17:46 02/11/2017 Với quan niệm, thuốc tây y thường có tác dụng phụ thì nhiều người dân tìm cách điều trị bệnh bằng thuốc đông y từ các cây, con tự nhiên. Tuy nhiên, do vùng nguyên liệu trong nước chưa đủ cung cấp nên phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông y phải mua từ quốc gia láng giềng Trung Quốc bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Điều đáng nói là các cơ quan quản lý chuyên ngành kể cả từ cấp Bộ đến các địa phương đều chưa thể kiểm soát hoàn toàn giá cả, chất lượng của các lô hàng. Do vậy, thị trường thuốc đông y có thể xem là bát nháo, nhập nhằng và thiệt thòi thuộc về…người bệnh.
Phần lớn dược liệu của Việt Nam là nhập khẩu
Nhập nhằng chất lượng, giá cả
Trong vai một bệnh nhân, phóng viên ghé vào một nhà thuốc Đông y trên phố Phan Bội Châu. Sau khi kể về các triệu chứng như mệt, mất ngủ, đầu óc quay cuồng, chân tay nhức mỏi… phóng viên được lương y của nhà thuốc bắt mạch, kiểm tra sắc lưỡi, mắt.
Đồng thời cho biết sẽ cắt thuốc để điều hoà âm dương, trấn kinh an thần, bổ tâm tỳ và bốc cho 5 thang thuốc, hướng dẫn cách sắc thuốc, liều lượng uống.
Tiếp tục xếp hàng chờ khám tại một nhà thuốc đông y khác trên đường Tô Hiệu, chúng tôi cũng thấy một dãy ghế dài bệnh nhân. Người thì đau vai gáy, nhức mỏi xương cốt, người thì mệt mỏi, ăn không ngon miệng, thậm chí có cả bà mẹ trẻ đến cắt thuốc an thai, ăn tốt, ngủ ngon…
Tuỳ theo bệnh, liều lượng, thuốc sắc hay thuốc hoàn tán, mà bệnh nhân ít thì vài chục nghìn, nhưng cũng có người lên tới bốn, năm trăm nghìn đồng.
Quan sát xung quanh nhà thuốc, phóng viên không thấy bất cứ loại giấy tờ gì liên quan đến chứng nhận về nguồn gốc dược liệu mà cơ sở sử dụng. Bên cạnh quầy thuốc thì cũng có nhiều bao thuốc lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau phía góc nhà. Vãn khách, ngồi trò chuyện, vị lương y ở đây cho biết: Nhà thuốc lấy dược liệu từ chợ đầu mối Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.
Tuy nhiên, mỗi dược liệu cũng có 5,7 loại với giá chênh nhau đến vài trăm, thậm chí hàng triệu đồng. Những bệnh thông thường thì lấy dược liệu loại 3,4, trừ chi phí nhân công sơ chế, tẩm ướt, sấy khô, khi đến tay bệnh nhân cũng phải vừa tầm túi tiền. Không giống như anh Tây y, một hai liều là khỏi, Đông y tác dụng chậm, phải điều trị dài ngày nhưng ít tác dụng phụ.
Vị lương y cũng không giấu diếm: Cái tâm trong nghề của chúng tôi rất quan trọng, bởi chỉ người trong cuộc mới hiểu. Cũng là đông trùng hạ thảo, có loại chỉ 8-12 triệu đồng/lạng, nhưng cũng có loại 70-80 triệu đồng/lạng. Hay như viên an cung ngưu hoàng hoàn, được xem là thần dược của bệnh nhân cao huyết áp, xuất huyết não, tai biến, có viên chỉ vài trăm nghìn nhưng cũng có loại vài triệu đồng.
Chưa kể đến bây giờ bên nước bạn có cách chiết xuất dược liệu bằng công nghệ cao. Nghe nói, củ sâm ngâm rượu to là vậy nhưng sau khi xông hơi, rút hoạt chất thì phần dược chất còn lại chỉ còn 30%-40%. Hoặc các vị đan bì, xuyên khung, hàng kỳ, huyết đằng, khương hoạt… nếu không có kinh nghiệm nhận biết thì chỉ là mua… bã thuốc. Vậy nên, thầy thuốc mà không có tâm thì người bệnh rất dễ lâm vào cảnh tiền mất, tật mang.
Chế biến, bảo quản thuốc đông y là khâu đặc biệt quan trọng
Cần siết chặt từ cơ quan quản lý
Thông tin từ Cục quản lý Y dược cổ truyền: Mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó 80% là nhập khẩu và chỉ có khoảng 1.500-2.000 tấn là có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phần lớn còn lại là qua đường tiểu ngạch.
Chưa hết, qua kiểm tra, kiểm định dược liệu của chính các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu thì tỷ lệ dược liệu không đảm bảo chất lượng cũng chiếm tới 51%, thậm chí có cả… dược liệu giả?!
Còn nữa, gần đây tại Khoa chống độc một số bệnh viện còn tiếp nhận một số bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm độc do các hoạt chất từ quá trình bảo quản, chế biến thuốc đông y như chì, lưu huỳnh, phốt pho, thuỷ ngân…
Trên thực tế đã có trường hợp sắc thuốc uống hoặc trẻ em uống thuốc cam để bồi bổ sức khoẻ thì càng uống da càng tái sạm, cơ thể mệt mỏi, suy nhược vì bị nhiễm độc chì, diêm sinh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phùng, Giám đốc BV Y học cổ truyền Hải Phòng cho biết: Nguồn dược liệu của bệnh viện buộc phải thông qua đấu thầu, có chứng nhận xuất xứ, kiểm định chất lượng nên giá thành cũng cao hơn với dược liệu trôi nổi ở bên ngoài.
Về quy trình chế biến dược liệu, là người làm nghề và theo quy định chuyên môn, chúng tôi được phép sử dụng một số hoạt chất để dẫn thuốc, bảo quản thuốc. Tuy nhiên, phải đảm bảo đúng hàm lượng cho phép, bởi nếu quá liều lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân.
Tuân thủ nghiêm quy trình từ nhập dược liệu rõ xuất xứ, chất lượng, phơi sấy… nên trung bình mỗi năm bệnh viện khám và điều trị cho từ 4-5.000 bệnh nhân đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Như vậy có thể thấy từ nguồn gốc, chất lượng đến giá cả của các loại dược liệu khá nhập nhèm, bát nháo. Những người trong cuộc cũng khuyến cáo tới bệnh nhân điều trị thuốc đông y cần tìm đến những cơ sở uy tín, tránh tiền mất tật mang.
Tuy nhiên, đối với một lĩnh vực mà người bệnh phó thác sinh mạng mình cho thầy thuốc thì rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý. Không chỉ ngành y tế mà cả Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường…siết chặt ngay từ đầu vào của dược liệu, công khai những bệnh viện, nhà thuốc sử dụng thuốc không đảm bảo chất lượng. Có như vậy bệnh nhân điều trị thuốc đông y mới… bớt lo.
Kim Oanh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão