WEF giúp Việt Nam chuẩn bị cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

21:51 24/04/2017

WEF họp báo công bố sự kiện Diễn đàn Davos 2017. (Nguồn: Vietnam+)

Trong dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 47 tại Davos, Thụy Sĩ tháng 1/2017, Việt Nam đã trở thành đối tác đầu tiên với WEF trong khuôn khổ thỏa thuận Hợp tác công tư (PPP). Đây là mô hình hợp tác mới mà WEF dự định triển khai với các nước và Việt Nam đã được chọn là ứng viên đầu tiên để xây dựng hình mẫu hợp tác mới. 



Phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ mới đây đã có cuộc trao đổi với Giám đốc điều hành của WEF Philip Rosler về thỏa thuận này.



Là người Đức gốc Việt và từng giữ chức Phó Thủ tướng Đức, ông Rosler có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy thỏa thuận trên với Việt Nam. 



Ông Rosler cho biết mục đích của thỏa thuận là WEF muốn xây dựng một mối quan hệ đối tác tin cậy với Việt Nam về việc trao đổi thông tin cũng như mong muốn hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị và tiến vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những hoạt động hợp tác cụ thể là WEF mở các khóa đào tạo để hiểu về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những thách thức và cơ hội đặt ra đối với Việt Nam. 



Số người có thể tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo, các hội nghị, hội thảo và thực tập tại WEF, các tổ chức đối tác có thể lên tới 2.000 người/năm. Với một thiện chí hợp tác rất lớn, phía WEF cho biết tổ chức này sẽ tài trợ tất cả các hoạt động hợp tác giữa WEF với Việt Nam. 



Ông Rosler tỏ ra rất lạc quan về triển vọng hợp tác giữa WEF và Việt Nam trong tương lai, trong bối cảnh quan hệ đối tác WEF-Việt Nam được xây dựng trên nền tảng nhiều năm hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Khoảng 20 tập đoàn đối tác của WEF đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển nông sản chất lượng cao và họ muốn nâng hợp tác này lên một tầm cao mới. 



WEF mong muốn hợp tác toàn diện với Việt Nam, từ công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, thương mại, thông tin, dịch vụ, vấn đề biến đổi khí hậu đến các vấn đề về di dân, an ninh kinh tế... Cơ chế hợp tác này được xác định là không giới hạn. Điều này sẽ mở cho Việt Nam quyền tiếp cận, sử dụng các nguồn lực, mối quan hệ mà WEF có để phục vụ cho phát triển đất nước. 



Về bước đi, WEF muốn tiếp cận mô hình hợp tác đối với Việt Nam ở 2 khía cạnh. Một là giúp Việt Nam định hình chiến lược quản lý, hoạch định chính sách thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hai là thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam triển khai trên thực tế quan hệ hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã, đang và sẽ là đối tác của WEF. 



Tại Diễn đàn WEF ASEAN dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới tại Campuchia, phía WEF sẽ có các buổi làm việc với Việt Nam. Một trong những nội dung trao đổi giữa hai bên sẽ xoay quanh thỏa thuận PPP kể trên. 



Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tham dự Diễn đàn tại Campuchia. 



Với tầm ảnh hưởng toàn cầu và là tổ chức phi chính trị, sức hút của WFF, một tổ chức đơn thuần về chuyên môn, được thể hiện rõ qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos được tổ chức hằng năm. Với trung bình khoảng 3.000 quan khách tới vùng núi xa xôi thuộc dãy Alpes phía Bắc Thụy Sĩ tham dự, Diễn đàn Davos là diễn đàn kinh tế quy mô lớn nhất được tổ chức tại châu Âu. 



WEF có một mạng lưới các đối tác bao gồm hàng nghìn doanh nghiệp, tập đoàn, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Nếu Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của WEF, Việt Nam sẽ được quyền tiếp cận và khai thác tất cả những nguồn lực mà WEF sở hữu để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế. 



Việt Nam là đối tác đầu tiên mà WEF muốn ký PPP và mô hình này nếu thành công sẽ được nhân rộng. Như vậy, nếu tham gia tích cực, chủ động vào xây dựng mối hợp tác chiến lược này, vị thế và vai trò của Việt Nam sẽ được nâng lên và Việt Nam sẽ trực tiếp tham gia xây dựng nên luật chơi toàn cầu. 



Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế quốc tế, thỏa thuận hợp tác công tư giữa WEF và Việt Nam với "chi phí đóng góp bằng 0" là cơ hội rất lớn để Việt Nam tranh thủ đưa hàng ngàn lượt cán bộ sang nghiên cứu, thực tập và cùng làm việc, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của WEF. 



Việt Nam là đối tác đầu tiên nên càng phải nhanh chóng tận dụng sân chơi kinh tế lớn này để quảng bá hình ảnh, đóng góp và thể hiện trách nhiệm trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời cùng WEF xây dựng luật chơi cho các đối tác sau của WEF.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích