Cảnh báo hóc sặc dị vật ở trẻ em

    15:00 18/09/2024

    Theo ghi nhận của các bệnh viện, trong hai tháng gần đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các trường hợp trẻ em nuốt phải dị vật, gây tắc đường thở, đường tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ.

    Mới đây nhất, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận bé trai 17 tháng tuổi từ Bệnh viện đa khoa quốc tế Vĩnh Bảo chuyển đến trong tình trạng phải bóp bóng qua nội khí quản sau khi bị hóc hạt na. Chụp Xquang ngực cho thấy, trẻ bị xẹp toàn bộ phổi phải. Các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức đã phối hợp kíp nội soi phế quản, gắp ra hạt na có kích thước 1x0.5 cm gây bít tắc toàn bộ phế quản phổi gốc phải. Thủ thuật diễn ra an toàn, không gây tổn thương đường thở.

    Cũng theo thống kê, hầu như tháng nào, Bệnh viện cũng đều tiếp nhận bệnh nhi bị hóc dị vật đường thở hoặc đường tiêu hóa, có tháng tới 2-3 ca. Điển hình như trường hợp bé trai ở phố Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng) được gia đình đưa đến cấp cứu vào chiều 6/8 trong tình trạng thở khò khè, tím tái. Qua khai thác bệnh sử được biết cháu có chơi Lego vô tình nuốt phải mảnh ghép, sau đó ho sặc sụa, khó thở. Với kinh nghiệm nhiều năm, kíp nội soi phế quản của Khoa Hô hấp phối hợp kíp gây mê của Khoa Gây mê hồi sức thực hiện thủ thuật nội soi gắp thành công dị vật đường kính 1 cm rơi sâu vào phế quản gốc bên trái cháu bé. Hoặc một trường hợp khác là cháu bé 33 tháng tuổi, nhập viện ngày 14-7 vì nghi nuốt Lego đồ chơi hình thanh kiếm bằng nhựa cứng, mũi nhọn dài khoảng 5 cm. Các bác sĩ Khoa Tiêu hóa đã nhanh chóng nội soi gắp dị vật tránh cho cháu bị thủng  dạ dày.

    Các bác sĩ xử trí trường hợp hóc dị vật ở trẻ em

     Theo các chuyên gia y tế, hóc dị vật đường thở, đường tiêu hóa rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Đáng nói, các dị vật bằng nhựa rất khó xác định được trên phim chụp. Một số trẻ nuốt phải nhưng lại không có triệu chứng như khó chịu, đau vùng cổ, buồn nôn hay khó thở. Vì thế quá trình thăm khám, bác sĩ phải dựa vào việc thăm hỏi bệnh nhi, xác nhận của gia đình trẻ để có thông tin chắc chắn để chỉ định cấp cứu.

    BSCK2. Trần Minh Cảnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trẻ em  cho biết thêm, 3 tháng qua, trẻ được nghỉ hè trong khi cha mẹ vẫn phải đi làm. Do tính hiếu động, tò mò, trẻ thường tìm, với các đồ vật chung quanh hoặc ăn uống thiếu sự giám sát của người lớn mà không ý thức được tác hại, mức độ nguy hiểm. “Để phòng tránh những tai nạn dị vật đường thở, đường tiêu hóa, nói trên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ phải lưu ý luôn để trẻ trong tầm mắt của mình; không để trẻ một mình chơi những vật như đồ chơi lắp ghép Lego, pin cúc, đồng xu, ốc vít, nắp khui lon bia… nhất là cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại quả có hạt như na, dưa hấu…

    Phụ huynh cũng nên nhận biết trẻ bị hóc dị vật với biểu hiện ho sặc sụa dữ dội, khó thở. Một số trẻ có biểu hiện hoảng loạn hoặc ra dấu hiệu bị nghẹn ở cổ. Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, ngưng tim.

    Ngay lúc này, phụ huynh cần bình tĩnh và thực hiện lần lượt các thao tác gồm vỗ lưng, ấn ngực (đối với trẻ dưới 2 tuổi) và thủ thuật Heimlich (đối với trẻ trên 2 tuổi). Sau đó, đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông