15:27 30/10/2024 Đốt rác tự phát của một bộ phận người dân lâu nay đã vượt ra khỏi thói quen sinh hoạt, diễn ra thường xuyên trên phạm vi rộng với khối lượng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người cũng như dẫn đến nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt
“Rác tặc” và những điểm nóng đốt rác trộm
Một vài năm nay, trên tuyến đê hữu sông Lạch Tray thuộc địa bàn phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, Hải Phòng), những bãi rác tự phát có khối lượng hàng nghìn m3, hàng ngày bị đốt tạo ra những ngọn lửa lớn cao hàng chục mét rồi âm ỉ cả ngày, đem theo khói mịt mùng bốc mùi nồng nặc bao trùm Khu đô thị Vinhomes Marina và các khu vực xung quanh. Theo người dân sống ở đây, rác thải được chuyển đến từ khắp nơi trong thành phố. Trong đó, một phần là rác thải sinh hoạt và rác xây dựng, còn lại phần lớn là rác công nghiệp được thu gom từ các nhà máy sản xuất da giày, may mặc, linh kiện điện tử lân cận… được các “rác tặc” lợi dụng lúc vắng người qua lại đổ trộm.
Anh Minh Tuấn, một cư dân trong Khu đô thị Vinhomes Marina bức xúc cho biết, nhà anh nằm ở dãy quay mặt về phía bờ đê nên mùi cháy khét của phế thải nhựa, cao su, hoá chất… xộc thẳng vào nhà. Chưa kể tro bụi khiến gia đình anh phảichịu ngột ngạt đóng kín cửa. Có những hôm ngạt thở phải đi sơ tán.
Cũng thường xuyên phải hứng chịu những bãi đốt rác tự phát, anh Trung (phường Vĩnh Niệm) sống ở gần tuyến đê cho biết, khu vực này không có camera lại bị khuất. Mặc dù chính quyền cùng người dân từng vài lần tổ chức “phục kích” bắt quả tang, gần đây nhất là Đội PCCC - Công an quận Lê Chân đến dập tắt đám cháy nhưng đối tượng vi phạm thường chọn lúc đêm khuya, mọi người đi ngủ hết mới đổ trộm và đốt rác.
Không chỉ ở phường Vĩnh Niệm, đốt trộm rác giờ trở nên công khai, ngang nhiên tại những mặt đường lớn, đông người qua lại như từ ngã ba Đa Phúc đến Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) với nhan nhản các bãi rác cháy âm ỉ suốt ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Được biết, trên địa bàn phường Hưng Đạo hiện có hơn 200 hộ kinh doanh đồ điện tử cũ. Sau khi sửa chữa, các linh kiện hỏng không có ai thu gom, nên người dân thườngtự xử lý bằng cách đốt.
Đáng nói nữa, quận Dương Kinh hiện có nhiều dự án, khu nhà ở có diện tích rộng, bên trong còn nhiều bãi đất trống, cỏ, lau sậy mọc dày cùng với các điểm tập kết rác thải gần các công ty, xí nghiệp, nhà xưởng lớn, nhất là sau khi cơn bão số 3 qua đi để lại một khối lượng lớn rác thải, cây khô ùn ứ. Việc đốt rác bừa bãi, không kiểm soát đang diễn ra rất phổ biến, gây nguy cơ cháy lan, đe dọa sự an toàn của các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Và nghiêm trọng nhất có lẽ là những bãi đốt rác tự phát với đủ loại phế liệu, bốc cháy nghi ngút cùng mùi khét nồng nặc ngang nhiên xảy ra thường xuyên tại khu vực Mũi Giáo và cống Đò Vọ (phường Tràng Minh, quận Kiến An) kéo dài tới hàng trăm mét dọc theo ven sông Đa Độ, cách mép sông chỉ khoảng 2 - 3 mét gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông dù quanh khu vực này đã được lắp đặt camera và biển báo cấm đổ rác, thậm chí lắp barie ngăn các xe ô tô trọng tải lớn đổ trộm rác.
Gần đây nhất, trên đường Mai Trung Thứ(phường Đằng Hải, quận Hải An), một người dân tự ý đốt đống cây khô bên lề đường bị đổ gãy do bão rồi bỏ đi khiến lửa bùng lên cháy lan sangchiếc xe ô tô đang đỗ cạnh đó. Hậu quả, chiếc xe hư hỏng nặng.
Nan giả trong xử lý
Vấn nạn đốt rác tự phát hiện nay đã trở thành một bài toán khó, đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền địa phương. Mặc dù các phường, xã đã tích cực lắp đặt camera theo dõi, biển báo cấm, dựng barie, xây tường bao chắn cho đến chủ động thuê phương tiện chuyên dụng san gạt, thu gom rác nhưng các vụ việc không hề giảm. Chưa kể, sự giám sát xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt dẫn đến rất khó trong giải quyết triệt để vấn nạn này.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý hành vi đốt rác hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, “Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng” bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung. Tuy nhiên, quá trình phát hiện, xử phạt còn phải qua nhiều thủ tục dẫn tới tâm lý chủ quan, thêm vào đó công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn hời hợt nên bộ phận người dân ý thức kém vẫn xem nhẹ các quy định mà ngang nhiên vi phạm.
Được biết sắp tới đây, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ sẽ tổ chức vận hành chính thức vào năm 2026. Theo đó, khi hoàn thành, nhà máy có công suất xử lý (giai đoạn 1) là 1.000 tấn/ngày. Đến năm 2030, giai đoạn 2 đi vào hoạt động, nâng tổng công suất các nhà máy điện rác toàn thành phố lên 3.000 tấn/ngày. Việc áp dụng công nghệ xử lý rác thái tiên tiến, hiện đại chắc chắn sẽ kiểm soát chặt chẽ các loại chất thải rắn phát sinh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, song “rác tặc” trên thực tiễn vẫn sẽ tồn tại do nhiều yếu tố. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng nhất là lực lượng Cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường, xây dựng với sự xử lý mạnh tay của chính quyền sở tại./.
Thanh Thanh