Bất tử cùng Thành cổ Quảng Trị

23:35 26/07/2018

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sỹ 27-7, người Hải Phòng và cả nước lại hành trình về Quảng Trị. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời bi tráng vẫn khắc sâu vào mỗi người dân Việt, nên dù đã bao lần đến với miền đất lửa nhưng vẫn thấy rưng rưng, xúc động như bài thơ của một chiến sĩ khi ông quay trở lại thăm chiến trường: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Nhân dân và khách thập phương thăm viếng tri ân anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị

81 ngày đêm rực lửa

Ngược dòng lịch sử  vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi Mỹ Ngụy mở cuộc hành quân đánh phá tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu của chúng là chiếm lại bằng được thị xã - Thành cổ Quảng Trị trong thời gian ngắn nhất, ngăn chặn đà tiến công của quân ta, gây sức ép tại hội nghị Paris. Từ đây, một cuộc đụng đầu lịch sử bắt đầu, sau này lịch sử chiến tranh gọi là: “Cuộc chiến 81 ngày đêm”.

Từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, địch đã sử dụng 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống 2 thành phố Hirosima và Nagadaki của Nhật Bản năm 1945. Tính trung bình mỗi ngày có từ 150-170 chiếc máy bay phản lực, 70-90 lần chiếc B52, 12-16 tàu khu trục và tàu chiến thuộc hạm đội 7 đánh phá. Quân địch huy động đủ các loại bom, pháo mới nhất; thả chất độc hóa học, hơi độc và hơi ngạt.

Điển hình như ngày 4-7-1972, máy bay B52 địch đã dội hơn 4.000 tấn bom; ngày 31-7 chúng bắn khoảng 2 vạn quả pháo cỡ lớn xuống thành cổ, thị xã và vùng phụ cận.

Thượng tá Nguyễn Tuấn, người gốc Hải Phòng, nguyên là cán bộ tác chiến Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, phân tích: Thành cổ Quảng Trị nằm ở phía đông sông Thạch Hãn, tiếp giáp 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng có chu vi 2.160m, diện tích trên 1/4km2, nếu tính toàn bộ thị xã thì diện tích chỉ khoảng 4km2.

Do đó, về mặt quân sự mục tiêu này chỉ có tính chất chiến thuật nhưng để phục vụ nhiệm vụ chính trị và yêu cầu trực tiếp của đấu tranh ngoại giao thì ý nghĩa hết sức quan trọng…

Về phía quân ta sau khi nắm tình hình địch, đã đưa vào chiến trường 5 sư đoàn bộ binh chủ lực (gồm: 304, 308, 312, 320B và 325) cùng các lực lượng hải quân, đặc công, pháo phòng không, tên lửa, pháo binh, xe tăng thiết giáp, công binh hóa học và các đơn vị bộ đội địa phương. Quân ta tổ chức lực lượng trực tiếp bám trụ trong Thành cổ, thị xã và lực lượng chiến đấu bảo vệ vùng ngoại vi thuộc 2 cánh đông và tây.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị diễn ra ngày càng quyết liệt. Địch sử dụng 2 sư đoàn dự bị chiến lược tinh nhuệ nhất (sư đoàn dù và thủy quân lục chiến), 4 trung đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn biệt động tổ chức 6 lần phản kích đồng thời tung các toán biệt kích, thám báo bí mật luồn sâu thâm nhập vào thị xã.

Sau mỗi loạt bom rung chuyển mặt đất, khói bụi ngút trời tường thành sập xuống từng hàng. Hết bom đến pháo, tiếng súng nổ liên hồi, cả thành cổ và thị xã chìm trong khói lửa. Sau các loạt bom, pháo, bộ binh địch có xe tăng và máy bay trực thăng yểm trợ liên tục lấn chiếm trận địa ta.

Dù vậy, chiến sĩ ta vẫn ngày đêm chiến đấu kiên cường giành giật với kẻ địch từng bức tường, góc thành, căn nhà, chiến hào công sự. Có chiến sĩ bị thương 3, 4 lần vẫn không rời trận địa, còn sống còn bám trụ. Cuối tháng 8-1972, nước sông Thạch Hãn lên cao, chảy cuồn cuộn, tràn vào thị xã ngập cả chiến hào công sự.

Có khi hàng trăm liệt sĩ, thương binh quân ta chưa chuyển ra được nằm ùn lại. Quân số chiến đấu được còn lại rất ít, lương thực thực phẩm có lúc chỉ còn 1-2 ngày. Chỉ riêng trong thị xã, thương vong 1 ngày đêm lên tới hàng trăm người..

Biểu tượng ý chí bất tử

Một chiếc ba lô, một mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước và khẩu súng AK. Chỉ vậy thôi mà các anh đã làm nên lịch sử. Nằm soi mình bên dòng Thạch Hãn anh hùng, Thành Cổ Quảng Trị hôm nay vẫn uy nghi, vẫn linh thiêng hào khí tuổi thanh xuân. Thế nhưng chính nơi đây, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào ta.

Nhưng điều đau xót và có lẽ là sự mất mát không bao giờ bù đắp được cho dân tộc ta nhất là hài cốt các anh hùng không có nữa do khối lượng bom đạn quá lớn cày xới tất cả.

Sau hàng chục  năm đã đi qua rồi, nhưng cho đến nay dưới 16 ha diện tích của Thành Cổ, hài cốt của các chiến sỹ giải phóng quân vẫn nằm dưới đó. Mỗi lớp cỏ non là một vành máu lửa, vẫn sáng bừng theo những tháng năm. Cuộc chiến tại Thành Cổ Quảng Trị đi vào lịch sử như những trang bi tráng nhất, 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” với những ký ức không thể nào quên.

Khác với nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác thì liệt sỹ nào có mộ, cho dù biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành Cổ Quảng Trị mới thấy, các anh chỉ có duy một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung mà thôi. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó. Sự dữ dội, quyết liệt của trận “quyết chiến chiến lược” này đã trở thành kinh điển khắc khoải đến đau nhói.

Trong giai đoạn ác liệt nhất, mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, mỗi đại đội có từ 90 đến 120 chiến sỹ, 81 ngày đêm ta phải bổ sung 81 đại đội như vậy. Nhưng cứ đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót. Họ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tóc còn xanh và mang trong mình bao hoài bão, ước mơ về một ngày độc lập tự do thống nhất Tổ quốc.

Như câu chuyện xúc động về bức thư “thiêng” viết vội của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết ngày 11-9-1972, trước lúc anh hy sinh 3 tháng 20 ngày. Khi đó anh đang là sinh viên năm 4 (Khoa Cầu hầm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội), gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. 15 năm qua hàng nghìn đoàn hành hương về Thành cổ, hàng triệu người đã khóc, nghiêng mình trước dòng tâm thư của anh Huỳnh gửi về gia đình.

Thương nhớ mẹ khôn nguôi, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh nhắn nhủ: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thỏa mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc”.

Và anh đã viết cho vợ là chị Đặng Thị Xơ, người phụ nữ mới chỉ vỏn vẹn có 6 ngày làm vợ và hơn 30 năm đằng đẵng thờ chồng: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về...”.

Sau khi hy sinh, bức thư của anh cất giữ bên mình đã được đồng đội đưa về Thái Bình gửi lại cho chị Xơ. Qua lời chỉ dẫn trong bức thư, đến năm 2002, chị và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ của anh. Mỗi điều trong bức thư là dự cảm đúng đến kỳ lạ, chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong chứ không phải thôn Nhan Biều 1, 2 thôn này nằm cạnh nhau...

Bầu trời Quảng Trị hôm nay vẫn trong xanh dù đã nhiều phát triển thay đổi. 81 ngày đêm rực lửa. Nhưng chính từ cuộc chiến vô cùng gian khổ và ác liệt mang tên “hủy diệt” điển hình trong lịch sử chiến tranh thế giới, quân dân ta đã lập nên chiến công hiển hách, viết nên thiên anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam...

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông