau nhức tận óc. Hắn giơ chân đạp ông nằm sấp xuống đất rồi đâm tiếp 3 nhát vào lưng trái, chỗ tim, một nhát vào cổ, 2 nhát vào thái dương, một nhát ở mang tai, một nhát ở mông. Tổng cộng 11 nhát dao vẫn còn vết tích trên cơ thể ông Kiểm cho tới tận ngày hôm nay. Thấy người du kích bất tỉnh không còn động đậy, máu chảy thành vũng, nhuộm đỏ cơ thể, chúng tưởng ông đã chết rồi nên bỏ đi.

Khi bọn giặc rút đi, ông gượng sức lê ra sân đình Yến thì đã thấy nhân dân nháo nhác đi tìm xác người thân. Tiếng gào khóc ai oán vang lên khắp ngả. Không khí tang tóc bao phủ khắp làng. Người lính già đau xót kể lại: “Lúc tỉnh lại tôi mới biết mình là người bị bắt duy nhất may mắn còn sống sót sau cuộc thảm sát khủng khiếp đó. Có những gia đình bị chết cả, có người vừa sinh con được ba tháng phải chứng kiến cái chết của chồng, của cha. Đau khổ, phẫn uất đến tột cùng… Bọn chúng tàn ác quá, từ cụ già 70 cho đến đứa bé 14 tuổi cũng không tha. Đau một thì chúng tôi phải căm thù chúng gấp trăm, gấp ngàn lần…”.

Chia tay ông Kiểm, chúng tôi ra về, mưa vẫn lất phất bay, hàng cây bên hồ vẫn lặng lẽ tỏa bóng xuống mặt nước. Ông Kiểm ngồi lại đó, trầm ngâm nhớ về những ngày lịch sử xa xôi ấy. Thấm thoắt đã 65 năm ngày Thủy Nguyên quật khởi nhưng những hồi ức về một thời cách mạng của vùng đất anh hùng như vẫn không lúc nào nguôi trong trái tim ông.


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông