Xử phạt vi phạm quy định xả nước thải: Cần “mạnh tay” hơn nữa

09:04 13/04/2017

Một cửa xả đen ngòm, bốc mùi khó chịu trên tuyến kênh Bắc Nam Hùng

Chủ đề của Ngày nước thế giới năm 2017 chỉ vỏn vẹn hai chữ “Nước thải” cho thấy sự quý giá của nguồn tài nguyên nước nói chung và vấn nạn nước thải chưa qua xử lý xả thải ra môi trường đang rất được quan tâm. Ấy thế nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến việc xử lý nước thải từ quá trình sản xuất kinh doanh trước khi thải ra môi trường. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức thì việc “mạnh tay” xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cũng là cần thiết để răn đe và buộc doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Phổ biến lỗi không phép xả thải…

Theo thống kê năm 2016, sau khi tiến hành kiểm tra, phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường đã tổng hợp danh sách các DN vi phạm trong lĩnh vực xả thải chuyển cơ quan thanh tra xử lý. Cụ thể, phát hiện 29 doanh nghiệp có hành vi vi phạm, trong đó lỗi phổ biến là… không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của cơ quan có thẩm quyền. Không chỉ các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước mà ngay cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài, rồi các bệnh viện như GTVT, đa khoa Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo cũng không nằm ngoài hành vi vi phạm trên.

Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi trong hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thì hiện chỉ có hơn 100 đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xả thải vào nguồn nước. Vậy là số đông các tổ chức, DN còn lại đang vô tư xả nước thải chưa qua xử lý vào các sông, kênh, hồ…

Đáng lo ngại là trong đó có cả những tuyến sông quan trọng đang cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố như sông Rế, Đa Độ…

Đơn cử như, Công ty TNHH Vikky sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu, tại thời điểm kiểm tra, nước thải của DN chảy ra cống thoát nước cắt ngang QL5 rồi xả thẳng vào sông Rế. Nước thải chưa được xử lý triệt để nên có màu đen, lẫn nhiều tạp chất, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.

Hay như đợt kiểm tra các DN xả thải dọc hai bên tuyến kênh Bắc Nam Hùng, tuyến kênh phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và thoát nước cho một số xã thuộc huyện An Dương và phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng thì các vi phạm về xả thải của các DN là khá nghiêm trọng. Cụ thể có 7/9 cơ sở được kiểm tra có mẫu nước thải vượt quy chuẩn cho phép, “sốc” hơn cả là thông số Coliform (nhóm vi khuẩn gây bệnh) của Công ty Vikky vượt tới 8.000 lần, của Công ty TNHH Hưng Thịnh thì vượt 560 lần…

Bởi vậy, kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành cũng phải thừa nhận “kênh Bắc Nam Hùng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng theo phản ánh của người dân và các cơ quan truyền thông là có cơ sở”!

Xử phạt nghiêm để răn đe

Trong số 29 tổ chức, DN vi phạm trong lĩnh vực xả nước thải thì cơ quan chuyên môn mới có quyết định xử phạt hành chính đối với 6 đơn vị với số tiền là 390 triệu đồng. Cụ thể, xử phạt Công ty CP nhựa Bạch Đằng 70 triệu đồng, Công ty chỉ Vĩnh Thái 60 triệu đồng, Công ty CP bia Tây Âu: 60 triệu đồng, Công ty CP Trường An 70 triệu đồng, Công ty TNHH Lux Việt Nam 70 triệu đồng và Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú-Chi nhánh Hải Phòng 60 triệu đồng.

Như vậy có thể thấy con số xử phạt các đơn vị vi phạm còn khá khiêm tốn?! Giả thiết, nếu phát hiện sai phạm mà cơ quan chức năng không kiên quyết xử lý sẽ tạo tiền lệ xấu cho các tổ chức, doanh nghiệp khác. Hệ lụy là không đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật và một số đơn vị sẽ xem nhẹ trách nhiệm đối với môi trường, với cộng đồng. Như trường hợp của Công ty TNHH Vikky, từ năm 2015, Công ty đã bị lực lượng chức năng xử phạt về hành vi xả nước thải không có giấy phép và nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, song đến năm 2016 DN vẫn tái phạm?!

Có thể thấy, việc xử phạt hành chính vài chục triệu đồng chưa đủ sức răn đe với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mà phải cần thêm nữa những chế tài bổ sung đủ mạnh như buộc DN dừng hoạt động xả thải gây ô nhiễm; cải tạo, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định; lập hồ sơ cấp giấy phép…

Cũng qua tìm hiểu được biết, việc xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn đòi hỏi DN phải đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ, ít thì vài trăm triệu, nhiều là hàng tỷ đồng. Do vậy, các DN thường chấp nhận nộp phạt vài chục triệu đồng rồi lại “đánh trống bỏ dùi”, tảng lờ những biện pháp khắc phục bổ sung.

Không chỉ dừng ở tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa đối với những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn nước, trước khi những dòng sông, tuyến kênh bị “bức tử”.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông