Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn Kỳ I: Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

17:58 27/11/2022

Tính đến hiện tại, nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc cách mạng và hiện đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ tư - chuyển đổi số nhờ CNTT, truyền thông trong nông nghiệp ngày càng tăng theo cấp số nhân. Chương trình được đánh giá là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu đưa người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất…

Hoà nhập với xu thế phát triển, hội nhập

Là một quốc gia nông nghiệp, khu vực nông thôn Việt Nam chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% lao động của cả nước. Trong khi đó, tỷ trọng của ngành trong cơ cấu GDP chỉ chiếm 13,96%, rất thấp so với tiềm năng, lợi thế. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại lớn của nền nông nghiệp nước ta bao năm qua.

Nhằm khắc phục triệt để tồn tại trên, tạo động lực mới để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp “đa giá trị”, tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại và người nông dân văn minh, làm chủ KHKT, ngày 15-6-2022, Bộ NN&PTNT đã chính thức ban hành Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP về phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành NN&PTNT giai đoạn 2022-2025.

Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn hướng đến tạo ra sự kết nối giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - hợp tác xã và người nông dân nhằm liên kết, tích hợp nâng cao giá trị nông sản, giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, giúp người nông dân sản xuất nông sản đạt chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

Chương trình được thực hiện dựa trên 3 trụ cột chính gồm: chính phủ số, kinh tế số nông nghiệp và nông thôn, nông dân số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới. Từ đó mở ra cách nghĩ, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi để hoà nhịp với xu thế phát triển chung của thời đại. Đây chính là giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại.

Số hóa dữ liệu, quy trình

Để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam phải tiến hành số hóa dữ liệu quản lý, số hóa từng khâu trong chuỗi giá trị nông sản như nguyên vật liệu đầu vào, cây, con giống, khâu nuôi trồng, khâu thu gom, vận chuyển, phân phối, tiêu thụ sang dạng số, đảm bảo dữ liệu số ngành nông nghiệp luôn được đầy đủ, chính xác, kịp thời. Tiếp đó là số hóa quy trình, từ quy trình quản lý đến các quy trình nuôi, trồng, đánh bắt đều phải được số hóa và quản lý trên môi trường số.

Cùng với đó, một số khâu lặp đi, lặp lại, có tính chất nguy hiểm đối với con người khi tiếp xúc lâu, tốn tài nguyên phải được tự động hoá quy trình bằng các thiết bị, công cụ, giải pháp giúp điều hành tự động. Các quy trình, nghiệp vụ khác nhau cần được liên thông, đồng bộ chéo với nhau để trao đổi thông tin, dữ liệu trên không gian số.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn cần phải xây dựng không gian số nông nghiệp để có thể sản xuất, quản lý, điều hành, kinh doanh, sáng tạo giá trị và dịch vụ nông nghiệp mới trên không gian số. Đồng thời có thể ra các quyết định, thông báo, xử lý tự động ở mức độ thông minh, cho phép tự học, tự điều chỉnh quy trình phù hợp với nhiều tham số đầu vào và tự động tối ưu hóa quy trình.

Khi triển khai hiệu quả những nội dung trên, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn không chỉ là giải pháp hiệu quả khắc phục các khó khăn, hạn chế của ngành mà còn là yêu cầu cấp thiết của xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.

Cán bộ ngành nông nghiệp nghiệm thu đánh giá chất lượng sản phẩm Hoa cúc dược liệu tại vùng hoa Thắng Thuỷ (Vĩnh Bảo)

Thành quả bước đầu

Triển khai chương trình chuyển đổi số, đến nay, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hầu hết các công nghệ số cơ bản đã từng bước được ứng dụng vào các lĩnh vực của ngành nông nghiệp nước ta. Một số doanh nghiệp lớn như: VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco, Vinamilk, TH True milk…, đã ứng dụng công nghệ số vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Cả nước hiện có trên 2.000.000 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, gần 50 nghìn sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử với hàng nghìn giao dịch được thực hiện. Công nghệ số đã được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành, từ khâu quản lý đến quy trình sản xuất, tiêu thụ.

Đơn cử, để ứng dụng vào công tác quản lý, điều hành các hoạt động của ngành, Bộ NN&PTNT đã số hóa văn bản chỉ đạo, cung cấp dữ liệu để kết nối, liên thông và chia sẻ với các địa phương, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, bộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, chủ trì các hội nghị trực tuyến giao ban của ngành, giữa lãnh đạo bộ với các bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành trên cả nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành việc tiêu thụ nông sản được tiến hành thuận lợi, kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra trong tình hình dịch bệnh.

Trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đã được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Ở phía Nam, một số HTX, doanh nghiệp đã thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong đó, ngành chăn nuôi bò sữa đã ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH True Milk và Công ty Vinamilk. Sử dụng công nghệ số trong chăn nuôi đã góp phần quan trọng trong giám sát dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm, quản lý chăn nuôi theo quy trình khoa học, an toàn dịch bệnh. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số mà ngành chăn nuôi nước ta ngày càng phát triển theo hướng bền vững hơn.

Cùng với đó, công nghệ DND mã vạch được ứng dụng trong công tác quản lý giống lâm nghiệp, lâm sản. Công nghệ GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý) và ảnh viễn thám đã được dùng để xây dựng các phần mềm cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát trong quản lý rừng, phát hiện sớm suy thoái hay mất rừng. Nhờ đó, góp phần đắc lực vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Trong lĩnh vực thủy sản, chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ thông qua việc ứng dụng hệ thống sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ đã giúp cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản đạt hiệu quả.

Cán bộ ngành nông nghiệp nghiệm thu đánh giá chất lượng sản phẩm Hoa cúc dược liệu tại vùng hoa Thắng Thuỷ (Vĩnh Bảo)

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ AI trong nuôi tôm đã giúp phân tích dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn của tôm. Công nghệ tự động hóa được sử dụng trong chế biến thủy hải sản từ khâu phân loại, hấp đến khâu đóng gói. Từ đó, góp phần giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực, thời gian, bảo đảm chất lượng nên tăng hiệu quả, tính bền vững.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản, công nghệ số đã được sử dụng trong khâu kết nối tiêu thụ. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, công nghệ số đã được các địa phương áp dụng hiệu quả vào việc quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ nông sản, giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn giữa mùa dịch.

Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số đã tạo thuận lợi, minh bạch thông tin, giảm chi phí trung gian. Qua đó, tiến bộ này đã tạo mối “liên kết - hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân giúp khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; tạo ra nguồn nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…

(còn nữa)

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông