Vui, buồn chuyện phóng viên đi cơ sở

16:58 11/06/2011

Báo chí là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Để có những tin bài hấp dẫn bạn đọc, phản ánh chân thực, khách quan cuộc sống một cách sinh động nhất, có độ tin cậy cao nhất, một trong những tác nghiệp quan trọng nhất của phóng viên là phải đi cơ sở. Hiểu nôm na thì cơ sở là nơi cung cấp các nguyên liệu thô cho nhà báo “chế biến” thành tin bài.
Báo chí là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Để có những tin bài hấp dẫn bạn đọc, phản ánh chân thực, khách quan cuộc sống một cách sinh động nhất, có độ tin cậy cao nhất, một trong những tác nghiệp quan trọng nhất của phóng viên là phải đi cơ sở. Hiểu nôm na thì cơ sở là nơi cung cấp các nguyên liệu thô cho nhà báo “chế biến” thành tin bài.

Phóng viên Trung Kiên (phải) xuống cơ sở phỏng vấn nhân vật
Phóng viên Trung Kiên (phải) xuống cơ sở phỏng vấn nhân vật

Đến bây giờ sau nhiều năm làm báo chuyên nghiệp mới ngộ ra được vậy, chứ ngày đầu đi cơ sở tôi vẫn còn dấm dớ lắm. Nhớ nhất lần tiếp xúc với giám đốc một doanh nghiệp, dù có điện thoại hẹn trước, song tôi vẫn bị động. Trước vị giám đốc bệ vệ, quần áo là lượt thơm tho trong căn phòng to rộng, máy điều hoà mát lạnh, 5-6 nhân viên được triệu tập để giúp giám đốc tiếp nhà báo toàn nam thanh nữ tú, tôi hơi bị choáng ngợp. Từ sinh viên ra trường tôi bập vào nghề làm báo trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều eo hẹp, quần áo xuềnh xoàng, chiếc xe đạp cà tàng, va chạm xã hội còn ít, lại thêm sự mặc cảm khiến tâm lý hay mất tự tin.

Thế là tôi đờ người ra, cái nắng nóng hầm hập ở ngoài đường phố dẫu đã được máy lạnh xoa dịu mà mồ hôi trên trán tôi vẫn lấm tấm. Một nỗi sợ hãi không gọi tên ra được tự dưng len lỏi vào tâm thức làm tôi sau tiếng chào mọi người thì hoàn toàn câm lặng, phải tới mấy phút sau tôi vẫn không thốt được lên tiếng nào, không biết bắt đầu từ đâu. Sau cùng thì tôi cũng lấy được tài liệu với thái độ bối rối, nói năng nhát gừng, chẳng đâu vào với đâu. Sự thể còn tốt chán so với nhiều lần đi cơ sở... là tôi cứ đi, ngay cả ra ngoại tỉnh như tới Bắc Giang, về Nam Định, cho tới cả Móng Cái đến lúc về “trắng tay” không lấy được mẩu tài liệu nào cho ra hồn, đã buồn chán lại bị sếp “giã” cho nhiều trận tơi bời khói lửa.

Từ những cú “choáng” đầu đời “báo nghiệp” ấy, sau này mỗi khi đi cơ sở, tôi thường vạch trước vào sổ công tác của mình một số gạch đầu dòng để chủ động khai thác tài liệu: những vấn đề cần hỏi, những văn bản có liên quan đến vấn đề đó đề nghị được cung cấp, những quan điểm cần trao đổi với cơ sở... Một số đồng nghiệp lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm làm báo cũng trao đổi giúp tôi một vài cách thức, kỹ năng, những mẹo vặt khi đi cơ sở, trong đó có các khâu giao tiếp, cách đặt vấn đề thế nào để cơ sở có thể yên tâm khi cung cấp tài liệu cho mình, cách gợi chuyện, bám vào tài liệu cơ sở cung cấp cho mình để hỏi thêm; phải biết cách làm công tác dân vận, chớ coi thường ai dù chỉ là một anh bảo vệ, hay một cô văn thư; sử dụng “tay trong” những lần đi làm điều tra phóng sự thế nào; phải có kế hoạch và chuẩn bị tốt hành trang khi đi công tác tỉnh ngoài thế nào…

Những bài học đó tôi tiếp thu rất nhanh, song không có gì bằng thực tế là đi cơ sở, lăn lộn với cơ sở, trường đời chính là nơi đào tạo nghề, giúp chúng ta trưởng thành nhanh nhất. Có một đồng nghiệp bảo tôi: “Nhà báo cái gì cũng biết, nhưng thực ra... chả biết cái gì”. Quả thực, chỉ cần sơ sểnh ra là sự cố xảy ra. Có lần viết về một trọng án, cơ sở cung cấp có cả tài liệu điều tra, tài liệu trinh sát, dạo đó mới vào nghề còn “non”, tôi chưa phân biệt được tài liệu nào đã được chuyển hoá thành tài liệu có tính pháp lý cứ thế “bệ” hết lên mặt báo. Lần đó, tôi bị kiện. Đúng là mỗi lần vấp là một lần bớt dại.

Cơ sở chính là nơi làm tôi bớt đi rất nhiều sự khờ khạo nông nổi thuở ban đầu. Họ là các cơ quan công an, các tổ đội công tác, là điều tra viên, trinh sát, các công ty doanh nghiệp, UBND các xã, phường, là những người công nhân, nông dân, những người lao động cần lao. Ở đó tôi hiểu được cách đánh án của cảnh sát hình sự, cách tổ chức điều tra để phá được những vụ án mờ, thế nào là tài liệu trinh sát, đâu là tài liệu tố tụng, rất nhiều bài học vỡ lòng về nhiều lĩnh vực khác nhau mà người làm báo phải học; thậm chí cả lời ăn tiếng nói trong dân gian, cách dùng ngôn ngữ của từng người có những câu từ hết sức độc đáo đặc sắc, những thành ngữ, thuật ngữ chỉ dân vùng miền, chỉ người làm nghề ấy mới nói.

Sức cổ vũ động viên cái tốt, cái tích cực là rất lớn, song sức công phá vào cái xấu, cái tiêu cực của những thông tin, bài báo cũng ghê gớm làm cho chính cơ sở cung cấp tài liệu cho nhà báo nhiều khi phải dao động. Vào năm 2003-2004, khi ấy sự kiện bãi rác Tràng Cát (quận Hải An) đang sôi lên với việc người dân bị kẻ xấu kích động không cho xe vào bãi đổ rác, một số cán bộ địa phương bị công an bắt vì lạm dụng chức quyền, chúng tôi về thu thập tài liệu để viết bài. Bối cảnh đang hết sức căng thẳng, bên ngoài dân tình xao động, trong trụ sở UBND phường Tràng Cát vắng lặng như thể đang hồi hộp chờ đợi tiếp những biến cố mà cá nhân nào cũng cố né tránh.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND phường tạm thời thay mặt chính quyền điều hành sau khi Chủ tịch bị bắt, tiếp chúng tôi ơ hờ, rồi lắc đầu quầy quậy: “Các ban ngành thành phố còn chả ai dám nói, chúng tôi biết nói gì bây giờ”. Cũng không thể dồn ép cơ sở vào thế bí, tôi lựa lời và đặt thẳng quan điểm: Phóng viên đặt câu hỏi. Anh nghe xong, trả lời được câu nào thì anh nói, không thì anh cứ từ chối. Đồng chí Phó chủ tịch đồng ý, và tôi khéo léo gợi chuyện, biến cuộc làm việc lấy tài liệu bằng những câu chuyện trò, hỏi thăm tình hình KTXH của địa phương. Đây là những tài liệu rất quý tôi thu thập được từ cơ sở trong chuyến đi thực tế đó giúp tôi hoàn thành 3 kỳ báo về sự kiện bãi rác Tràng Cát, và đó là tác phẩm đạt giải báo chí Hải Phòng lần thứ 2.

 Đi thực tế nhiều, va chạm cơ sở nhiều mới thấy rằng, làm báo, nhất là báo ngành công an mọi tin, bài nêu trên báo cần phải tuân thủ nghiêm ngặt 3 yếu tố: chính trị - nghiệp vụ - pháp luật. Khi khai thác tài liệu, được cơ sở cung cấp đầy đủ thông tin rồi tự mình phải làm bài tính: xem thông tin ấy đưa lên báo có lợi hại gì cho đại cục, cho cơ sở, địa bàn mình đang theo dõi, đo đếm phản ứng của người hoặc có nhân thân ở “vai phản diện”; xem thông tin chi tiết có đảm bảo yếu tố phản ánh của báo chí (tính nghiệp vụ báo chí và nghiệp vụ công an) hay không; xem có đảm bảo tính pháp lý (tổ chức, cá nhân ấy có được quyền phát ngôn) hay không. Các thông tin, bài viết được chắt lọc qua tài liệu, tưởng đơn giản nhưng đó là cả một cuộc tính toán, rà soát, kiểm tra, thận trọng tới từng câu chữ.

Đi cơ sở, phóng viên được tiếp xúc muôn hình vạn trạng của cuộc sống, được tiếp xúc không biết cơ man là cảnh, là phong tục tập quán, lề thói ở mỗi vùng miền, và biết bao là người, thuộc đủ các giai tầng xã hội, với nhiều cung bậc cảm xúc ở họ và chính mình. Đó là những ái - ố - hỷ - nộ, là không nhập cuộc thì khó ai có thể hình dung nổi. Một lần đi điều tra về tình trạng trẻ ăn xin, chúng tôi vào vai cán bộ ngành LĐTBXH về xã Tân Dương, Thuỷ Nguyên để thâm nhập, lấy tài liệu. Người được coi là “đầu nậu” chuyên chăn dắt trẻ em ăn mày, bà Gà cứ cười nói phớ lớ như... chỗ không người: “Ờ, năm ngoái cũng có ông nói là người LĐTBXH về tìm hiểu trợ cấp cho trẻ ăn xin. Hỏi qua hỏi lại, hôm sau ông ấy cho đăng báo “giã” tôi là khọm già, bắt trẻ đi ăn xin về cúng nạp cho tôi...”.

Đồng chí trưởng CAX cũng vui tính mới “mớm chuyện” rằng: “Nếu bây giờ, bà gặp lại ông nhà báo ấy thì sẽ làm gì?” Tưởng bà ta sẽ nổi giận xung thiên, nào ngờ bà Gà cười ha hả, mắt mũi nhăn tít lại rất “điêu” rồi phán: “Tôi sẽ... ôm chặt ông nhà báo ấy!”. Còn biết bao buồn vui sướng khổ, gian truân lận đận của những lần xuống cơ sở thâm nhập thực tế; khi đêm hôm lạnh giá, lúc nắng lửa trưa hè, cơ sở cứ “ới” là anh em chúng tôi lên đường; những lần hỏng xe giữa đường, khi về quê đi lối mòn không quen lao cả xe xuống ruộng, “sếp” gọi điện giục giã bài vở, trong khi tài liệu, máy ảnh quăng quật, hỏng hóc, ướt nhèm, sao nghĩ thân phận cái nghề của mình hẩm hiu đến thế.

Có cơ sở trong cả cuộc đời làm báo của ta luôn là địa chỉ đáng tin cậy để ta đi về không chút lăn tăn, xáo trộn tâm tư khi gặp gỡ họ; tiện bữa thì dùng cơm, uống chén rượu nhạt; khi biết chuyện vui, chuyện buồn của các thành viên trong cơ sở thì cố gắng tham gia chia sẻ; đi đâu về có miếng quà tấm bánh nếu may dịp gặp gỡ thì gửi biếu gọi là “tấm lòng”. Tất nhiên trong thời buổi cơ chế thị trường, mọi sự cứ “nói suông” với cơ sở là chưa đủ, còn là thế này thế khác trong những phức điệu muôn vẻ nghìn màu của cuộc sống, song chốt lại vẫn là cái tình, cái nghĩa, là chữ tín, cái tâm của người làm nghề.

Để được cơ sở tin cậy yêu mến, chốt lại vấn đề cuối cùng đối với cánh phóng viên chúng tôi không gì khác là những tác phẩm báo chí. Tin bài viết về sự kiện, hiện tượng do cơ sở cung cấp được đăng tải trên mặt báo thể hiện rất rõ khả năng tài nghệ của anh phóng viên. Cơ sở xem báo sẽ đánh giá được trình độ, bút lực, nhãn quan chính trị của anh, xem cái anh làm thứ nghề “nghe người ta nói, nói cho người ta nghe” viết vỏng thế nào để còn “biết đường” lần sau tiếp anh. Ấy là chưa nói tới việc anh làm mất thời gian của cơ sở tiếp anh, cung cấp tài liệu cho anh nhưng chờ đợi mãi vẫn “tịt”, chả thấy tăm hơi thông tin ấy đâu.

Ấy là chưa nói tới cái tin ấy, bài báo ấy sau khi đăng lên có phản tác dụng tuyên truyền đối với cơ sở, làm phiền, hoặc gây hoạ cho cơ sở hay không. Dân mình có phẩm chất khoan dung đại lượng, thôi thì trót nhỡ rồi sẽ bỏ qua. Song lần một, lần hai mà vẫn cứ “lặp” lại điệp khúc trên thì cơ sở sẽ lánh mặt chả muốn tiếp anh phóng viên ấy làm gì cho thêm rách việc. Nhiều phóng viên ban đầu xâm nhập địa bàn được cơ sở yêu quý, nhưng sau đó cho cơ sở vài “vố” nhớ đời bèn bị “đứt chân” là vậy!

Hiện phóng viên có nhiều nguồn để tiếp cận lấy tài liệu, không nhất thiết phải đi cơ sở. Song, chỉ kéo ở mạng xuống, lấy tin qua điện thoại, bài viết mang phong cách sa-lông hoá; không có hơi thở của cuộc sống phả vào trang bản thảo làm cho bài viết khô khan, èo uột. Dù đã gần 20 năm làm báo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, ngồi một chỗ nghe đọc một nội dung, một vấn đề tôi có thể hình dung được tới 80-90% sự việc, thể hiện được gần như đầy đủ nội dung của nó trên trang bản thảo, song sao vẫn cứ thèm đi cơ sở. Bởi ở đó ta gặp thêm một gương mặt mới, biết thêm một vùng quê yêu dấu với những cảnh vật khác lạ... tạo nên nguồn sống cho những trang bản thảo của mình, bồi đắp tâm hồn mình thêm phong phú để thêm yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề nhiều hơn.  


NGỌC PHÚC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông