Chảy máu cam ở trẻ: cách xử trí và phòng ngừa

01:50 18/12/2015

Chảy máu cam thường gặp ở trẻ nhỏ khi vào mùa hanh khô. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới không chỉ sức khỏe mà còn cả tâm lý của trẻ. Khỏe Plus xin giới thiệu một số cách xử lý cần thiết khi trẻ bị chảy máu cam.
 
Chảy máu cam là hiện tượng thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em nam. Khi thời tiết hanh khô, nhiệt độ hạ thấp như hiện nay là một tác nhân trực tiếp gây chảy máu cam cho trẻ. 
 
Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ nhỏ
 
- Do bị tác dụng lực vào mũi làm vỡ các mạch máu trong hốc mũi gây chảy máu và nếu nặng có thể gây mất máu với một số lượng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. 
 
- Nhiều trẻ bị nóng trong, gây ngứa ngáy làm trẻ ngoáy mũi, vô tình làm vỡ mạch máu và chảy máu cam. 
 
Ngoài ra còn phải kể đến chảy máu cảm do các bệnh lý, nhiễm trùng như  sốt do virus, viêm gan mạn tính, tiểu đường, suy thận, dị ứng,nhiễm trùng mũi, lệch vách ngăn…
 
Cách sơ cứu khi chảy máu cam
 
Khi trẻ nhỏ hoặc người nhà của bạn bị chảy máu cam hãy cũng thực hiện cách sơ cứu sau:
 
- Để bệnh nhân ngồi thẳng lưng để hạ huyết áp ở các tĩnh mạch mũi hoặc tư thế hơi cúi về phía trước, không nên ngửa đầu ra sau vì như thế máu sẽ chảy ngược vào trong và trẻ dễ bị sặc.
 
- Xác định bên mũi bị chảy máu để tác động cầm máu bằng cách: dùng ngón tay cái và trỏ đè vào cánh mũi và vách ngăn để không cho máu chảy, giữ như vậy từ 5- 7 phút. Động tác này sẽ ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn và làm ngưng chảy máu.
 
- Cho trẻ nằm nghỉ, nếu máu chảy xuống họng tuyệt đối bảo trẻ không được nuốt mà hãy đẩy ra ngoài miệng rồi dùng khăn lau, tránh nuốt vì dễ làm trẻ buồn nôn và đau bụng. Động viên bé không nên hoảng sợ.
 
- Để ngăn không cho máu chảy tái phát sau khi đã cầm máu, không nên ngoáy mũi hoặc xì mũi và không nên cúi đầu vài giờ sau khi bị chảy máu, giữ đầu ở mức cao hơn tim.
 
- Nếu chảy máu tái diễn, hãy hít mạnh vào để làm sạch các cục máu đông trong mũi trẻ, xịt cả 2 bên mũi bằng thuốc xịt mũi chống sung huyết chứa oxymetazolin (Afrin, Dristan,…). Bóp chặt mũi theo cách đã mô tả ở trên và gọi bác sĩ.
 
- Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi gặp các tình huống sau: Máu vẫn tiếp tục chảy sau khi đã sơ cứu như trên. Trẻ bị chảy máu mũi nhiều lần trong một thời gian ngắn. Bị hoa mắt, choáng váng. Tim đập nhanh, khó thở. Trẻ nôn ra máu. Sốt cao liên tục từ 2 - 3 ngày hoặc phát ban.
 
Cách phòng chảy máu cam
 
- Khô mũi do thời tiết là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng chảy máu cam, do đó bạn cần bảo vệ mũi cho trẻ để mũi không bị khô. Khi đi ra ngoài bạn dặn trẻ nên nhớ phải đeo khẩu trang để bụi bẩn không có cơ hội bám vào và gây tổn thương mũi.
 
- Tuyệt đối không được ngoáy mũi vì đó là hành động gây tổn thương mạch máu trong mũi dẫn tới chảy máu cam. Chỉ nên vệ sinh mũi trẻ một cách nhẹ nhàng bằng khăn mềm và sạch, tránh làm tổn thương mũi.
 
- Ngoài ra bạn có thể xông mũi bằng hơi nước để giúp những mạch máu trong mũi được lưu thông, điều hòa hơn. Đơn giản là một cốc nước nóng, một tách trà đang nghi ngút hơi bay, hoặc cầu kì hơn bạn có thể xông với nước đun vỏ cam, lá xả, vừa giúp thông mũi lại tạo cảm giác sảng khoái cho cơ thể.
 
- Ngoài ra, 2 lần một tuần phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý (nước muối loãng) rửa sạch mũi, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhầy bảo vệ và dễ bị tổn thương.
 
Trên đây là các cách phòng và sơ cứu khi chảy máu cam ngay tại nhà giúp bạn có thể xử trí các tình huống nhanh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, vì chảy máu mũi còn do rất nhiều nguyên nhân khác nên khi trẻ xuất hiện chảy máu mũi nhiều lần một cách bất thường phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở có phòng khám chuyên khoa về tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc xử trí chảy máu mũi ở trẻ hiệu quả hơn, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
 
Theo Lam Lê (tổng hợp)/Infonet


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông