Cấp cứu thành công bé trai 29 tháng tuổi bỏng thực quản do nuốt dị vật pin cúc áo

    17:58 29/11/2023

    Thông tin từ Bệnh viện Quốc tế sản nhi Hải Phòng cho biết, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng và Đơn nguyên Nội soi – Trung tâm Nhi khoa Quốc tế, Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng mới tiếp nhận trường hợp nuốt phải dị vật pin cúc. Rất may, sau khi gắp được dị vật trẻ chưa bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.

    Cụ thể, bệnh nhi D.P.H, 29 tháng tuổi, huyện Thủy Nguyên được gia đình đưa đến Trung tâm Nhi khoa Quốc tế, Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng sau khi phát hiện trẻ nuốt dị vật.

    Ngay sau khi tiếp nhận các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám và chụp xquang phát hiện thấy trẻ bị mắc dị vật hình tròn tại đoạn thực quản cổ. Khoa Tai Mũi Họng và Đơn nguyên Nội soi đã phối hợp tiến hành nội soi gắp dị vật cho trẻ. Kết quả ekip đã gắp ra một cục pin cúc đường kính 2cm. Tại vị trí viên pin nằm đã gây ăn mòn, hoại tử, bỏng thực quản.

    Theo các chuyên gia y tế, dị vật pin cúc áo trong thực quản là tình trạng cấp cứu tối cấp trong chuyên ngành Tai Mũi Họng do nó có thể gây biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới tính mạng hay di chứng nặng nề nếu dị vật nằm qua lâu ở thực quản.

    Bởi khác với các dị vật vô cơ khác, khi viên pin mắc lại thực quản nó sẽ gây ra một loạt các biến chứng như bỏng, loét, hoại tử dần dần các lớp của thành thực quản dẫn tới thủng thực quản, tổn thương các mạch máu thực quản, có thể để lại di chứng hẹp thực quản về sau.

    Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quốc tế Sản nhi Hải Phòng thực hiện cấp cứu gắp dị vật cho bệnh nhi

    Cơ chế gây nên tổn thương nhanh và nặng do pin cúc áo là do khi viên pin nằm lại ở thực quản nó vẫn còn hoạt động, và có hiện tượng kiềm hóa xảy ra ở cực âm dẫn tới bỏng hóa chất kiềm tại thực quản, đồng thời thực quản còn bị tổn thương thêm do nhiễm độc kim loại và các hóa chất khác rò rỉ ra từ viên pin.

    Mức độ tổn thương thực quản phụ thuộc vào kích thước dị vật, độ mới của của dị vật và thời gian gắp được dị vật. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời gian dị vật viên pin lưu lại chỉ từ 30 phút trở lên đã có thể gây ra tổn thương niêm mạc tại vị trí dị vật nằm. Do đó, ngay khi phát hiện trẻ bị dị vật, các phụ huynh cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

    Trước đó, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quốc tế Sản nhi Hải Phòng cũng tiếp nhận và xử trí thành công một bệnh nhi 6 tuổi đút pin cúc vào mũi. Niêm mạc mũi ở vị trí dị vật nằm nhanh chóng bị bỏng, hoại tử cháy đen. Sau khi lấy dị vật, xử lý vùng thương tổn, bệnh nhi đã ổn định và được ra viện.

    Qua hai trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo đến quý phụ huynh: Trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò với các đồ vật xung quanh, đặc biệt là trẻ không ý thức được tác hại, mức độ nguy hiểm của các đồ vật đó khi nhét vào mũi, sặc vào phổi hay nuốt vào đường tiêu hóa.

    Do đó, các phụ huynh, thầy cô giáo hãy luôn để trẻ trong tầm mắt của mình, luôn cảnh giác không để cho trẻ chơi những đồ chơi tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm, đặc biệt là pin cúc… để tránh những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông