Buồn vui bán hàng online

09:40 29/09/2019

Trong xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, việc trao đổi mua bán hàng hóa qua hệ thống mạng Internet ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, cũng còn không ít câu chuyện dở mếu dở cười.

Quảng cáo sản phẩm trên một cửa hàng online

Sản phẩm của thời đại công nghệ

          Sự ra đời của mạng Internet đã góp phần phá vỡ kết cấu của thị trường truyền thống, làm xuất hiện nhiều thuật ngữ thương mại mới như: thương mại điện tử, kinh doanh điện tử, mua bán trực tuyến, bán hàng online, đấu giá online…

Tương ứng với mỗi phương thức mới, thị trường dường được co hẹp khoảng cách cả không gian lẫn thời gian, khiến người mua kẻ bán có thể giao dịch khi cách xa nhau hàng nghìn km trên phạm vi toàn cầu.

          Ông Nguyễn Mạnh T. – giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ, thực tế việc giao dịch thương mại trên mạng đã được thực hiện ở Việt Nam từ vài chục năm trước.

Khởi đầu là việc trao đổi bằng thư điện tử, đến hợp đồng điện tử chính thức được pháp lý hóa, cho đến việc xuất hiện hệ thống các cửa hàng điện tử, giúp các giao dịch thuận tiện hơn. Tiếp đó là sự xuất hiện các dịch vụ tiện ích, thậm chí có quy mô rất lớn mà Face Book hay Youtube chỉ là một ví dụ điển hình.

          Giờ đây, dạng hình cửa hàng điện tử đã trở nên cực kỳ phổ biến, dường như hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chọn việc mở Website trên nền tảng Internet là một phương thức tiếp cận thị trường.

Bên cạnh việc quảng bá giới thiệu, việc cập nhật sản phẩm, giá bán, hình thức giao nhận cũng được thực hiện thường xuyên, nhờ hệ thống dịch vụ hoàn hảo. Như đã nói ở trên, kinh doanh điện tử mà phổ biến nhất là bán hàng online được nhiều người ưa chuộng vì tiết kiệm được thời gian, chí phí.

Bản thân các doanh nghiệp thương mại cũng khuyến khích khách hàng lựa chọn dạng hình này, nên có nhiều trung tâm thương mại bán hàng qua mạng online có giá thấp hơn bán trực tiếp.

Bà Nguyễn Hồng N. – một khách hàng ở ngõ Nam Pháp (Ngô Quyền) kể lại, khi xem trên mạng thấy siêu thị điện máy N.K ở đường Lương Khánh Thiện bán máy giặt đúng nhu cầu của gia đình, bà N. đến xem thì được nhân viên bán hàng gợi ý đăng ký qua mạng để hưởng ưu đãi. Bà N. vui vẻ nói: “Vừa được xem trực tiếp, vừa được hướng dẫn đăng ký luôn qua mạng tại cửa hàng, chiếc máy giặt tôi mua được giảm tới 15%, tương ứng gần 1 triệu đồng”.

Theo bà N., mạng trực tuyến không chỉ làm giảm chi phí cho khách hàng, mà còn nhiều tiện tích khác. Chẳng hạn trước khi mua máy giặt ở siêu thị N.K, bà N. đã xem trên mạng rất nhiều bài đánh giá, so sánh chất lượng của cả các chuyên gia và người tiêu dùng, rồi so sánh giá bán giữa các cửa hàng cũng như chế độ khuyến mại, chế độ chăm sóc khách hàng…

Còn ông Nguyễn Thế T. – cán bộ quản lý của một trung tâm thương mại điện máy gia dụng thì khẳng định, việc thiết lập hệ thống bán hàng online không chỉ tiếp cận nhanh hơn với khách hàng, mà còn giảm rất nhiều chi phí về nhân công, đầu tư cơ sở hạ tầng như cửa hàng truyền thống.

Mặt khác, mạng online cũng giúp thị trường có được môi trường cạnh tranh tốt, giúp khách hàng tăng khả năng tiếp nhận kiến thức tiêu dùng và có thêm nhiều lựa chọn.

Bán hàng online ngày càng phô biến trên Face Book

Chưa hẳn đã hoàn hảo

Cùng với việc thiết lập hệ thống kinh doanh tổng hợp chuyên nghiệp với việc tích hợp nhiều tiện ích qua mạng online nêu trên, thời gian gần đây trên nền tảng Internet cũng xuất hiện nhiều mô hình bán lẻ cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, phổ biến nhất là qua mạng xã hội.

Chị Nguyễn Kim X., người chuyên buôn bán quần áo, giày dép nhập khẩu cho biết, mỗi khi có hàng mới về, chị thường “live stream” trên Face Book, hiệu quả thấy rõ. Chính vì vậy, ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng trên đường Lê Lợi, chị luôn có sẵn đội hình “Shipper” thường trực sẵn sàng giao hàng khi khách có nhu cầu.

Nhưng theo tâm sự của chị X., mua bán hàng online lắm lúc cũng không theo ý mình, nhất là việc bị “bỏ bom”. Nghĩa là khách hàng gọi đến cần một lượng hàng lớn có giá trị, hẹn thời gian và địa điểm cụ thể, nhưng khi đóng gói thuê người mang hàng đến, thì hóa ra là “khách ma”.

Chị X. cho biết, thông thường đó là những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, nhưng đôi khi cũng có thể là những người không ưa thích mình, hoặc chỉ muốn trêu đùa, nhưng bị như thế cũng bực mình lắm. “Yêu cầu đặt cọc tiền trước qua tài khoản thì dễ mất khách, đành để tự do và chấp nhận rủi ro thôi…”, chị X. nói.

Ngoài người buôn bán chuyên nghiệp như chị X, số lượng người buôn bán nghiệp dư online ngày càng nhiều. Có thể nói là “nhà nhà đi buôn, người người đi buôn”, nhưng chủ yếu là những sản phẩm có giá trị thấp, thiết thực với cuộc sống.

 Tuy nhiên, khảo sát cho thấy đội ngũ này phần lớn là những công viên chức, nhân viên văn phòng, sinh viên… có thời gian sử dụng thiết bị, kết hợp việc công lẫn việc tư. Nhưng cũng phần lớn số lượng này chỉ giữ khâu trung gian, đặt hàng ở một nguồn khác rồi bán lại, nên kiến thức về sản phẩm cũng như kinh nghiệm không nhiều, dễ vấp phải hệ lụy ngoài mong muốn.

Ông Lê Hoàng L., một cán bộ ở quận Hồng Bàng kể câu chuyện, cơ quan ông có một nữ đồng nghiệp có ngoại hình khá xinh, ăn nói nhẹ nhàng. Cô này mở bán hàng online, chủ yếu là hóa mỹ phẩm, một lần nghe cô nàng nỉ non, ông L liền mua ủng hộ 2 tuýp kem đánh răng được quảng bá “xách tay” từ Nhật, với giá 160 nghìn đồng.

Hí hửng đem về khoe với vợ, ai dè vợ ông phi ngay đến siêu thị, lôi về 2 tuýp y hệt mã hiệu, lại có tem phụ nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ có 84 nghìn đồng. Ông L. cười nhớ lại: “Đã bị mua hớ, còn bị vợ nó ghen chì chiết cho một trận…”.

Như ông L. xem ra vẫn còn may, còn trường hợp ông T. ở một cơ quan cũng trên quận Hồng Bàng, thì một lần thấy trên mạng rao bán hệ thống camera an ninh với lời giới thiệu hấp dẫn.

Tiện đang muốn có nhu cầu lắp đặt ở nhà, ông T. liền đặt mua khi thấy giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường bên ngoài, ngày “shipper” đem hàng đến, vì chủ quan không kiểm tra, ông T. thanh toán tiền xong khi mở gói hàng ra thì bên trong chỉ là một chiếc sạc điện thoại loại rẻ tiền.

Ông T. gọi lại cho chỗ bán, thì điện thoại đối phương “tò tí te”, ngậm ngùi mất toi hơn 2 triệu đồng, ông T. thể rằng từ nay sẽ không bào giờ mua hàng online nữa.

Nói về bán hàng online, chị H.K – một giáo viên ở quận Lê Chân bộc bạch: “Không cẩn thận mất hết bạn anh ạ…”. Chị cho biết, vì muốn làm thêm, chị cũng “oder” hàng trên mạng bán lại, thời gian đầu bán được khá nhiều nhưng chủ yếu là khai thác mối quan hệ bạn bè, người thân.

Khổ nỗi kiến thức tiêu dùng có hạn, nhiều lúc rao bán hàng nhưng bản thân chị chẳng biết giá trị thực của hàng ấy thế nào. Nên người mua phản ứng không tốt, có người chê đắt, có người chê hàng rởm, có người chẳng nói gì nhưng lặng lẽ tuyệt giao. Chị K. nói tiếp: “Em kết bạn với hơn 2 nghìn người, nhưng giờ mỗi lần lên mạng may ra được vài người like…”.

Mới thấy, kinh doanh online quả là câu chuyện còn nhiều điều đáng bàn, dù đó là xu thế mang tính thời đại. Nhưng làm gì cũng vậy, không phải ai cũng làm được và cứ thích là được,

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích