Xử lý bãi thải gyps: Mong muốn một dự án khả thi

17:43 02/12/2016

 

Bãi thải gyps chất cao như núi
Bãi thải gyps chất cao như núi

Sau gần 6 năm đi vào sản xuất, Cty CP DAP-Vinachem đã thải ra môi trường hơn 2,3 tấn bã thải. Chất thải chất cao như núi án ngữ cửa ngõ của khu CN Đình Vũ. Sự cố môi trường nhiều lần xảy ra đã gây bức xúc trong nhân dân và là vấn đề nóng trên nghị trường tại các kỳ họp HĐND thành phố. Mới đây, Cty TNHH Ngọc Linh - một doanh nghiệp đến từ Hà Nội đã nghiên cứu và thuyết trình trước lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng về dự án tổ hợp các nhà máy xử lý gyps.

Theo đó, tổ hợp gồm 5 nhà máy: NM sản xuất thạch cao nhân tạo với công suất 1,5 triệu tấn/năm; xưởng nâng cao hàm lượng dinh dưỡng của DAP từ 61% lên 64%; NM xử lý axit trong nước thải; NM xử lý nước rỉ từ gyps; phân xưởng sản xuất màu dùng cho phân bón và NM sản xuất phân NPK một hạt.

Tại cuộc làm việc với Cty TNHH Ngọc Linh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng kết luận: Để sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi thải gyps hiện nay thì việc cty nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy xử lý là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để có căn cứ xem xét cụ thể về tính khả thi của dự án, đề nghị cty phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan, tính toán kỹ nhu cầu sử dụng đất, công nghệ xử lý, công suất nhà máy và hoàn thiện hồ sơ dự án theo quy định.

Như vậy có thể thấy, lãnh đạo thành phố, các ngành, địa phương đều mong muốn một dự án xử lý chất thải gyps khả thi. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri thành phố.

 

Dự kiến, tổng đầu tư dự án khoảng 800-900 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 70ha, gần mặt bằng của Cty CP DAP hiện nay tại khu CN Đình Vũ. Với công suất hoạt động như trên thì lãnh đạo của DN khẳng định việc giải quyết hơn 2,3 triệu tấn gyps của Cty CP DAP sẽ hoàn tất trong khoảng 3 năm.

Trong bối cảnh Cty CP DAP nhiều năm loay hoay chưa tìm được hướng xử lý triệt để bãi gyps thì đây có thể xem là tín hiệu đáng mừng. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các ngành chuyên môn đều đánh giá cao sự nghiên cứu nghiêm túc của Cty TNHH Ngọc Linh và mong muốn tiến tới một dự án khả thi. Bên lề dự án, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số ngành chuyên môn.

Ông Phạm Quốc Ka - Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường: DN cần nghiên cứu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất.

Xét về nhu cầu sử dụng đất, DN cần tính toán lưu lượng nước rỉ từ bãi gyps và khối lượng gyps phải xử lý triệt để so với công suất của nhà máy dự kiến xây dựng là 1,5 triệu tấn/năm. Trên thực tế, Cty CP DAP cũng đã tính toán việc tái sử dụng nước rỉ từ bãi gyps để làm nguyên liệu sản xuất.

Vậy việc xây dựng một nhà máy chỉ để xử lý nước rỉ từ bãi gyps có cần thiết? Còn nữa, hiện Cty CP DAP đang sử dụng 40ha để làm bãi chứa gyps, trong đó có 10ha là bãi tạm thời và 30ha là bãi lâu dài.

Nếu Cty Ngọc Linh xây dựng nhà máy xử lý gyps thì diện tích của bãi chứa lâu dài là không còn cần thiết nữa. Vì lý do này, với chức năng của ngành được giao, chúng tôi sẽ tính toán  tham mưu cho thành phố bố trí quỹ đất phù hợp tại đây để nhà đầu tư thực hiện dự án, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Vũ Duy - Phó giám đốc Sở Xây dựng: Sau xử lý, sản phẩm phải bảo đảm tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng.

Chính phủ và Bộ Xây dựng đã và đang khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất để làm nguyên liệu, phụ gia và vật liệu xây dựng. Điều quan trọng là sản phẩm phải bảo đảm tiêu chuẩn và được thị trường chấp nhận. Cá nhân tôi đánh giá cao ý tưởng xử lý bãi thải gyps của Cty TNHH Ngọc Linh, song cty cần nghiên cứu, đầu tư, cung cấp các thông tin liên quan đến dự án chi tiết và thuyết phục hơn nữa.

DN sẽ phải xử lý triệt để, đến tận cùng của quy trình tái sử dụng chất thải, tuyệt đối không để tình trạng “sang vai” cho các DN khác hay chính quyền, cộng đồng phải gánh chịu. Cùng với việc xử lý gyps là các giải pháp về môi trường, xung quanh sử dụng quỹ đất, quy hoạch mặt bằng tổng thể, phân kỳ đầu tư các hạng mục. Từ đó, xác định quy mô, loại, cấp công trình và tương ứng sẽ là cấp, ngành nào có thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt.

Ông Bùi Xuân Tuấn - Phó giám đốc Sở KH&CN: Công nghệ phải được đặc biệt quan tâm.

Xử lý bãi thải gyps là vấn đề nóng, bức thiết của thành phố, do vậy sự vào cuộc của Cty TNHH Ngọc Linh là rất đáng ghi nhận, tôi ủng hộ dự án. Tuy vậy, từ tài liệu cung cấp của DN, cá nhân tôi cho rằng còn khá sơ sài. Trong bối cảnh hiện nay, để Việt Nam không trở thành “bãi rác thải công nghệ” thì các quy định pháp luật trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi phải khá chặt chẽ.

Cty Ngọc Linh cần làm rõ hơn về công nghệ của dự án, đánh giá đầy đủ tính ưu việt cũng như hạn chế. Đặc biệt là đã có cơ quan chuyên môn nào kiểm nghiệm và thẩm định các tiêu chuẩn về công nghệ của dây chuyền dự án. Chưa kể đến, gyps là một loại chất thải có chứa các thành phần nguy hại nên bảo đảm các tiêu chuẩn về khoa học, công nghệ càng phải coi trọng, quan tâm.

KIM OANH thực hiện

 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông