Xây dựng thành phố thông minh, đưa Hải Phòng vươn tầm quốc tế - Kỳ III: Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp

09:27 22/10/2023

Để quá trình xây dựng thành phố thông minh được tiến hành nhanh chóng, thành công và hiệu quả, bên cạnh những hoạt động chủ động đã được thực hiện thì vẫncòn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi các cấp chính quyền, sở ngành, địa phương thực hiện quyết liệt.

Đồng bộ các nhóm giải pháp

Thứ nhất là nâng cao nhận thức, đẩy mạnh thông tin truyền thông về đô thị thông minh. Triển khai phát triển thành phố thông minh chỉ có thể thực hiện và vận hành hiệu quả khi toàn bộ hệ thống chính quyền và Nhân dân cùng đồng thuận, hiểu rõ và quyết tâm thực hiện. Tương tự như với thực hiện chuyển đổi số, tại mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu chuyển đổi số thành công, mỗi người dân đều nỗ lực thích nghi, tiếp cận và nâng cao chất lượng cuộc sống gắn liền với công nghệ. Thành phố thông minh là một kết quả và mục tiêu to lớn với Hải Phòng, song nếu được truyền thông và phân tích thành các lĩnh vực, ứng dụng cụ thể thì mỗi người dân đều có thể nắm bắt, hiểu rõ được lợi ích sẽ được thụ hưởng. Từ đây, công cuộc xây dựng thành phố thông minh sẽ mở rộng sự tham gia của cộng đồng, rút ngắn nhiều công đoạn và thời gian. Người dân và doanh nghiệp là những đối tượng trực tiếp sử dụng các sản phẩm của thành phố thông minh, chính vì vậy với sự tham gia, đóng góp ý kiến, chuẩn bị các cơ sở vững chắc từ cộng đồng là rất cần thiết và hữu ích.

Thứ hai, thành phố cần hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển đô thị. Dựa vào các văn kiện, văn bản của Trung ương và thành phố, việc đưa ra các cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển hệ thống đô thị của Hải Phòng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng thành phố theo định hướng phù hợp và sẵn sàng cho mô hình thành phố thông minh. Theo đó, cần tập trung các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, xây dựng các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh theo quy hoạch, bố trí các khu vực thương mại, công nghiệp, logistics hài hòa và có tính liên kết cao. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi trong phát triển đô thị hiện đại, sinh thái, gắn với văn hóa truyền thống thành phố cảng biển cũng là yếu tố quan trọng để tạo nền tảng cho thành phố thông minh.

Thứ ba là kiến tạo những lợi thế, nâng cao năng lực tổng hợp của hệ thống sinh thái đô thị.Một thành phố thông minh sẽ có công nghệ bao trùm cơ bản mọi hoạt động từ phát triển kinh tế cho đến thực hiện những hoạt động thiết yếu hàng ngày. Tại đây, một hệ sinh thái đô thị sẽ được vận hành bởi nhiều mắt xích từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tiện ích công cộng và mỗi hộ gia đình và các mắt xích được liên kết với nhau bằng công nghệ internet vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, công tác phát triển đô thị thông minh của thành phố cần kiến tạo những lợi thế có tính ưu việt, liên kết cao giữa các thành phần trong hệ sinh thái đô thị, tạo nên một khối tổng hợp thống nhất và toàn diện, hạn chế tối đa sự mâu thuẫn và không tương thích giữa các mắt xích, giúp giảm thiểu nhiều công đoạn, chi phí và các rủi ro mà có thể gặp phải ở đô thị truyền thống.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, khuyến khích đầu tư đổi mới, sáng tạo. Song hành cùng hệ thống đô thị và các tiện ích xã hội thông minh là phát triển kinh tế theo xu hướng mới, tương thích với định hướng chung của thành phố. Các ngành nghề công nghiệp, cảng biển, logistics là thế mạnh truyền thống của Hải Phòng vẫn cần thiết được duy trì và khai thác tối đa các thế mạnh. Kết hợp với đó là dịch chuyển và thực hiện chiến lược xanh, thay đổi các mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, sử dụng các công nghệ tiên tiến để vận hành sản xuất với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm tác động tiêu cực tới môi trường và phát triển bền vững. Các ngành nghề sản xuất kinh doanh cung ứng dịch vụ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, điện tử, có tính chất đổi mới sáng tạo cao cũng cần được khuyến khích triển khai để sớm đón đầu, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thích hợp cho cuộc sống thông minh của thành phố trong tương lai. Ngoài ra, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế thông minh cũng tạo dựng thêm lượng lớn việc làm, môi trường làm việc tiên tiến, hiệu quả và có nhiều lợi ích tốt đẹp cho người dân thành phố.

Thứ năm, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.Để chuẩn bị cho phát triển và vận hành thành phố thông minh trong tương lai, nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực trẻ cần chú trọng đào tạo bài bản, có kế hoạch, gắn liền với mục tiêu hiện đại hóa thành phố. Hiện nay, thành phố có hơn 40 nghìn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các ngành công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa… Đây là nguồn lực lao động dồi dào, có chất lượng đào tạo cao nhưng cần được chú trọng và tích cực bổ sung, cập nhật các kiến thức, chuyên môn, công nghệ mới và kết hợp đào tạo thực tiễn để có thể tiếp cận và làm chủ thành phố thông minh trong tương lai.

Thứ sáu, tích cực thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Trong thế giới, nhiều quốc gia đã thành công trong phát triển các thành phố thông minh với nhiều kiến thức, kinh nghiệm, bài học giá trị. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia, thành phố, tổ chức có uy tín về đô thị thông minh sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ cho Hải Phòng. Một điều quan trọng nữa, quá trình phát triển đô thị thông minh gắn liền với các ứng dụng, sản phẩm công nghệ được phát triển bởi các doanh nghiệp. Hải Phòng hiện là địa phương luôn thuộc nhóm dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao với các nhà đầu tư có tên tuổi như LG (Hàn Quốc), Pegatron (Đài Loan)… Từ những lợi thế và thành tựu của đầu tư nước ngoài tại thành phố, việc vận dụng và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kêu gọi đầu tư về sản phẩm và ứng dụng thông minh, các giải pháp và tiến tới hợp tác để hình thành thành phố thông minh giữa địa phương và doanh nghiệp nước ngoài cần tiếp tục được quan tâm, thực hiện.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và Tập đoàn LG Electronics ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển thành phố thông minh

Mở hướng tương lai

Đúng theo định hướng và tinh thần như vậy, vào giữa năm 2023 vừa qua, đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã dẫn đầu đoàn công tác xúc tiến đầu tư của thành phố đến làm việc tại Tập đoàn LG và các đơn vị thành viên tại thành phố công nghệ LG Science Park do Tập đoàn LG phát triển tại Seoul (Hàn Quốc). Tại đây, công ty Business Solutions thuộc Tập đoàn LG Electronics là đơn vị hàng đầu trong phát triển công nghệ thông minh, ứng dụng và sản phẩm thông minh trong đa dạng các lĩnh vực đã giới thiệu tổng thể các định hướng và kế hoạch phát triển thành phố thông minh cho Hải Phòng. Đây là kết quả được đưa ra sau khi các chuyên gia của Tập đoàn LG trực tiếp khảo sát và làm việc với các sở ngành, địa phương trên địa bàn thành phố. Tại đây, thành phố Hải Phòng và Tập đoàn LG đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng mô hình thành phố thông minh tại Hải Phòng, ưu tiên vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường và năng lượng, giao thông, xây dựng; làm cơ sở để các đối tác sớm triển khai cụ thể hóa, đưa ra phương án chi tiết cho thành phố. Những bước triển khai chủ động, nhanh chóng đã thể hiện quyết tâm cao của chính quyền thành phố.

Tiếp theo đó, các quận huyện trên địa bàn dựa trên tình hình thực tế, điều kiện cụ thể đã nhanh chóng bám sát định hướng phát triển đô thị thông minh của thành phố, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, hợp tác. Là địa bàn trung tâm của thành phố, quận Hồng Bàng rất chú trọng trong hoạt động phát triển đô thị thông minh, sớm triển khai vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh với các chức năng giám sát, điều hành tổng hợp các hoạt động của quận để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường… Qua các trao đổi ban đầu, quận Hồng Bàng đã nhanh chóng tổ chức làm việc với Tập đoàn LG Electronics vào tháng 8/2023, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư, áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng điều hành và phát triển đô thị thông minh mà tập đoàn LG có thế mạnh như khai thác hiệu quả các hệ thống chiếu sáng đô thị; thiết lập hệ thống màn hình, quảng cáo, cung cấp thông tin tại khu vực công viên và cảnh quan công cộng; giải pháp tiết kiệm năng lượng và quản trị tòa nhà tại Trung tâm hành chính chính trị quận; phát triển công nghệ IoT và 5G; hợp tác đào tạo nhân lực số…

Gần đây nhất, huyện An Dương được định hướng nâng cấp thành đơn vị hành chính quận, là cửa ngõ phía Tây thành phố, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng với tốc độ đô thị hóa cao đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Korea Internet of Things (Hàn Quốc) về hợp tác xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn quận. Theo đó, đến năm 2030, hai bên phối hợp tập trung nghiên cứu triển khai hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn huyện, nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường, khu vực giao thông trọng điểm, nâng cao mức độ an toàn giao thông, tối ưu hoá hiệu suất giao thông và việc triển khai hạ tầng giao thông… từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Kết lại, với những tiềm năng, lợi thế và thành tựu kinh tế xã hội vững vàng, kết hợp với sự đồng thuận, quyết tâm cao của hệ thống chính quyền và nhân dân, doanh nghiệp thành phố, một thành phố Hải Phòng thông minh sẽ từng bước được hiện hình, trở thành một hình mẫu đô thị tiên tiến của cả nước, vươn tầm sánh vai trong khu vực châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung. Nhân dân thành phố tin tưởng vào một tương lai mới của Hải Phòng với chất lượng cuộc sống vượt trội hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn, đúng với những niềm tin và định hướng mà Đảng và Nhà nước dành cho thành phố Hoa phượng đỏ.

LÊ TẤT

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông