Cầm cố sổ BHXH: Cảnh báo từ “ăn non” của để dành

15:35 17/11/2019

Luật BHXH năm 2014 quy định các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển giao sổ BHXH cho người lao động (NLĐ) để họ tự quản lý và theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình. Đây cũng được xem là giải pháp "phòng ngừa" tình trạng xâm hại quyền, lợi ích của NLĐ trong lĩnh vực này. Trớ trêu thay, mục đích ưu việt đó trên thực tế đã có không ít những trường hợp bị đảo lộn khi NLĐ đã sử dụng sổ BHXH của mình để cầm cố, thế chấp hay “ăn xổi” theo kiểu “bán lúa non”…

 Ngày 26-9 vừa qua, Công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang Nguyễn Hoài Nam (sinh 1985) và em trai là Nguyễn Hoài Như Hoàng (sinh 1988), cùng ở ấp 2, xã Xuân Tâm cùng Nguyễn Văn Rim (sinh 1989), ở ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, thuộc huyện dùng thẻ ATM rút tiền để trừ nợ vay lãi của một số người làm việc trong Khu Công nghiệp Xuân Lộc. Qua điều tra, các đối tượng thú nhận đã thực hiện giao dịch cho vay nặng lãi với khoảng 200 công nhân…

Đối tượng Nguyễn Hoài Nam tại cơ quan công an

Bước đầu, bọn Nam và Rim khai đã từng có thời gian đi làm tại Khu Công nghiệp trên và biết được nhiều lao động có nhu cầu vay tiền để tiêu dùng cá nhân.

Cả hai đã huy động vốn từ gia đình và cá nhân khoảng 2 tỷ đồng để cho vay nặng lãi, thu lợi bất chính, với lãi suất từ 4-6% số tiền vay/tháng, tiền lãi hàng tháng thu nợ khoảng 50 triệu đồng. Theo đó, người vay phải thế chấp thẻ tín dụng ATM, đồng thời cung cấp mật khẩu thẻ của mình để chúng thu tiền lãi suất theo thỏa thuận.

Đáng nói, Nam còn thuê Nguyễn Hoài Như Hoàng (em ruột) đi cùng đến các trụ ATM để rút tiền của người vay tiền. Nếu người vay trả cả tiền gốc và tiền lãi thì sẽ được nhận lại thẻ ATM. Còn chỉ trả tiền lãi thì chỉ nhận số tiền lương còn lại (tức đã trừ tiền lãi người vay trả cho người cho vay).

Để hợp thức hóa hành vi cho vay nặng lãi, các đối tượng trên yêu cầu người vay phải thế chấp sổ BHXH và làm hợp đồng vay tiền. Khám xét chỗ ở của các đối tượng, cơ quan Công an đã thu giữ 260 thẻ tín dụng (ATM); 207,6 triệu đồng; 8 danh sách người vay; 121 hợp đồng vay; 120 sổ BHXH; 4 điện thoại di động các loại.

Trước đó, ngày 2-9, Công an huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) cũng đã bắt giữ Lê Thị Kim Yên (sinh 1964, ở huyện này) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng. Tang vật thu giữ gồm 6 sổ theo dõi người vay tiền, 12 thẻ ATM, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 7 sổ BHXH, 36 giấy vay tiền, 33 giấy CMND, 7 sổ hộ khẩu, 1 giấy hợp đồng thế chấp đất, 5 biên lai thu tiền…

 Tại cơ quan Công an, Yên khai nhận, thời gian qua đã hoạt động cho vay lãi nặng để thu tiền bất chính ở Khu Công nghiệp với mức cho vay từ 3 triệu đến 250 triệu đồng.

Người vay phải thế chấp thẻ ATM, sổ BHXH, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, viết giấy vay nợ... với lãi suất 120-150%/năm, cao hơn nhiều lần so với lãi suất Ngân hàng Nhà nước ấn định.  Qua xác minh ban đầu, đối tượng đã cho 46 người vay tiền, với tổng số tiền cho vay lên tới gần 1 tỷ đồng.

Để tìm hiểu thêm về dịch vụ cầm cố bằng sổ BHXH, chúng tôi đã thử gõ từ khóa trên và ngay lập tức đã được các trang mạng đưa ra vô số địa chỉ cùng các lời mời hấp dẫn.

Theo đó, khách hàng muốn vay chỉ cần chuẩn bị Hồ sơ gồm CMND, Bản sao hộ khẩu, Sổ BHXH gốc (kèm quyết định nghỉ việc nếu đã thôi việc) là vay được từ 500.000 đến 20 triệu đồng tùy vào số năm đã đóng BHXH, không giới hạn thời gian vay miễn đóng lãi đúng hạn sẽ được gia hạn thêm vay vài năm hay vài ngày tùy khách. Ngoài ra, trên các trang mạng còn xuất hiện hình thức thu mua sổ BHXH hay thanh lý sổ BHXH trước thời hạn...

Tang vậtthẻ ATM, Sổ BHXH, tiền mặt và sổ sáchcủa các đối tượng Nam, Hoàng, Rim

Có thể thấy, tình trạng sổ BHXH bị sử dụng như một thứ tài sản cầm cố không chỉ mới xuất hiện mà đã xảy ra nhiều năm trước và ở nhiều tỉnh thành.

Trước đó, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ BHXH, BHYT, BHTN đầu năm 2018, ông Chu Minh Tộ, Trưởng Ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã từng cảnh báo thời gian gần đây, tại một số địa phương như: Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Đăk Nông… xảy ra tình trạng một số NLĐ đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH mới. Tại Hải Phòng, qua trao đổi, lãnh đạo cơ quan BHXH cho biết cũng đã xuất hiện tình trạng NLĐ “cầm sổ BHXH để vay tiền”.

Nên biết, việc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển giao sổ BHXH cho NLĐ là một trong những điểm mới của Luật BHXH. NLĐ tự quản lý sổ của mình sẽ nắm bắt được các thông tin về quá trình tham gia BHXH của bản thân, đồng thời chủ động yêu cầu thực hiện các quyền lợi được hưởng khi phát sinh các chính sách về BHXH. Hành vi lợi dụng chính sách này để sử dụng cho mục đích cá nhân là rất không nên.

Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam đã đưa ra cảnh báo. Theo đó, nếu NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố sẽ không thuộc đối tượng được cấp lại theo quy định Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01-10-2015 và Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Chưa kể, trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó viện lý do bị mất, hỏng để đề nghị cấp lại, nếu cơ quan BHXH phát hiện khai không đúng sự thật thì NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH… cho hành vi kê khai không đúng sự thật.

Đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH trên thực tế cũng không chắc có được hưởng lợi từ việc cầm cố này. Bởi theo quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 28 Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22-4-2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì: Khi giải quyết hưởng BHXH một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ BHXH, dữ liệu về quá trình đóng BHXH của NLĐ nhằm đảm bảo không giải quyết hưởng trùng.

Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Điều 19 Luật BHXH đã quy định: “Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH…”. Như vậy, Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan.

Cụ thể, nếu NLĐ cầm cố sổ BHXH, sau đó được cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH vì lý do bị mất đi giải quyết BHXH một lần thì khi đó, người cầm cố cũng sẽ không thể đem sổ BHXH nhận thế chấp đi giải quyết BHXH một lần mặc dù có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp NLĐ tham gia BHXH nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất. Còn người cầm cố sổ BHXH sẽ không được hưởng (quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật BHXH).

Tóm lại, việc cầm cố sổ BHXH có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan mà còn ảnh hưởng đến ANTT xã hội. Bản thân NLĐ khi cầm cố sổ BHXH - quyển sổ được coi là “của để dành” - phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức nhận cầm cố sổ BHXH cũng gánh nhiều rủi ro, hệ lụy bởi Luật BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH, khi xảy ra tranh chấp sẽ chịu thua thiệt. Ngoài ra, hình thức cầm cố sổ BHXH để cho vay nặng lãi còn là một hình thức “tín dụng đen” nên những khoản vay này mặc nhiên chịu lãi suất cao “cắt cổ”. Một khi không trả được, không ai hết chính NLĐ sẽ chịu cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”, bị đe dọa hoặc bị xử bằng thứ “luật rừng”...

Để chấm dứt tình trạng này, không chỉ bản thân NLĐ phải tự nâng cao nhận thức, cơ quan BHXH đẩy mạnh tuyên truyền đi đôi với siết chặt các quy định về thanh toán BHXH mà các cấp công đoàn cũng cần có hình thức hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho NLĐ gặp khó khăn về kinh tế, tránh để họ rơi vào tròng vay nặng lãi...

Hoàng Triệu (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông