Bệnh viện trẻ em Hải Phòng: Cứu bệnh nhi 9 tháng tuổi nuốt dị vật

10:55 09/05/2017

Vào 13h20 ngày 2-5, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Phương Thảo, 9 tháng tuổi, ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, đến bệnh viện cấp cứu do dị vật nằm sâu trong đường thở, toàn thân tím tái.

Lúc nhập viện, cháu bị suy hô hấp độ 2, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, bệnh viện đã tiến hành đặt ống nội khí quản và cho thở máy, đồng thời hội chẩn theo quy trình báo động đỏ.

Kết quả chụp X-quang cho thấy đường thở bé Thảo có dị vật kim loại hình chữ nhật. Bệnh viện đã tổ chức 2 kíp nội soi tiến hành gắp dị vật là chân sạc điện thoại qua ống nội soi ra ngoài an toàn.

Được biết, lúc 13h cùng ngày, bé Thảo được mẹ cho chơi sạc điện thoại di động. Khi thấy cháu bé cho đầu sạc vào miệng, mẹ cháu quát to làm cháu giật mình. Sau đó, gia đình thấy bé ho sặc sụa, khó thở nên đưa cháu đến Bệnh viện trẻ em cấp cứu. Sau khi gắp dị vật ra khỏi đường thở, sức khỏe bé Thảo đã phục hồi tốt (ảnh).

Trước đó, vào ngày 25-1-2017, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhi Phạm Hà Linh, 18 tháng tuổi, ở quận Đồ Sơn, bị hóc dị vật là mảnh xương cá gây suy hô hấp, nếu không xử trí kịp thời, dị vật có thể gây thủng phổi, áp xe phổi và tử vong. Sau khi chụp X-quang, các bác sỹ chuyên khoa Tai mũi họng đã nội soi phế quản ống mềm, gắp thành công mảnh xương cá ở góc phế quản phải…

Ngày 23-8-2016, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Trọng Mến, 2 tuổi, ở Hòa Bình, Thủy Nguyên, nuốt hạt na vào đường thở khiến toàn thân tím tái. Sau khi tiến hành hội chẩn, chụp X-quang, các bác sỹ đã nội soi ống mềm, gắp thành công hạt na nằm sâu trong phế quản gốc bên trái.

Việc đưa kỹ thuật hiện đại nội soi khí quản bằng ống cứng và ống mềm vào sử dụng tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi, cứu sống nhiều bệnh nhi bị hóc dị vật.

Bác sỹ chuyên khoa II Trần Minh Cảnh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Khi trẻ hóc dị vật sẽ có biểu hiện tím tái, ho sặc sụa, có thể bị ngừng thở nếu dị vật làm bít đường thở.

Khi gặp dị vật đường thở, nhất là đối với trẻ nhỏ, chúng ta cần bình tĩnh, tránh kích thích trẻ và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không được để trẻ nhỏ chơi hoặc cầm các đồ vật có nhiều chi tiết nhỏ, và khi chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần hết sức cẩn trọng.

Hồng Hải 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích