Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Tạo môi trường lành mạnh và niềm tin cho doanh nghiệp

06:56 16/01/2021

Năm 2020 là năm đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và thiên tai xảy ra liên tục và tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội. Lợi dụng cơ hội này các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chức năng. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu trong năm 2020 diễn ra trọng tâm tại các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, tuyến biển, cảng biển và thị trường nội địa.

Tại tuyến biên giới phía Bắc, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… là những tỉnh trọng điểm. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và lực lượng chức năng địa phương đã tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chính vì vậy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mớ được ngăn chặn. Tuy nhiên, sau sự bùng phát của dịch Covid – 19, khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả, chủ yếu là hàng tiêu dùng, bách hóa, quần áo, đồ chơi, hàng điện tử… có chiều hướng tăng trở lại.

Điển hình ngày 7/7/2020, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ Công an kiểm tra kho hàng 10.000m2 tại đường Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai, phát hiện rất nhiều giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm… không có nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Channel…

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm

Tại khu vực biên giới tỉnh An Giang, Long An, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp với các mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, kim loại vàng… có chiều hướng gia tăng. Tháng 10/2020 vừa qua, Công an tỉnh An Giang đã tạm giữ 1 phương tiện vận chuyển trái phép 100 tấn đường từ Campuchia về Việt Nam.

Trên tuyến biển, cảng biển, để đối phó với cơ quan chức năng, tội phạm buôn lậu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tổ chức chặt chẽ, có sự cấu kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng đã lợi dụng chính các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ cho sức khỏe và kinh tế của người dân.

Ngoài ra, các đối tượng vi phạm để đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng như xé lẻ hàng hóa, lợi dụng đêm tối, giờ nghỉ để vận chuyển. Hàng được vận chuyển, cất giấu tinh vi trong các container, khoang, hầm kín trên ô tô hoặc tầu thủy. Khi bị kiểm tra, các đối tượng thường xuất trình hóa đơn mua hàng với giá trị thấp hơn nhiều so với giá bán trên thị trường hoặc hóa đơn khống, hóa đơn quay vòng hay khai báo sai chủng loại, số lượng nhằm mục đích trốn thuế,

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ với thủ đoạn có tổ chức, tinh vi từ kênh sản xuất đến phân phối gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường…

Hải Phòng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Cùng chung bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trước sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tích cực tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các quy định của pháp luật nên hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ ngành trung ương và UBND TP Hải Phòng, các ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 Hải Phòng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần ổn định thị trường, chống thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân thành phố.

Kho hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu rộng 10.000m2 tại Lào Cai bị lực lượng chức năng đột kích, thu giữ hàng vạn sản phẩm giả

Kết quả toàn quốc đã hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 24.817 tỷ 656 triệu đồng, khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng. Còn tại Hải Phòng  trong năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng đã xử lý 7.771 vụ, giảm 24% (trong đó xử lý hành chính 7.724 vụ, giảm 24%; xử lý hình sự 47 vụ với 17 đối tượng, tăng 42%), nộp ngân sách nhà nước gần 423 tỷ đồng.

Năm 2021, dự báo tình hình kinh tế xã hội tiếp tục tăng trưởng và phát triển, thị trường hàng hóa và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và giữ vững ổn định. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Nhu cầu hàng hóa sẽ sôi động, giá cả biến động.

Đây là thời điểm các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng trong cải cách thủ tục hành chính, khai báo thủ tục hải quan, cảng vụ, thuế điện tử… để buôn lậu, gian lận thương mại với các thủ đoạn như quay vòng hóa đơn, chứng từ, hợp thức nguồn gốc hàng hóa để đối phó với các lực lượng chức năng. Lợi dụng chính sách ưu đãi trong đầu tư, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để buôn lậu, trốn thuế với những phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Bọn chúng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý. Đối với các mặt hàng vận chuyển nội địa, các đối tượng sẽ tiếp tục sự thông thoáng trong thủ tục hành chính tại cảng để khai báo sai vận đơn, nhất là hàng hóa trong container.

Để góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường thành phố năm 2021, Ban chỉ đạo 389 Hải Phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của trung ương và địa phương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra kiểm soát, làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện chế độ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời. Xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Các sở ngành thành viên thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường công tác nắm tình hình thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổ chức và thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành thanh viên; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ gắn việc nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác tuần tra, kiểm tra chặt chẽ khu vực biên giới biển, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các cửa sông, cửa lạch, cửa khẩu cảng…

Chủ động, linh hoạt trong việc tăng cường tổ chức và thực hiện có hiệu quả phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại... nhằm đem lại một môi trường lành mạnh, minh bạch. Giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên địa bàn có được môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng niềm tin vào chính sách, pháp luật của nhà nước.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông