Xã Hữu Bằng (Kiến Thụy): Phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn trên địa bàn được thu gom, xử lý đạt 95%

14:59 31/03/2022

Xác định việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp trong tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc nâng cao công tác phân loại xử lý rác thải tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cán bộ phụ nữ xã hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nhà

Đã từ lâu, rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề “nóng” được UBND xã Hữu Bằng hết sức quan tâm, bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu hoàn thành tiêu chí môi trường trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Qua thống kê, với dân số khoảng hơn 10 nghìn người như hiện nay, lượng rác thải rắn hàng ngày trên địa bàn xã là khá lớn. Từ trước đến nay, rác sinh hoạt của người dân chủ yếu được tập kết tại các bãi rác tạm của các thôn trong xã. Việc hình thành các bãi rác tạm đã giảm thiểu được tình trạng người dân vứt rác xuống các ao hồ, sông, kênh mương thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, với việc xử lý rác thải chủ yếu là đốt và chôn lấp theo cách thủ công nên sau một thời gian đi vào hoạt động, các bãi rác tạm đã quá tải. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đường làng ngõ xóm và đời sống sinh hoạt của người dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bãi rác tạm bị quá tải, trong đó chủ yếu là việc rác thải không được xử lý đúng cách ngay tại nguồn. Hầu hết các hộ gia đình đều có thói quen cho tất cả các loại rác thải sinh hoạt từ đồ ăn thừa, vật dụng hỏng, chai lọ… vào chung một túi đựng rồi để cho công nhân thu gom mang đi mà không có sự phân loại ngay từ đầu. Điều này dẫn đến một lượng lớn rác có thể tái chế không được tận dụng, dẫn đến lãng phí tài nguyên và mất nhiều thời gian, chi phí xử lý. Để giải quyết tình trạng này, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Bằng đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể cùng chung tay vào công cuộc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Chính quyền xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, từng cơ sở thôn, trong đó tập trung đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, hướng dẫn về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn xã bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả để thay đổi căn bản, toàn diện trong tư duy nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân. Từ đó chuyển thành hành động thiết thực, cụ thể trong công tác quản lý rác thải sinh hoạt cũng như khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Xã đã cử cán bộ đến từng hộ gia đình hướng dẫn về quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, lựa chọn hình thức xử lý rác hữu cơ phù hợp với điều kiện của mỗi hộ dân để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với các hộ gia đình có vườn, xã vận động người dân tự đào hố để chôn lấp, tận dụng các vật dụng sẵn có như các vỏ thùng, vỏ hộp có thể sử dụng chứa rác hữu cơ; các vật dụng bằng tôn, tấm lợp fibro xi măng, tấm bạt nilon, gỗ hoặc các vật liệu khác có thể sử dụng làm nắp đậy hố để xử lý thành rác hữu cơ. Đối với hộ gia đình không có vườn, xã đã hướng dẫn các gia đình chủ động phân loại các loại rác thành rác hữu cơ, vô cơ và tái chế rồi đem đến các bãi tập kết để được công nhân thu gom mang đi xử lý. Bên cạnh đó, định kỳ 1 tháng 1 lần, xã tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn xã: cắt cỏ, quét dọn ở các khu vực công cộng như trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị, các tuyến đường, hệ thống thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, trường học, các cơ sở sản xuất kinh doanh…

Cùng với đó, xã đã tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng cho nhân dân; hướng dẫn thu gom và xử lý trước tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất trồng trọt trên địa bàn xã. Đặc biệt, sau mỗi vụ sản xuất (tháng 6 và tháng 11), xã đã chỉ đạo các cơ sở thôn huy động lực lượng thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư ngoài đồng ruộng tập kết tạo nơi quy định để đơn vị chức năng ký hợp đồng vận chuyển xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Thống Nhất – Phó Chủ tịch xã Hữu Bằng cho biết,  trên cơ sở xác định khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày, xã đã đầu tư 50 xe chở rác giao cho các thôn quản lý, sử dụng; 72 thùng tác loại 100 lít và 50 thùng rác loại 200 lít đặt tại các điểm công cộng như chợ, trường học, nhà văn hóa,... Xã cũng đã xây thêm 2 ga rác tập trung đảm bảo các điều kiện không gây ô nhiễm môi trường đến các khu dân cư, đến nguồn nước sinh hoạt, thuận lợi về giao thông làm điểm tập kết rác. Rác sau khi tập kết về đây sẽ tiếp tục được các công nhân phân loại một lần nữa, sau đó sẽ được vận chuyển đưa đi xử lý.

Với việc triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn từ nguồn phát sinh đến xử lý cuối cùng, xã Hữu Bằng đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 95%; tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn đạt từ 50% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, UBND xã Hữu Bằng tiếp tục nâng cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể xã với các cơ sở thôn, tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân tham gia phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; lắng nghe tậm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích