17:17 12/12/2023 Tại các đô thị, do diện tích đất nhỏ, lại nằm trong các khu dân cư đông đúc nên đa phần các thiết kế nhà đều là nhà hình ống khép kín. Thiết kế này vô tình đã đẩy chính chủ nhà vào nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. Đây thực sự là nỗi lo thường trực bởi nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, khó thoát hiểm, trong khi 3 mặt nhà đều là bức tường, chỉ có mặt trước là có thể mở cửa, do vậy khả năng thông gió hoặc thoát khói của những ngôi nhà này thường rất hạn chế.
Ngoài ra, do lo ngại về tình trạng tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản nên trong xây dựng nhà ở, các gia chủ thường yêu cầu xây kín đáo và phải khóa cửa nhiều lớp, không làm cửa hậu hay lối lên mái hoặc xây bít ban công bằng khung sắt kiên cố (chuồng cọp) nên khi xảy ra sự cố, thì không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng.
Với nhà được thiết kế kiểu này, lực lượng chữa cháy cũng khó khăn tiếp cận để cứu người, cứu tài sản, đặc biệt là nhà trong ngõ hẻm nhỏ. Do đó, khi xảy ra sự cố thường gây thiệt hại rất lớn, nhất là với sức khoẻ và tính mạng con người.
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn, trong đó có nhiều vụ cháy nhà dạng ống, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Từ thực tế, nguyên nhân gây ra các vụ cháy tại các ngôi nhà dạng ống hầu hết là do ý thức chủ quan của người dân, nhất là do sử dụng các thiết bị điện không đảm bảo an toàn và sơ xuất, bất cẩn khi dùng lửa, người dân chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC, chưa tự trang bị những phương tiện chữa cháy cần thiết,...
Vì vậy, Các cơ quan chức năng khuyến cáo việc phòng ngừa cháy, nổ ở các nhà dạng ống là rất cần thiết, có thể kể đến một số giải pháp như: Khi xây dựng nhà, người dân cần phải thiết kế lối thoát hiểm, cũng như chuẩn bị phương tiện PCCC để đề phòng những sự cố cháy nổ có thể xảy ra.
Đối với những gia đình khi xây dựng thì phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào được, nhưng bên trong có thể ra được dễ dàng. Đơn cử như, phải để chìa khóa mở cửa thoát hiểm ở vị trí các thành viên trong gia đình đều biết và sử dụng được khi cần. Đặc biệt, cần treo thêm một chiếc búa nhỏ gần ổ khóa để trong những trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được thì dùng búa đập khung sắt để thoát ra ngoài.
Nếu ngôi nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây thang thì lập tức chúng ta phải đóng chặt cửa ra vào phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa để ngăn khói lan vào phòng; Gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 và thông tin về đám cháy như: nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy) và có khoảng bao nhiêu người mắc kẹt.
Người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín.
Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; Xem xét lại hệ thống điện trong nhà, thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ như công tắc, cầu chì, aptomat. Kiểm tra các thiết bị tiêu thụ điện không để gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm…
Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện; bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy.
Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas, Khi đun phải có người trông coi; trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết;
Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
Công tác PCCC là của toàn dân, do đó việc thực hiện đầy đủ các giải pháp trên sẽ góp phần đảm bảo an toàn PCCC tại các khu dân cư, giúp bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và tài sản của nhân dân .
PHÚC QUYỀN
09:46 21/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão