17:52 29/07/2016
Báo ANHP nhận được đơn tố cáo của ông Trần Tăng Sáu, ở thôn 2, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, về việc: Năm 2015, thành phố hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương mắc nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Cụ thể, trong quá trình thi công tuyến đường trên 400m nối từ cống Sang Trại đến bãi rác thôn 2, chất lượng công trình không đảm bảo. Sau khi hoàn thành, công trình vẫn thừa 145 bao xi măng, trong khi đó theo tính toán kỹ thuật, lượng xi măng được thành phố hỗ trợ là đủ cho công trình. Nguy hiểm hơn, số xi măng thừa, bà Lê Thị Liên, Trưởng thôn 2, đã chỉ đạo đội bảo vệ lấy 4 bao làm đất vít lỗ cống, trong đó có một bao vẫn còn nguyên chưa bóc vỏ. Tiếp đó, khi thi công tuyến đường dài 1.100m, thôn tổ chức họp dân nhưng không thông báo rộng rãi nên chỉ có 19/300 hộ đến dự. Trong cuộc họp, người dân yêu cầu phải có mẫu cát, đá để thẩm định chất lượng và thành lập ra Ban giám sát, kiểm tra chất lượng công trình. Tuy nhiên, sau đó không có thêm cuộc họp nào, lãnh đạo thôn tự thành lập ra một tiểu ban, làm hợp đồng mua vật liệu với giá 360 nghìn/m3 đá và 250 nghìn/1m3 cát, sau đó tổ chức thi công. Phát hiện cát, đá thi công không đảm bảo chất lượng, ông Sáu đã kiến nghị và UBND xã cho dừng thi công 3 ngày, nhưng sau đó lại tiếp tục cho thi công. Khi quyết toán công trình, nhân dân địa phương lại một phen ngã ngửa khi phải đóng 600 nghìn đồng/khẩu(cả thôn có trên 800 khẩu), trong khi đó, thành phố hỗ trợ toàn bộ xi măng, huyện và xã hỗ trợ 150 nghìn đồng/khối bê tông. Đối với quãng đường dài 130m đi vào khu di tích đình Áng Ngoại, người dân chỉ phải bỏ tiền công để làm đường. Quá trình làm, người dân phát hiện số cát, đá có lẫn tạp chất nên đã yêu cầu dừng thi công. Tuy nhiên, Ban xây dựng quản lý di tích vẫn tiếp tục cho thi công mà không đoái hoài đến ý kiến người dân. Sau khi làm xong, còn thừa lại 75 bao xi măng thành phố hỗ trợ, Ban xây dựng quản lý di tích còn chỉ đạo, lấy toàn bộ số xi măng đó sử dụng vào mục đích khác, gây bức xúc trong nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Trung Lập, xác nhận có vụ việc trên và thông tin thêm: Sau khi tiếp nhận phản ánh của nhân dân, UBND xã đã trao đổi với bà Lê Thị Liên, là trưởng thôn 2, được biết trong quá trình làm đường, số lượng xi măng lớn, lại để ngoài đường nên bị mưa gió hắt vào, hư hỏng, bà Liên đã chỉ đạo đội bảo vệ lấy một số bao để tận dụng vít lỗ cống. Còn về hợp đồng cát đá, khi các thôn làm đường phải đăng ký chiều dài, chiều rộng tuyến đường, khối lượng vật liệu, sau đó UBND huyện phê duyệt và cấp xi măng. Quá trình triển khai, các thôn thành lập Ban giám sát do dân bầu, số lượng cát, đá bao nhiêu, hợp đồng với ai do thôn làm, xã không yêu cầu hay chỉ định. Đối với tuyến đường vào đình Áng Ngoại, thành phố cấp xi măng, xã cho toàn bộ tiền cát đá, người dân chỉ bỏ tiền công. Trước khi thi công, thôn đã thành lập ra Ban xây dựng và quản lý di tích do ông Phạm Hữu Hải, Trưởng thôn 1 là trưởng ban; bà Lê Thị Liên, Trưởng thôn 2 là phó ban. Quá trình thi công, vật liệu do ông Nguyễn Văn Chủy cung cấp có một số xe ở cuối bãi nên có lẫn tạp chất (bùn, đất), xã đã trao đổi với Ban xây dựng và quản lý di tích, họ đã thừa nhận có việc này. Còn về xi măng dôi dư trong quá trình thi công được sử dụng vào mục đích khác là do Ban xây dựng và quản lý di tích tự ý quyết định sử dụng để làm lối đi vào khu vệ sinh của đình và ngõ chùa, đây là việc làm phát sinh, không nằm trong kế hoạch xin kinh phí làm đường. Ông Thiện thừa nhận, có sai phạm trong việc quản lý, tổ chức thi công ở những tuyến đường trên. UBND xã sẽ họp kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Nguyễn Trung |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão