17:15 21/11/2015
Khi những cơn gió heo may bắt đầu thổi, khi hơi lạnh khẽ khàng len khắp vùng rừng ngập mặn mỗi sáng sớm và chiều muộn, ngày ngắn dần và nắng cứ nhạt mãi đi, đó là lúc mùa chim di cư bắt đầu. Hò hẹn với… chim Với sự đa dạng về địa hình và sinh cảnh, vừa có rừng trên núi đá vôi vừa có rừng ngập mặn, Cát Bà có tới 160 loài chim sinh sống và là một trong những nơi ngắm chim lý tưởng nhất miền Bắc. Ta có thể gặp và quan sát được chim ở khắp nơi trên đảo Cát Bà. Các loài chim nước thường gặp như choắt bụng trắng, chim lặn, mòng két, te vàng, vịt trời, gà nước, rẽ giun thường, kịch, cuốc ngực trắng, gà lôi nước... Hay các loài chuyên bắt cá như bói cá nhỏ, bồng chanh, sả đầu nâu, sả khoang cổ… Đi dọc các đầm lầy, bãi bồi, rừng ngập mặn, có thể gặp những loài chim quý như ó biển. Khi khám phá rừng trên núi đá vôi sẽ gặp những loài chim đặc trưng như khướu, sáo, đớp ruồi… Và tiếp tục đi sâu vào các khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi có nhiều cây cổ thụ, có thể gặp những loài chim quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như chim hồng hoàng, cao cát bụng trắng - những con chim với kích thước lớn (chiều dài hàng mét), màu sắc lạ mắt, được ví là “đẹp như trong huyền thoại”.
Có một số loài rất khó có thể quan sát trực tiếp hay chụp ảnh với ống kính telé mà thường được nhận ra qua tiếng kêu, tiếng hót đặc trưng của chúng như khướu đá hoa, họa mi, cú mèo khoang cổ, cú muỗi đuôi dài, chuối tiêu ngực đốm… Cát Bà là nơi sinh sống của nhiều loài chim quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen như cắt lưng hung, dù dì phương Đông, cú mèo khoang cổ, diều trắng, ó cá, diều hâu, họa mi… Hàng chục loài đã có mặt trong Sách Đỏ thế giới 2012 (IUCN Red list 2012) như mòng bể đầu đen, chìa vôi núi, dù dì phương Đông… Xao động mùa chim di cư Ngoài nhóm chim rừng mưa nhiệt đới, một phần quan trọng trong số các loài chim ở Cát Bà là chim di cư. Đối với những người yêu chim, mùa chim di cư là một mùa vui của đảo. Đó là khi đất trời đảo Ngọc xao động dưới bước đi của mùa đang chuyển sang đông và cũng là khi muôn loài nơi đây xôn xao đón hàng vạn chú chim bay về tránh rét.
Cái xôn xao của mùa chim di cư vừa mới bắt đầu cứ giục giã những người yêu chim nai nịt gọn gàng, sẵn sàng những chiếc máy ảnh chuyên dụng với ống kính telé siêu zoom để về Cát Bà ngắm chim, nghe chim, săn ảnh chim… Hằng năm, các loài chim di cư thường đến Cát Bà vào tháng 9, càng về cuối năm số chim di cư về càng nhiều, và cao điểm nhất là vào khoảng tháng 10 đến tháng 12. Nơi đây có vùng rừng ngập mặn rộng lớn, nguồn thức ăn dồi dào phong phú, nhiều chỗ trú ngụ… nên được nhiều loài chim chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, tích lũy năng lượng trong chặng đường muôn dặm về phương Nam. Và cũng không ít loài lưu trú luôn ở đây chờ qua mùa đông lạnh giá khắc nghiệt của phương Bắc. Nếu may mắn, có thể gặp những đàn chim vành khuyên Nhật Bản, sáo đá Trung Quốc… rất lớn bay về. Ngoài ra còn có diệc xám, cò trắng, cò bợ, cu ngói, nhạn bụng trắng, diều hâu... Thật kỳ thú khi ngắm những đàn chim như những đám mây nhỏ từ phương Bắc trôi về và đáp xuống vùng đảo Cát Bà. Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ nhẹ lướt giữa vùng rừng ngập mặn, sẽ không khó để gặp những con chim di cư, nào là sâm cầm ngực trắng, cốc đế, gà nước ngực đỏ, nào là cuốc, vạc vàng, vịt trời, nhạn… Lại có những loài vừa có những con định cư, vừa có số di cư như choi choi nhỏ, cò trắng, cò xanh, chèo bẻo… Vào tháng 3, tháng 4, khi hơi ấm mùa xuân bắt đầu phả vào trong gió, những chú chim di cư bay đi dần. Đó là mùa chim kết đôi: Những con chim nào không bay đi thì ở lại gắn bó với “người thương”. Rừng Cát Bà mùa xuân, đâu đâu cũng râm ran tiếng chim gọi bạn tình. Nhưng đó cũng là mùa chia ly của nhiều đôi chim đã “phải lòng” nhau. Từ đó mới có câu chuyện về món cuốc khô - “bùa yêu” hư hư thực thực thật khó quên mà các cụ cao niên ở Cát Bà kể lại. Chuyện “Bùa yêu” Chuyện kể rằng, cứ vào mùa chim di cư bay đi, khi con cuốc cái bỏ đi, con đực ở lại, bỏ ăn bỏ uống, treo hai chân lên cây và cứ thế chết khô. Người ta đem con chim khô về tán thành bột hòa với nước. Nước ấy trở thành một thứ “bùa yêu” hiệu nghiệm của những ai muốn “bỏ bùa” người mình thầm thương trộm nhớ!
Hoặc “nhẹ nhàng” hơn thì hãy tặng cho người ấy một nhành hoa mắm - loài cây bạt ngàn ở vùng rừng ngập mặn Cát Bà. Đối với người dân nơi đây, hoa và quả mắm là biểu tượng hết sức đẹp đẽ và lãng mạn cho tình yêu nam nữ: bởi quả mắm hình trái tim, bên dưới lớp vỏ là hạt màu tím gồm hai mảnh cũng hình trái tim và cùng ấp lấy một mầm xanh ở giữa. Tặng nhau một nhành cây mắm có hoa, có quả, ấy là sự ngỏ lời yêu tình tứ và ý nhị. Mùa chim di cư bắt đầu cũng là lúc những quả mắm bắt đầu chín vàng trên cây. Mỗi khi chiều man mác buông, khi những đàn cò đậu trắng xóa hai ven lạch Cái Viềng, các bà các mẹ lại chèo những chiếc thuyền nhỏ đi hái quả mắm về chế biến món ăn - những món ăn đặc biệt của vùng biển Cát Bà. Quả mắm đem về bóc vỏ, ngâm tro bếp trộn với nước gạo, đem hỗn hợp này luộc chín quả mắm rồi vớt ra hong khô. Khi nào ăn thì ngâm quả mắm vào nước gạo một lần nữa rồi mới đem xào với lạc hay chim ngói, con ngao, con ngán… Các lão ngư cho biết, đó là món ăn ngon, bổ dưỡng, lại lành bụng, rất tốt cho những người lao động sau một ngày vất vả làm lụng… Trong cái nắng cuối thu bắt đầu nhạt, mùa đông thấp thoáng đâu đó quanh đảo, chúng tôi lại hẹn hò nhau về Cát Bà ăn quả mắm và ngắm “sân ga” của hàng vạn chú chim di cư. Ngắm từng đàn chim bay về, cảm nhận sự ấm áp, yên bình của quê hương và để thiên nhiên tràn ngập trong tâm hồn thơ thới. Hân Minh |