09:10 02/05/2019 Liên quan đến vụ việc người phụ nữ tự xưng “quan thầy” chữa bệnh mê tín dị đoan trái phép cho người dân tại xã Lưu Kiếm, ngày 24-4, Công an huyện Thủy Nguyên cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với bà Lê Thị Dung, sinh 1967, ở thôn Mỹ Liệt, xã Lưu Kiếm. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, Công an huyện và chính quyền địa phương cũng yêu cầu bà Dung chấm dứt ngay hoạt động hành nghề chữa bệnh mê tín dị đoan trái phép cho người dân...
Chữa bệnh bằng "đặt tay lên đầu, đạp chân vào bụng"
Trước đó, như Báo ANHP đã thông tin: thời gian gần đây Đội An ninh - Công an huyện Thủy Nguyên nhận được nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp về việc tại nhà của bà Lê Thị Dung, thường xuyên có rất đông người tập trung đến để bà Dung khám chữa bệnh.
Điều đáng nói, dù không được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào về nghề y mà chỉ lợi dụng sự cả tin của người dân, Dung tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh mang đậm màu sắc mê tín, dị đoan.
Lê Thị Dung “làm lễ” khám chữa bệnh trái phép cho người dân
Trước khi bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, trong vai một người đi chữa bệnh, Phóng viên Báo ANHP đã phối hợp cùng các trinh sát an ninh trực tiếp xâm nhập vào cơ sở hành nghề của “quan thầy” Lê Thị Dung.
“Bách bệnh đều chữa khỏi!”. Đó là lời khẳng định chắc nịch của “quan thầy” Lê Thị Dung khi nghe chúng tôi ngỏ ý xin được gặp để chữa bệnh. Sau câu nói của “quan thầy”, mấy “đệ tử” đang có mặt đều rì rào lên tiếng với đại ý rằng, “quan thầy” Dung là người được “bề trên” giáng xuống. Rằng thì muốn bớt bệnh phải có tâm, phải thường xuyên đến nhà để chữa trị mới mong khỏi bệnh.
Trong căn nhà cấp bốn khá chật chội nằm sát con đường liên xã Lưu Kiếm- Minh Tân, gần hai chục người, già có trẻ có. Còn “quan thầy” Lê Thị Dung cổ tay đeo vòng, son phấn lòe loẹt, khoanh chân ngồi chẫm trệ giữa nhà.
Sau khi được mấy “đệ tử” hướng dẫn làm lễ, đặt tiền lên 3 ban thờ (gồm 2 ban trong nhà và 1 ban ngoài sân), chúng tôi mới ngồi xuống đợi đến lượt.
Lân la làm quen, một “đệ tử” thân tín tên Nguyễn Thị T hồ hởi kể: “Cách đây 3 năm, chị bị gai cột sống, bệnh viện trả về mà tìm tới “thầy” trong vòng một tháng đã khỏi. Mừng quá! Giờ cứ rảnh là chị tới đây phụ thầy chữa bệnh”. Và chị này không quên “động viên”: “Em cứ thường xuyên đến thành tâm cầu nguyện, được thầy chữa thì bệnh gì cũng khỏi?”.
Kiên nhẫn chờ đợi, chúng tôi cũng được trực tiếp chứng kiến cảnh hành nghề đầy quái gở, phản khoa học của Lê Thị Dung. Mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm, “quan thầy” đặt 2 tay lên đầu một người được chẩn đoán mắc bệnh... viêm xoang. Được khoảng nửa tiếng sau, Dung yêu cầu người bệnh xoay người, chân thị đạp giữ vào bụng.
Tiếp đó, “quan thầy” bảo mấy “đệ tử” dâng trà. Thị nhấp ngụm rồi phun thẳng vào mặt người bệnh khiến mấy người lần đầu đến chữa bệnh phải phì cười. Lúc này, Dung nghiêm nét mặt xưng “quan thầy” rồi nạt nộ rằng người bệnh luôn phải “thành tâm” mới khỏi bệnh.
Đến lượt tôi khám bệnh, vẫn cách Dung đặt tay lên đầu một hồi. Đoạn, bà ta phán rằng đã bị “người âm theo”, muốn chữa trị thì phải... “trục vong” mới mong khỏi bệnh. Thấy tôi tỏ vẻ lo lắng, Lê Thị Dung châm liền 5 điếu thuốc lá rồi bắt phải hút bảy hơi, nuốt vào trong người. Cuối cùng, bà ta hẹn buổi sau tiếp tục đến để làm lễ “trục vong”. Một người bệnh ở đây “bật mí”, cách đuổi tà ma của Lê Thị Dung là lấy roi mây tẩm nước bẩn rồi quất nhiều nhát vào người bệnh?.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi chồng và con đi lao động ở nước ngoài, từ năm 2014, bà Lê Thị Dung bất ngờ lập điện thờ trong nhà và ngoài sân, lôi kéo thêm một số “con nhang, đệ tử” rồi tự xưng là “quan thầy” hành nghề xem bói và chữa bệnh cho những người bị bệnh nặng bị bệnh viện trả về như ung thư và nhiều loại bệnh khác. Khi được Dung chữa bệnh, thì bệnh nhân hoặc người nhà phải tự nguyện đặt lên ban thờ từ 10.000 đến 200.000 đồng.
Số người đến đây để nhờ “quan thầy” chữa bệnh cho cũng khá đông song chủ yếu là những người có trình độ hạn chế. Tuy nhiên họ có “khỏi bệnh” hay không thì chẳng ai biết!
Có lẽ do tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo, chữa trị nhiều lần, nhiều nơi nhưng không khỏi, phần lớn là bệnh ung thư hoặc thần kinh... nên nhiều người tìm đến để được bà Dung “làm phép”. Tất nhiên, chẳng ai đi chữa bệnh mà không có tiền.
Đến đây hẳn mọi người đều hiểu hành vi của Lê Thị Dung đã vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh và hành vi đó có dấu hiệu lợi dụng mê tín dị đoan để hành nghề trái pháp luật.
Người dân cần tỉnh táo
Sau một thời gian xác minh, đến 10h ngày 19-4, tổ công tác Đội An ninh- Công an huyện phối hợp Phòng Y tế huyện Thủy Nguyên, lực lượng Công an xã Lưu Kiếm và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở của bà Lê Thị Dung.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện, bắt quả tang bà Dung đang tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh bằng mê tín dị đoan cho 16 người với hình thức như đã nêu ở trên.
Dung tại cơ quan chức năng
Điều đáng nói, trong quá trình kiểm tra, Dung vẫn tự nổ là “quan thầy”, không chịu hợp tác. Khi được mời về cơ quan chức năng, "quan thầy" Dung bất ngờ nhảy xổ ra, tát đồng chí Đặng Văn Hùng, Phó trưởng Công an xã Lưu Kiếm. Tuy nhiên sau đó, Lê Thị Dung không xuất trình được bất cứ giấy tờ, chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định.
Quá trình làm việc, bà ta đã phải thừa nhận hành vi khám chữa bệnh như trên là vi phạm pháp luật. Ngày 24-4, Lê Thị Dung đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời viết bản cam kết chấm dứt, không tái diễn hoạt động khám chữa bệnh trái phép cho người dân.
Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, hiện có không ít người bệnh vẫn tin tưởng trông chờ vào phép màu, nên làm theo những phương pháp chữa bệnh quái gở, phản khoa học, sặc mùi mê tín dị đoan. Trên thực tế, nhiều trường hợp không chỉ gánh thêm nỗi đau về thể xác, mà bệnh tình cũng ngày một nặng thêm.
Mặc dù nền y học trong nước đã rất phát triển nhưng ở một số người dân vẫn tin vào những phương pháp chữa bệnh bằng mê tín dị đoan. Hiệu quả chưa thấy đâu mà hậu quả thì đã nhãn tiền.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Tiệp, thực tế cho thấy không chỉ ở nông thôn, mà ngay tại các đô thị, không ít người vẫn chữa bệnh theo tin đồn, mua thuốc và tự điều trị theo các bài thuốc dân gian truyền miệng, để rồi nhiều người phải cấp cứu trong nguy kịch, phải thở máy, thậm chí tử vong vì ngộ độc, vì sự chủ quan. Đa số người bệnh đi khám các thầy lang là do truyền miệng, người đi trước thổi phồng sự việc.
Có khi người nào đó vô tình khỏi bệnh, nhưng lại kể cho người khác về bệnh tình của mình được chữa khỏi một cách ly kỳ bởi những thầy lang thần thánh, hoặc “tam sao thất bản” những bài thuốc bí truyền rồi người này đồn người kia tạo nên hiệu ứng. Đến khi người bệnh gặp hậu quả nghiêm trọng thì đã muộn.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2009, quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm g, khoản 3, Điều 28 Nghị định 176/2013, trường hợp sử dụng hình thức mê tín khi hành nghề sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
Người sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh tùy theo mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 247 Bộ luật Hình sự, phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù 3 - 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 3 - 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm mê tín dị đoan núp bóng cơ sở khám chữa bệnh trái phép, lợi dụng sự cả tin để trục lợi như của “quan thầy” Lê Thị Dung. Do đó, người dân nên tỉnh táo nhận biết, không nghe theo những lời đồn đại vô căn cứ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền thì mất mà bệnh thì ngày càng xấu đi.
THỦY NGUYÊN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão