Vững vàng hậu phương của những người lính biển

00:59 17/05/2014

 

 

Tàu Cảnh sát biển 8003 làm nhiệm vụ
Tàu Cảnh sát biển 8003 làm nhiệm vụ

Được mệnh danh là “quả đấm thép” của Cảnh sát biển Việt Nam, cùng với tàu CSB 8001, tàu CSB 8003 đảm nhận nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan HD 981 của Trung Quốc cắm đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam... Thật tự hào khi người thân của mình nơi đầu sóng, ngọn gió đang ngày đêm quyết tâm bám trụ, bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc, nơi hậu phương, những người vợ lính cảnh sát biển dường như càng thêm mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, đảm đương mọi công việc trong gia đình để chồng yên tâm công tác và chiến đấu.

Tự hào làm vợ lính biển

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của trung úy Nguyễn Trọng Linh, thợ máy tàu CSB 8003 ở khu Phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải, quận Hải An. Những ngày này, trong ngôi nhà nhỏ của trung úy Nguyễn Trọng Linh chỉ có người vợ trẻ và đứa con nhỏ ở nhà nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười vui. Vợ của trung úy Nguyễn Trọng Linh là chị Lê Thị Minh Sen cho biết, dù bận bịu thế nào, đến giờ ti vi phát chương trình thời sự, cả 3 mẹ con chị Sen đều không rời mắt khỏi màn hình. Mỗi khi đài đưa tin về lực lượng chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 đặt trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam trước sự ngăn cản hung hãn của tàu Trung Quốc, mẹ con chị vô cùng hồi hộp, lo lắng.

Đến khi hình ảnh tàu CSB 8003 dũng mãnh tiến vào tiếp cận giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, thì dường như mẹ con chị Sen đều không thể còn giấu nổi niềm vui sướng, tự hào. “Các con ơi, tàu của bố Linh kìa!” - chị Sen reo lên. Còn 2 đứa con nhỏ của chị Sen cũng mừng đến phát cuống cả lên, quay sang hỏi mẹ xem bố Linh đang ở chỗ nào trên tàu... Cứ thế, câu chuyện về bố Linh đi làm nhiệm vụ ngoài biển, ngày nào cũng được 3 mẹ con chị Sen bàn tán rôm rả cho tận đến lúc đi ngủ chưa thôi.

Chị Sen tự hào khi thấy tàu của chồng mình xuất hiện trên tivi
Chị Sen tự hào khi thấy tàu của chồng mình xuất hiện trên tivi

Mối lương duyên với chàng trai cảnh sát biển của mình được chị Sen kể lại, vào năm 2004, khi đó chị đang theo học tại Trường trung cấp du lịch Hải Phòng, sau mỗi buổi học, Sen lại về ở nhờ nhà người chị gái trên đường Đà Nẵng. Lúc này chàng trai lính biển Nguyễn Trọng Linh, quê huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương, ở nhà kế bên đã đem lòng thầm thương trộm nhớ người con gái quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Mối tình của Sen và Linh được 2 bên gia đình ủng hộ, nhất là bố mẹ Sen, vì cả 2 ông bà đều là cán bộ trong lực lượng Hải quân.

Cũng giống như nhiều đôi vợ chồng trẻ khác, vợ chồng Sen gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chị Sen cho biết, do chồng thường xuyên phải đi công tác xa dài ngày nên từ khi có đứa con gái đầu, Sen phải xin nghỉ việc bán hàng tại hiệu bánh Moka để ở nhà chăm sóc, đưa đón con đi học. Đến nay khi có thêm đứa con trai thứ 2 thì chị Sen lại càng bận rộn hơn. Kể cả thời gian không phải đi công tác xa, mặc dù làm việc ở gần nhà thật nhưng anh Linh cũng chẳng có mấy thời gian dành cho gia đình. Là lực lượng sẵn sàng chiến đấu nên anh Linh phải thường xuyên trực trên tàu, mỗi tuần chỉ được về thăm con 2 lần, mỗi lần được vài ba tiếng rồi lại phải lên đơn vị.

Thế nhưng do được sinh ra trong gia đình bố mẹ cùng trong lực lượng Hải quân nên chị Sen thấu hiểu được công việc và nhiệm vụ của chồng. Không chỉ là sự thấu hiểu mà chị Sen luôn tự hào được làm vợ lính biển. Bởi vậy mà từ bao lâu nay, việc nhà chị một tay lo toan tươm tất. Hơn nữa chị Sen còn rèn luyện bản lĩnh, tính cách trở nên mạnh mẽ hơn. Thế nên có lần giữa đêm mưa bão, đứa con nhỏ bỗng kêu đau bụng, nhìn sang hàng xóm đã đóng cửa đi ngủ hết, một mình chị Sen lại xách xe máy ra khoác áo mưa chở cả 2 đứa con vượt qua hơn chục cây số sang Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Đến lúc vào viện, các bác sỹ thấy tình cảnh đã động lòng nên nhận trông hộ đứa lớn để chị Sen đưa đứa nhỏ đi khám bệnh.

Chị Sen cho biết thêm, kể cả cho đến chuyến đi công tác vừa rồi, sau ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, anh Linh vừa từ quê ra là lên đơn vị nhận nhiệm vụ ngay. Phải cho đến khi tàu nhổ neo rồi anh Linh mới kịp nhắn tin về cho vợ lên đường ra vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của nước ta để làm nhiệm vụ đặc biệt. Lúc đầu nghe tin, chị Sen cũng cảm thấy lo lắng nhưng sau đó lại trấn an được ngay, mình cứ làm tròn vai trò hậu phương thì ở ngoài kia chồng mình cùng đồng đội sẽ có thêm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ. “Đi đâu tôi cũng nghe câu chuyện người dân hướng về biển Đông, họ tin yêu các chiến sĩ cảnh sát biển nên tôi tự hào về chồng mình” - chị Sen tâm sự.

Chị Sen cũng cảm thấy vững tin hơn khi bên cạnh mình luôn có những người thân động viên chia sẻ. Bố đẻ của chị Sen là ông Lê Đức Cổi, 67 tuổi, cho biết, ông cảm thấy rất vui khi nghĩ về con rể mình. Đây chính là lúc tổ quốc cần các con nhất, và tự hào hơn cả là các con mình phải xứng đáng với niềm tin đó. Vì vậy mà ông Cổi động viên con gái hãy vững vàng để cho chồng yên tâm cùng đồng đội không ngại hiểm nguy sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, vất vả và thậm chí là cả hy sinh...

Chu toàn việc nhà để chồng bám biển

Buổi chiều muộn trong căn nhà nhỏ ở khu Phú Xá (phường Đông Hải, quận Hải An), vợ của trung úy Phạm Kim Nghiêm, máy trưởng tàu CSB 8003, là chị Nguyễn Thị Thu đang một mình tất bật tắm rửa cho 2 đứa con nhỏ và chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Có khách đến nhà nhưng chị Thu không thể bỏ dở công việc nhà được mà vẫn phải vừa làm vừa tranh thủ tiếp khách... Cũng chẳng phải đến khi chồng đi công tác mới bận bịu thế này. Chị Thu nói và cho biết thêm, công việc của chồng mình, kể cả những khi tàu trong bờ cũng vẫn phải đi trực thường xuyên, hiếm hoi lắm mới có ngày nghỉ ở nhà đỡ đần vợ con. Bởi vậy mà mọi việc trong nhà từ bao lâu nay một tay chị Thu vẫn lo lắng quen rồi.

Mẹ con chị Thu thường xuyên cập nhật thông tin qua Internet về nơi anh Nghiêm làm nhiệm vụ
Mẹ con chị Thu thường xuyên cập nhật thông tin qua Internet về nơi anh Nghiêm làm nhiệm vụ

Lý giải tại sao một cô gái Hà Nội lại sẵn sàng bỏ lại công ăn việc làm ổn định với biết bao cơ hội đang chờ đón phía trước để đi theo chồng về Hải Phòng lập nghiệp, chị Thu cho biết đó chính là sự cảm phục tình yêu chân thành và mộc mạc nhưng cũng đầy bản lĩnh của người lính biển. Thu không phải quá si mê đến mức quên rằng sự gian nan vất vả, thậm chí là cả hy sinh khi làm vợ lính biển nhưng chị vẫn chấp nhận. Chị Thu vui vẻ cho biết, 2 vợ chồng trẻ về sống cùng nhau chỉ với 2 bàn tay trắng. Quê hương thì ở xa nên cũng chẳng có người thân nào bên cạnh để hỗ trợ mà phải hoàn toàn tự lập. Hàng ngày, sau khi hết giờ làm việc tại Ngân hàng Kiên Long, chị Thu lại hối hả đón con đi học về, rồi lại lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa... 

Thế nhưng bù đắp lại những nỗi thiệt thòi vất vả ấy, chị Thu tự hào cho biết chồng mình luôn dành trọn các kỳ nghỉ đưa vợ con đi chơi, thăm thú người thân, bạn bè. Và một điều không thể thiếu là một bữa cơm với những món ăn đầy hấp dẫn do chính tay người lính cảnh sát biển Phạm Kim Nghiêm nấu ăn để chiêu đãi mọi người trong niềm vui tràn ngập.

Và rồi cũng như bao đồng đội của anh, sau ngày nghỉ trở về đơn vị, anh Nghiêm được giao nhiệm vụ theo tàu ra vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc. Không còn thời gian để quay về nhà chia tay vợ con mà chỉ kịp nhắn tin thông báo đi công tác dài ngày. Chị Thu cũng chỉ biết chồng mình đi công tác như bao lần công tác khác, cho đến lúc xem ti vi mới biết tàu của anh Nghiêm đã ra ngoài vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Chị Thu tâm sự, lúc biết chính xác chồng mình ra đi làm nhiệm vụ ngoài khu vực biển - nơi đang có những diễn biến phức tạp thì cũng thấy lo lắng.

Thế nhưng sự lo lắng ấy qua nhanh, bởi tất cả những điều đó chị đã xác định và sẵn sàng “đón nhận” từ khi làm vợ lính. Và giờ đây, khi biết chồng mình đang làm nhiệm vụ hết sức cao cả, thì chị Thu lại càng cảm thấy tự hào. “Giờ đây cả gia đình tôi và bạn bè luôn ở bên cạnh anh, mong anh vững vàng nơi sóng gió để bảo vệ vùng biển của tổ quốc”, chị Thu bộc bạch.

Tàu tuần tra 8001 lớp DN-2000 của Cảnh sát biển
Tàu tuần tra 8001 lớp DN-2000 của Cảnh sát biển

 

Hai "quả đấm thép" của Cảnh sát biển Việt Nam là tàu CSB 8001 và tàu CSB 8003 được nhận nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan trái phép HD 981 với kỳ vọng sẽ đủ sức cân bằng với các lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan đang hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Đồng thời đây là những con tàu hiện đại, có khả năng liên lạc tốt với Trung tâm chỉ huy, giúp Bộ tư lệnh có thể xử lý những tình huống phức tạp xảy ra trong quá trình các tàu thực thi nhiệm vụ trên biển.

Cũng giống như vợ của trung úy Nguyễn Trọng Linh hay trung úy Phạm Kim Nghiêm, nhiều người vợ, người mẹ của các chiến sỹ cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ trên vùng tổ quốc mà tôi đã được gặp, trong sâu thẳm mỗi người đều có sự lo lắng, nhưng vượt lên tất cả là niềm tin, niềm tự hào về chồng, về con của mình. Tất cả họ đều hết sức vững tâm làm tròn trách nhiệm nơi hậu phương để chồng, con mình yên tâm làm nhiệm vụ.

TRẦN VĂN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông