13:07 13/10/2023 Thời gian qua, một số vụ cháy xảy ra tại các ngôi nhà xây theo kiểu "chuồng cọp" tại các thành phố lớn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về cả tài sản lẫn tính mạng. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tự giác tháo dỡ lồng sắt, tạo lối thoát nạn nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Theo thống kê, thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 200 chung cư cũ với hơn8.000 căn hộ, phần lớn trong số đó được xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước và đã xuống cấp nghiêm trọng. Đó là chưa kể hàng vạn ngôi nhà xây dựng riêng lẻ cũng bị quây kín bởi hệ thống "chuồng cọp" vớ mục đích bảo vệ tài sản… Đại tá Hoàng Văn Bình – Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CATP phân tích: Nếu có sự cố cháy nổ xảy ra, những chiếc “chuồng cọp” không lối thoát này lại là hiểm họa. Bởi khi khói và lửa bao trùm, mù mịt khắp nơi, lối thoát nạn duy nhất là ban công hoặc tầng thượng thì đã bị bịt bằng “chuồng cọp”.
Do được gia công bằng các vật liệu như sắt, thép, bê tông... nên lúc này các “chuồng cọp” lại trở thành lồng giam kiên cố khiến các nạn nhân rất khó thoát nạn. Lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp cận cứu người rất khó khăn. Chưa kể mất thời gian để cắt, phá dỡ các “chuồng cọp” nên tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, triển khai công tác cứu hộ cứu nạn có thể bị chậm trễ”.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố đã phối hợp cùng các địa phương triển khai rà soát, kiểm tra, đến từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn mở lối thoát hiểm thứ hai tại vị trí lắp đặt “chuồng cọp”. Trong đó, hướng dẫn hộ dân làm cửa thoát nạn ở các lồng sắt và chìa khóa để ở nơi dễ lấy. Các hộ liền kề cùng nhau xây dựng phương án để tạo lối thoát hiểm ở ban công từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp nhau.
Chị Bùi thị Đông, số 507 lô 1 Chung cư thu nhập thấp phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân chia sẻ: “Được sự tuyên truyền của công an thành phố và phường Vĩnh Niệm, gia đình tôi nhận thức rõ nguy cơ tiềm ẩn từ “chuồng cọp” bít kín khi có sự cố cháy nổ. Vì vậy, chúng tôi đã chủ động phá bỏ lồng sắt để tạo lối thoát nạn khẩn cấp. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cả gia đình.
Tại ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Trung Kết, Tổ dân phố số 12, phường Vĩnh Niệm, toàn bộ ban công căn nhà được quây kín bằng lồng sắt. Ngay khi được lực lượng công an, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, gia đình ông Kết đã tự nguyện cắt “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn thứ hai.
Ông Nguyễn Trung Kết cho biết: Do gia đình có cháu nhỏ và để đảm bảo an ninh trật tự, nhà tôi làm chuồng cọp kín, nhưng từ cuối năm 2022, được các đồng chí lãnh đạo phường, công an tuyên truyền, vận động và để phòng chống cháy nổ thì nhà tôi tự nguyện sẵn sàng tháo dỡ lồng sắt để thoát hiểm cho mọi người trong nhà. Khi bị cháy mọi người có thang dây xuống dưới đất hay ra ngoài đường có thể thoát hiểm được ngay.
Là hộ có nhà vừa ở vừa kinh doanh, anh Đào Chiến Thắng, sinh 1974, ở 46 Trần Nguyên Hãn, phường Trần Nguyên Hãn, quậnLê Chân hiểu rõ, nguy cơ cháy nổ thường trực trong gia đình mình là rất cao. Do đó, ngay từ khi xây dựng, gia đình anh đã có phương án mở thêm một lối thoát nạn … phòng sự cố cháy nổ.
Theo số liệu thống kê của Cảnh sát PCCC và CNCH CATP, đến hết tháng 9-2023, toàn thành phố Hải Phòng đã có 256.622/262.719 nhà, căn hộ từ 2 tầng trở lên đã mở lối thoát nạn thứ 2 (đạt tỉ lệ 97,7%); có 291.013 nhà trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn.
Ông Hoàng Minh Tiệp, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân cho biết, Đảng ủy, UBND phường đã thành lập tổ công tác đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2. Trong quá trình vận động, lực lượng Công an đã phân tích, chỉ ra những hạn chế và hậu quả của việc lắp “chuồng cọp” khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Sau đó trực tiếp xem xét, nghiên cứu, tư vấn cho người dân vị trí để mở lối thoát nạn phù hợp và thuận tiện với không gian nhà ở. Đến nay, 100% các hộ dân trên địa bàn phường có từ 2 tầng trở lên đã phá dỡ hoàn toàn “chuồng cọp”.
Trên thực tế, cả nước đã có nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do các gia đình làm “chuồng cọp”, lồng sắt bao kín, không có lối thoát, dẫn đến khó khăn, chậm trễ khi tìm kiếm, cứu nạn người mắc kẹt trong đám cháy. Để giảm thiểu tối đa những thiệt hại cháy nổ có thể xảy ra, người dân cần chủ động xây dựng các lối thoát hiểm tại “chuồng cọp”, lồng sắt. Cùng với đó thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy nổ trong sinh hoạt, kinh doanh, trang bị các thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy cần thiết để kịp thời xử lý nhanh các sự cố phát sinh, bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.
Với sự vào cuộc của các ban ngành, sự nhận thức của người dân về tầm quan trọng khi mở lối thoát nạn sẽ góp phần rất lớn đảm bảo hạn chế thấp nhất các sự cố về cháy nổ có thể xảy ra.
Thái Bình