07:40 05/04/2022 Theo Cục Thống kê thành phố, giá xăng dầu tăng cao kỷ lục theo giá nhiên liệu thế giới đã làm tăng chi phí vận chuyển và tăng giá dịch vụ giao thông công cộng; giá vật liệu xây dựng từ sắt thép, xi măng đến các loại cát, đá đều tăng; nhu cầu sử dụng điện, nước tăng sau khi các khu công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,4% so với tháng 12/2021.
Xăng dầu tăng cao, đang gây áp lực lên thị trường hàng hóa
Nỗi lo tác động kép
Thời gian gần đây, thông tin về giá một số mặt hàng nhạy cảm đang gieo vào thị trường nỗi lo không nhỏ. Đơn cử như giá xăng, dù đã có hai phiên liên tiếp gần đây được điều chỉnh theo hướng giảm, nhưng giá bán lẻ của mặt hàng này vẫn đang ở mức rất cao với 27.309 đồng/lít xăng RON92 và 28.153 đồng/lít xăng RON95. Trong khi đó, giá dầu các loại tiếp tục tăng, riêng dầu Diesel là loại nhiên liệu phổ biến nhất đối với phương tiện vận tải hàng hóa, hiện đang đượ bán lẻ ở mức 25.080 đồng/lít.
Cũng trong thời gian qua, một mặt hàng khác “cùng họ” với xăng dầu là gas cũng tiếp tục tăng giá mạnh mẽ, và hiện đang có mức bản lẻ bình quân 530 nghìn đồng/bình 12kg. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lượng – chủ một cơ sở phân phối hàng tiêu dùng ở đường Quang Trung chia sẻ, nếu đơn giản trong sinh hoạt, người dân chỉ phải chịu mức tăng của xăng dầu, gas, điện… thì chi phí vài chục nghìn tăng trong tháng cũng bình thường.
Nhưng vì đây là những mặt hàng có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường, là chi phí đầu vào của cả hệ thống từ sản xuất, lưu thông đến phân phối, nên tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Bởi đây là thời điểm giao mùa, việc khởi động lại các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 sẽ kích cầu thị trường, chỉ một động thái khó kiểm soát về giá, sẽ gây tác động khôn lường.
Khỏi phải nói đến tác động của nhóm hàng nhiên liệu đối với xã hội, trong đó xăng là sự vận hành của phương tiện an sinh như xe máy, bơm nước, động cơ tay… rồi vận tải hạng nhẹ, hàng không, hóa nhựa… dầu là nguồn cung cho vận tải ô tô, tàu thủy hạng nặng, vận hành máy nổ, lò nung luyện kim. Còn gas ngoài việc là “bếp” cho đại đa số người dân, còn cung ứng cho các lò đốt, hàn cắt trong công nghiệp…
Nên dù giá nhiên liệu tăng đến mấy cũng phải dùng, vì hiện các phương tiện sử dụng nhiên liệu này vẫn là chủ yếu của xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế chứ thực sự phục hồi, thu nhập của người dân vẫn giảm sút, đã tạo ra tâm lý không mấy tích cực. Hơn nữa, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường hàng hóa, vốn dĩ cũng đang đìu hiu trong vòng xoáy dịch bệnh.
Chưa hết, thời gian qua thị trường vàng và ngoại tệ cũng biến động mạnh, tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Giá nhập khẩu tăng đương nhiên giá bán cũng tăng, đây cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ vào mặt bằng chung của giá cả thị trường.
Giá hàng hóa tăng, khó cho người tiêu dùng có thu nhập thấp
Chú trọng an sinh xã hội
Trở lại với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), số liệu từ Cục Thống kê thành phố cho thấy, chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,4% so với tháng 12-2021, bình quân 3 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,21% sơ với cùng kỳ năm 2021. Nhưng điều đó cũng không phản ánh hết diễn biến thị trường hàng tiêu dùng, bởi CPI bình quân được tính trên tổng thể nhiều nhóm hàng và dịch vụ.
Trong khi đó, khảo sát tại thị trường Hải Phòng cho thấy, trong 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá mạnh thời gian qua có nhiều nhóm ảnh hưởng đến an sinh xã hội như: ngoài xăng dầu, gas, điện còn có lương thực, thực phẩm; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; sản phẩm may mặc, giày dép; đồ dùng gia đình; dịch vụ giao thông… Nhìn vào thực tế, sự tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân lại ở góc nhìn đơn giản và thiết thực hơn, xoay quanh câu chuyện "cơm-áo-gạo-tiền".
Chị Hoàn, một kế toán làm việc ở KCN Tràng Duệ cho biết, lương của chị được trả 450 USD/tháng tương đương 10 triệu đồng. Chồng chị cũng làm ở một doanh nghiệp liên doanh, tổng cộng hai vợ chồng thu nhập xấp xỉ gần hai chục triệu đồng/tháng. Một khoản như vậy xem ra khá cao so với mặt bằng chung của xã hội, nhưng chị Hoàn vẫn phàn nàn: “Hầu hết các chi phí sinh hoạt đều tăng, mỗi thứ một tí cộng lại thành khoản không nhỏ…”.
“Nhà giàu” đã vậy, còn vợ chồng chị Dung ở một quận Lê Chân, có nghề nghiệp hẳn hoi nhưng cuộc sống có thể nói là bi đát. Chị Dung kể, chị làm việc ở một trường mầm non, mức lương hợp đồng được hơn ba triệu đồng/tháng, thời gian qua do dịch bệnh Covid-19 nên trường phải nghỉ thời gian dài, cơ bản thu nhập không còn được bao nhiêu. Chồng chị là cán bộ phường, thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được vài triệu đồng, chị Dung chép miệng: “May mà bọn em còn ăn vạ vào ông bà nội, ngoại, nhưng cứ thế này bao giờ mới có điều kiện ra ở riêng…”.
Đấy là chuyện của những người có nghề nghiệp, ít nhiều sẽ được thụ hưởng từ chế độ điều chỉnh về lương, tuy nhiên hiện còn số đông những người làm nghề tự do, thu nhập rất bấp bênh, hoặc nhiều người không còn khả năng lao động khác. Rõ ràng, trong bối cảnh cuộc sống của người dân còn quá nhiều vấn đề xã hội chi phối, thì mọi tác động tiêu cực đến từ thị trường sẽ ngay lập tức ảnh hưởng xấu.
Bước sang quý 2, cũng là thời điểm giao mùa, trong bối cảnh dịch bệnh và những tác động khác vẫn tạo áp lực lớn, thị trường còn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, nên đòi hỏi cần nhiều hơn những biện pháp bình ổn thị trường, từ đó mới có thể bảo đảm được an sinh xã hội.
Lê Minh Thắng
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão