10 năm Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kiến Thụy (2008-2018): Chỗ dựa tin cậy cho nạn nhân chất độc da cam

09:29 16/11/2018

Sau hơn 40 năm cuộc chiến tàn độc mà người Mỹ đã reo rắc ở Việt Nam, những di chứng để lại vẫn vô cùng khốc liệt, một trong những dày vò và ám ảnh lớn nhất có lẽ là nỗi đau mang tên “Chất độc màu da cam”.

Các hoạt động trợ giúp của Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Kiến Thụy luôn thể hiện đa dạng, thiết thực, bên vững chứ không mang tính hình thức

Chất độc Dioxin là một loại thuốc diệt cỏ và làm rụng lá, còn được gọi là “chất độc màu da cam”. Đây là loại hóa độc được quân đội Mỹ sử dụng với quy mô lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, để lại hậu quả vô cùng khốc liệt. Theo số liệu của các cơ quan y tế ở Việt Nam, ước tính cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phôi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, hàng vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Riêng địa bàn huyện Kiến Thụy có khoảng 2.000 người hoạt động kháng chiến, có con, cháu bị phơi nhiễm, di chứng chất độc da cam/Dioxin. Trong đó, có 576 nạn nhân thế hệ thứ nhất, 369 nạn nhân thế hệ thứ 2 và 78 cháu nghi nhiễm chất độc là nạn nhân thế hệ thứ 3.

Trung ương hội đã tặng bằng khen cho hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kiến Thụy vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2013-2018

Góp phần cùng cả nước xoa dịu nỗi đau da cam, ngày 17-11-2008 Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Kiến Thụy chính thức được thành lập, theo quyết định số 1082/QĐ-UBND của UBND thành phố. Ban đầu chỉ có chi hội hoạt động ở 4 xã, với vô vàn khó khăn, không trụ sở làm việc, không cơ sở vật chất, không có kinh phí, thù lao hoạt động. Nhưng với tâm huyết và trách nhiệm với những nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, Hội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển hoạt động ngày càng hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn.

Có thể nói, 10 năm qua là một chặng đường không dài, nhưng kết quả mà Hội đạt được thực sự mang dấu ấn nhân văn sâu sắc. Mà trong đó, công tác kiện toàn, phát triển xây dựng tổ chức Hội là một ví dụ, từ 85 hội viên và 4 chi hội đầu tiên, đến nay Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kiến Thụy có 18/18 xã, thị trấn thành lập tổ chức Hội và đi vào hoạt động với 1.029 hội viên. Hàng năm 80% chi hội đạt vững mạnh, không có chi hội yếu, trong đó Huyện hội luôn đứng trong tốp đầu của thành phố trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này.

Phó Bí thư TT Huyện ủy Kiến Thụy Phạm Văn Thép trao tặng bức trướng cho Hội nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập

Trao đổi về những việc làm cụ thể, ông Trần Huy Liệu Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kiến Thụy chia sẻ thêm: trong 10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Huyện ủy – UBND – UBMTTQVN và các cấp ban, ngành, địa phương huyện Kiến Thụy, các cấp hội đã không ngại gian khó, chủ động sáng tạo, tích cực và kiên trì, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm quyên góp được hơn 4,3 tỷ đồng, giúp đỡ 7.451 lượt nạn nhân. Điều quan trọng là các hoạt động trợ giúp của Hội được thể hiện đa dạng, thiết thực, mang tính bền vững chứ không hình thức. Cụ thể, Hội đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa nâng cấp 21 căn nhà, hỗ trợ vốn làm kinh tế cho 9 nạn nhân, tặng 10 sổ tiết kiệm, tặng xe lăn cho 25 nạn nhân, trợ dưỡng 14 cháu, cấp học bổng cho 6 cháu và tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí 105 lượt nạn nhân…

Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên thực hiện các hoạt động, bám sát chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thành phố, về ưu đãi nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Điển hình như tổ chức tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi theo Chỉ thị số 23CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua rà soát đã phát hiện 31 trường hợp mất sức khoẻ từ 81% trở lên chưa được hưởng chế độ đầy đủ; 450 trường hợp nghi nhiễm chất độc hóa học và 78 cháu chưa được giám định hưởng chế độ. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Hội đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện thẩm định 342 hồ sơ nạn nhân đủ điều kiện giám định hưởng chế độ, đồng thời trực tiếp gặp gỡ trao đổi tư vấn cho 9 nạn nhân có ý kiến về chế độ chính sách, hướng dẫn cho 21 nạn nhân hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ.

Trong công tác xã hội, các cấp hội cũng tham gia tích cực, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển chung. Nổi bật là ký kết quy chế phối hợp với Hội cựu chiến binh huyện, tăng cường các hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Bên cạnh đó, Hội tích cực tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào: xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ...

Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp hội trên địa bàn huyện đã vận động hội viên hiến 2.137m2 đất thổ cư, phá rỡ 1.021m2 tường rào, chặt hạ 58 cây ăn quả lâu niên làm đường và góp hàng trăm ngày công trực tiếp. Chưa hết, Hội còn vận động nhân dân và hội viên tham gia 4.851 chữ ký ủng hộ bà Trần Tố Nga (Việt kiều Pháp) khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất chất độc da cam để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Ghi nhận kết quả hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Kiến Thụy 10 năm qua, đã có 48 lượt tập thể và 75 lượt cá nhân trong Hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương khen thưởng. Riêng Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện được Trung ương hội tặng 2 bằng khen, UBND thành phố tặng 1 bằng khen…

Nhân dịp kỷ niệm này, Trung ương hội đã tặng bằng khen cho hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kiến Thụy vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2013-2018. UBND huyện Kiến Thụy tặng cờ truyền thống cho hội với nội dung “Đoàn kết-Nhân ái-Sáng tạo-Xoa dịu nỗi đau da cam”.

Trường Giang 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông