Chống hàng nhái - cuộc chiến của toàn xã hội

17:37 12/12/2019

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng nhái, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới với trị giá hàng tỷ đồng. Điều đáng nói hành vi này không chỉ xâm phạm nghiệm trọng quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới mà còn khiến người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép khi móc tiền triệu mà không được dùng hàng hiệu…

Phần nổi của tảng băng…

Cụ thể, ngày 20/11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Tổng cục Hải quan, Đội 1 Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh tại ngõ 136 phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách có chữ Trung Quốc trộn lẫn cùng các hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Luis vuiton, Gucci... và hàng trăm nghìn nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng này. Tất cả các hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng còn còn phát hiện một lượng hóa đơn mua hàng ở nước ngoài cũng có dấu hiệu làm giả.

Những chiếc túi được gắn mác hàng hiệu xịn để qua mắt người tiêu dùng

Điều đáng nói là, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra còn phát hiện các nhân viên ở đây đang thực hiện hành vi cắt mác hàng Trung Quốc, gắn mác thương hiệu nổi tiếng cho vào túi chuẩn bị đi giao.

Tối 18/11, lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra 1 xe ôtô, phát hiện 864 lọ nước hoa nhãn hiệu May CREATE loại 30 ml/lọ không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Trước đó, trong ngày 11/7 và 12/7, các lực lượng thuộc Cục Quản lý thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh thuộc tại Chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Tại đây, lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, bóp, ví, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel.

Tại thời điểm kiểm tra, tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhiều tiểu thương không xuất trình được đăng ký kinh doanh.

Cũng theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 13 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Phòng chống tội phạm về Y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm - Phòng Cảnh sát mội trường, Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng nằm trong khu Đô thị Thanh Hà (thuộc địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) của Công ty TNHH Thương mại Onefood Việt Nam, do ông Jung Tae Geon (quốc tịch Hàn Quốc) là người đại diện pháp luật.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm trong đó có những mặt hàng như: Thuốc chống say tàu xe, sữa hộp XO Royal Class 800g…Toàn bộ sản phẩm đều mang chữ Hàn Quốc và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp…

Điều đáng nói những vụ việc trên đây chỉ là những vụ việc điển hình được cơ quan chức năng phát hiện, trên thực tế tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn được bày bán trên thị trường vẫn còn rất nhiều…

Quyết liệt chung tay chặn đứng hàng nhái

Như vậy có thể thấy, điều đáng lo ngại là hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện càng biến tướng tinh vi, phức tạp. Các sản phẩm làm nhái không chỉ dừng ở những mặt hàng hóa mỹ phẩm, thời trang, giày dép mà còn lấn sang cả dược phẩm, thực phẩm chức năng. Những sản phẩm hàng hóa này có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa bình dân len lỏi vào tận các trung tâm mua sắm cao cấp ở những đô thị lớn.

Sự nguy hiểm của những mặt hàng này thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho “khổ chủ” bởi có những mẫu đồng hồ nghi làm giả thương hiệu có mẫu mã rất sắc xảo, được bán với giá từ một vài triệu đến hơn 10 triệu đồng/sản phẩm... còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh...giả, kém chất lượng khiến người bệnh lâm vào tình cảnh tiền đã mất mà tật còn mang thêm.

Bên cạnh đó, hàng nhái, hàng trôi nổi xét về góc độ kinh tế, còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm.

Rất nhiều sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới bày bán tràn lan bị cơ quan chức năng phát hiện

    Lý giải về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay, bên cạnh nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ. Phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào. Theo quy định của pháp luật, để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyệt chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân của hàng nhái, hàng trôi nổi có đất sống là do sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả do đối tượng sản xuất, kinh doanh quá tinh vi thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn không có động thái phù hợp để giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp kịp thời xử lý đôi khi còn chấp nhận bởi loại hàng hóa này bởi phù hợp với túi tiền của họ.  Qua đó đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi loài “cỏ dại” này ngày càng chiếm thị phần và tràn lan trên thị trường.

Bên cạnh đó, phải kể ra tâm lý ngại va chạm, ngại liên quan đến pháp luật của người Việt khi lỡ chẳng may phát hiện ra mình bị lừa. Do phần đông người dân hiểu và nắm luật còn hạn chế nên có muốn kiện họ cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, thủ tục thế nào; thêm vào đó quan niệm "vô phúc đáo tụng đình" vẫn còn trong tâm trí nên nếu có mua dính phải hàng “lởm” nhiều người chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt” coi như đó là bài học nhớ đời chứ “kiện củ khoai” vừa mất thời gian, vừa hao tiền bạc...

Càng đến thời điểm cuối năm, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi nhất là khu vực đô thị... ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Do vậy trong cuộc chiến chống hàng nhái, hàng kém chất lượng này đòi hỏi sự tham gia chủ động, quyết liệt của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục Sở hữu Trí tuệ.

    Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Hơn nữa, cũng nên có một hành lang pháp lý do Hội bảo vệ người tiêu dùng lập ra để bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng.

Hoàng Triệu (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích