Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế: Điều kiện có đủ, cần quyết tâm và hành động (Bài 2)

15:16 05/07/2024

Bài 2: Logistics là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của Hải Phòng Nghị quyết đại hội 16, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ thành phố xác định rõ logistics là một trong những trụ cột phát triển kinh tế cùng với công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, du lịch - thương mại. Đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30 - 35%/năm và tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20 - 25%/năm. Điều dó cho thấy logistics luôn được thành phố quan tâm và có nhiều giải pháp thực hiện, phát triển, với những đường hướng rất cụ thể và đạt kết quả bước đầu.

                                                       Cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách

         Hải Phòng đã triển khai hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Trung ương về phát triển logistics. Theo đó, đã cụ thể hóa quyết định số 200 ngày 14-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ (sau được bổ sung, sửa đổi bằng quyết định số 221 ngày 22-2-2021) về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.  Từ đó, HĐND thành phố ban hành nghị quyết số 38 ngày 10-12-2018; quyết định số 549 ngày 14-3-2019 của UBND thành phố thông qua quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

                                                Toàn cảnh Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu

       Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nghị quyết số 02 ngày 2-8-2021 về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. UBND thành phố cũng ban hành nhiều kế hoạch, chương trình với những định hướng cụ thể, các cơ chế, chính sách khá hấp dẫn và giải pháp phát triển logistics.

          Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ, thành phố Hải Phòng luôn xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế thành phố, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thành phố luôn nhất quán chủ trương: phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Đây là điều kiện quan trọng để logistics Hải Phòng phát triển.

          Hình thành các trung tâm logistics

          Hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 4 trung tâm logistics, gồm 2 trung tâm đã hoạt động là Trung tâm logistics Green; Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN DEEP C). 2 trung tâm đang được xây dựng là Trung tâm logistics CDC (KCN DEEP C 2) và Trung tâm logistics tại KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (DEEP C3).

           Điểm đột phá là thành phố Hải Phòng hỗ trợ, tạo điều kiện, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu - Lạch Huyện đang đầu tư xây dựng KCN và Khu phi thuế quan Xuân Cầu có quy mô 752 ha, bao gồm 369 ha khu sản xuất công nghiệp và 173 ha khu dịch vụ kho bãi – logistics; có tổng mức đầu tư 11.100 tỷ đồng. KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu nằm ngay sau và tiếp giáp 6 km chiều dài với Cảng nước sâu Lạch Huyện, là cơ sở hình thành một KCN gắn liền cảng biển hiện đại trong nước và khu vực. Đồng thời, dự án sẽ đóng vai trò là khu hậu cần cho Cảng Lạch Huyện, nơi có khả năng tiếp nhận các tàu container tải trọng đến 150.000DWT đi các tuyến biển xa trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ.

Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu với diện tích 752ha, vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng nằm ngay cửa ngõ cảng nước sâu Lạch Huyện, gắn kết với các KCN là một hình mẫu mới trong phát triển logistics của Hải Phòng

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, việc hình thành KCN  và khu phi thuế quan Xuân Cầu cùng hệ thống các cầu cảng nước sâu của Cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ góp phần tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng quốc tế Lạch Huyện cũng như khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp ở khu vực này. Dự án hứa hẹn thu hút những đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải biển - logictics, thiết lập nên một trung tâm trung chuyển hàng hóa mới, có tác động làm dịch chuyển luồng giao thương vốn có của thế giới; là cơ sở để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khu công nghiệp và khu phi thuế quan là một mô hình phát triển kinh tế có nhiều ưu thế, đang được khuyến khích và tạo mọi điều kiện thực hiện. Việt Nam có nhiều tiềm năng và cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng các khu phi thuế quan hiện đại, thông minh, phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu và KCN- khu phi thuế quan Xuân Cầu là một điểm đột phá, một hình mẫu trong lĩnh vực này được đầu tư xây dựng tại Hải Phòng.

          Bên cạnh đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540 ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000 ha, gồm 9 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.

       52 bến cảng thuộc hệ thống các Cảng biển Việt Nam với tổng chiều dài là hơn 14 km cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính, trong đó, nổi bật là khu bến cảng Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, đã được hoàn thành và đưa vào khai thác 2 bến khởi động từ tháng 5-2018, có thể tiếp nhận tàu lên tới 200.000 tấn; 4 bến tiếp theo hoàn thành năm 2025; 2 bến số 7,8 đang được triển khai và một loạt các bến tiếp theo khác đang có nhiều nhà đầu tư đăng ký là cơ hội tuyệt vời để phát triển logistics.

          Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại Hải Phòng cũng luôn chú trọng và tập trung đầu tư phát triển các trung tâm logistics. Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sao Đỏ cho biết: hiện nay, nhu cầu luân chuyển hàng hóa không ngừng tăng mạnh trong những năm qua, đặc biệt là vận tải đường biển, song đội tàu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hệ thống logistics của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Vì vậy, Sao Đỏ  đang tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực mới là cảng biển và logistics tại KCN nam Đình Vũ.

 Được kiến tạo trên ý tưởng khu công nghiệp gắn liền với cảng biển, KCN nam Đình Vũ có diện tích 1.329ha với 4 phân khu chức năng liên hoàn bổ trợ lẫn nhau tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hoàn chỉnh, đồng bộ và giàu tiện ích bao gồm: khu công nghiệp, khu cảng biển và hậu cần cảng, khu phi thuế quan, khu cảng dầu khí và hàng lỏng.

Cảng nam Đình Vũ  là một mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics lớn tổng thể trên toàn bộ hành lang kinh tế biển Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh.

Ngoài ra, cảng Nam Đình Vũ còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics lớn tổng thể trên toàn bộ hành lang kinh tế biển Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh. Với quy mô 65ha,  tổng số vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng và chiều dài 1,5km, cảng Nam Đình Vũ sẽ là cảng lớn nhất khu vực Đình Vũ, là đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của miền Bắc.

          Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logisitcs. Trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX..., chiếm 70-80% thị phần logistics. Lượng nhân công hoạt động trong lĩnh vực logistics chiếm xấp xỉ 20% nguồn lao động logistics trên cả nước (khoảng 175.000 người).

Hoạt động logistics của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng với vai trò chủ đạo của đường bộ, chiếm thị phần hoạt động vận tải khoảng 80%. Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng được phân bổ tập trung dọc theo khu vực sông Cấm (khu vực cụm cảng Hoàng Diệu, cảng Chùa Vẽ, cảng Đình Vũ…), là tiền đề cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics tại thành phố Hải Phòng. Tổng diện tích kho, bãi hiện đạt khoảng 701,14 ha với hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác.

          Cùng với phát triển các trung tâm logistics, Hải Phòng cũng rất chú trọng đào tạo  lực lượng lao động cho các doanh nghiệp. Hiện Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện là cơ sở đào tạo nhân lực logistics lớn nhất cả nước, cung cấp cho các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Đến nay tổng số sinh viên chuyên ngành logistics của nhà trường đã và đang được đào tạo là 1.500 sinh viên với số lượng sinh viên tuyển sinh 300 sinh viên/năm.

Về chương trình đào tạo, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện đang đào tạo 2 chương trình là Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Kinh doanh quốc tế và Logistics. Trong đó, chương trình Kinh doanh quốc tế và Logistics là chương trình tiên tiến, được giảng dạy bằng tiếng Anh đối với tất cả các học phần (trừ các học phần chính trị và giáo dục thể chất).

Các Trường Cao đẳng VMU, Trường Cao đẳng Hàng hải 1, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2 cũng tích cực tuyển sinh, đào tạo ngành nghề logistics để cung cấp nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ thu hút hơn 200 doanh nghiệp trong nước và 40 doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Trong đó có các công nghệ liên quan tới mô hình quản lý chuỗi trong sản xuất kinh doanh, các công nghệ cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào hoạt động logistics…

          Với những giải pháp đó, hoạt động của dịch vụ logistics tại Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như vùng đồng bằng sông Hồng và thành phố. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics Hải Phòng đạt bình quân 20-23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố 10-15%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25-30%, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Hải Phòng để phát triển logistics nói riêng và thực hiện các mục tiêu phát triển thành phố nói chung./.

          (Còn tiếp)

                                                                                                                                                 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông