Chuyên gia đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của quân đội Ukraine sau hơn một năm xung đột

19:18 27/04/2023

Quân đội Ukraine đã trải qua những thay đổi và nâng cấp đáng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022.

Đại tá quân đội Australia đã nghỉ hưu Mick Ryan cho biết hồi tháng 3 rằng Ukraine "có lẽ là quân đội tốt nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. Và không phải là 'có lẽ', mà họ đúng là như vậy". “Họ là những người có kinh nghiệm nhất trong chiến tranh hiện đại, họ đã chứng minh điều đó trong 13 tháng qua”, ông Ryan nói.

Tuy nhiên, thực tế có thể phức tạp hơn. Theo nhà khoa học chính trị Pavel Baev, tuyên bố của Đại tá Ryan "chắc chắn là quá", đó là một đánh giá "có chủ ý và có lẽ là nhằm nâng cao tinh thần".

Người Ukraine dày dạn kinh nghiệm chiến đấu

Baev, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo và là thành viên cao cấp không thường trú tại Viện Brookings, nói với tờ Newsweek rằng các lực lượng vũ trang Ukraine đang "tăng cường thêm sức mạnh mỗi tuần". Quân đội của Kiev đang tham gia vào các cuộc đụng độ hàng ngày, tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, nhưng đây cũng là điều mà Nga đang làm.

Binh sĩ Ukraine mang theo tên lửa vác vai Javelin tại tiền tuyến ở phía Bắc Kiev.

Tuy nhiên, đối với Ukraine, đó là kinh nghiệm đang được tích lũy ở phạm vi dân số rất rộng bởi lực lượng vũ trang của nước này, trải qua những thay đổi đáng kể từ đầu năm 2022, hiện bao gồm nhiều tay súng chưa từng nhập ngũ trước ngày 24/2/2022.

Trong số những tân binh đó có cả cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Volodymyr Omelyan, người tiết lộ hồi tháng 3 rằng ông đã nhập ngũ vào chính ngày xảy ra cuộc xung đột.

Quân đội Ukraine không chỉ được NATO hậu thuẫn

Các nước phương Tây đã viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine, bao gồm cả cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực theo tiêu chuẩn NATO.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự David Stone, xung đột ở Ukraine rất đặc thù, khác với các loại chiến tranh như chống nổi dậy hoặc chiến tranh du kích, bởi các lực lượng vũ trang Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ đất nước.

Trong khi đó, David Dunn, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Birmingham, Anh, cho rằng: “Ý chí chiến đấu, ý chí bảo vệ, ý thức thống nhất về mục tiêu của quốc gia là rất khó định lượng”.

Quy mô của lực lượng vũ trang

Lực lượng vũ trang của một quốc gia có quy mô lớn đến mức nào rõ ràng là một tiêu chí quan trọng. Theo dữ liệu do Statista công bố hồi tháng 2, tính đến năm 2023, ước tính Nga có khoảng 1.330.900 quân, so với 500.000 quân của Ukraine. Trong đó, Nga có 830.900 binh sĩ tại ngũ, Ukraine có 200.000. Cả hai nước đều có lực lượng dự bị là 250.000 người.

Vũ khí của phương Tây chờ chuyển đến Ukraine.

Số lượng quân nhân tại ngũ của Nga cao thứ năm trên toàn thế giới. Ở vị trí đầu tiên là Trung Quốc, với 2 triệu binh sĩ tại ngũ vào năm 2022. Ấn Độ đứng thứ hai, Mỹ thứ ba và Triều Tiên thứ tư.

Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần có động thái tăng quy mô lực lượng vũ trang sau khi xung đột bắt đầu, với việc huy động 300.000 tân binh vào tháng 9/2022.

Nhưng kinh nghiệm chiến đấu, mang lại những lợi thế quan trọng cho cả Nga và Ukraine, lại là "con dao hai lưỡi", ông Stone nói. “Không biết có bao nhiêu sĩ quan giàu kinh nghiệm của Ukraine vẫn còn trụ lại ở các cấp thấp hơn trong hệ thống chỉ huy".

Vũ khí NATO và khả năng thích ứng của Ukraine

Các lực lượng vũ trang Ukraine trước xung đột được trang bị vũ khí thời Liên Xô, nay được bổ sung thêm các loại như xe tăng chiến đấu chủ lực tiêu chuẩn NATO và hệ thống phòng không phương Tây. Vào cuối tháng 3, xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất và xe tăng Challenger 2 của Anh đã lăn bánh vào Ukraine, và Mỹ cho biết họ sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot.

Theo báo cáo của IISS, công bố vào tháng 2/2023, dòng pháo và vũ khí phương Tây đổ tới Ukraine đang "hiện đại hóa kho vũ khí của Kiev và giúp cải thiện năng lực chiến đấu".

Nhà khoa học chính trị Pavel Baev cho biết các lữ đoàn mới thành lập của Ukraine đang tích lũy kinh nghiệm với các hệ thống vũ khí mới, dần tích hợp những khả năng này vào lực lượng của họ.

Người Ukraine, mặc dù "rõ ràng là cực kỳ phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây", nhưng vẫn "học cách sử dụng thiết bị mới nhanh hơn bất kỳ người lính nào tôi từng thấy", chuyên gia Hodges nói.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King's College London, Anh, nói với Newsweek: "Công nghệ là một tài sản lớn, nhưng nó sẽ không quyết định ai là người chiến thắng trên chiến trường". Các chuyên gia nói rằng khả năng sử dụng thiết bị theo ý muốn của các lực lượng vũ trang, đòi hỏi phải được huấn luyện đầy đủ, hậu cần, lập kế hoạch và chiến thuật kết hợp vũ khí, quyết định quân đội có thể hoạt động tốt như thế nào.

Chi tiêu quân sự

Theo Statista, chi tiêu quân sự của Mỹ vượt xa các quốc gia khác. Vào năm 2021, chi tiêu quân sự của Mỹ chiếm 38% tổng chi tiêu quân sự trên toàn cầu. Ở vị trí thứ hai - nhưng thua xa Mỹ - là Trung Quốc, tiếp theo là Ấn Độ, Anh và sau đó là Nga.

Trong khi đó, trước khi bắt đầu chiến tranh Ukraine, chi tiêu quân sự đã tăng lên kể từ năm 2016, theo số liệu của Statista, chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vào năm 2020 và giảm nhẹ vào năm 2021.

Chuyên gia Stone nói, ngân sách quân sự của Ukraine tăng bởi vì "nếu bạn đang chiến đấu để sinh tồn, thì bạn sẽ đưa một lượng lớn nguồn lực kinh tế của mình vào nỗ lực chiến đấu".

Điểm yếu không quân

Chuyên gia Baev cho biết, bất chấp những năng lực mà Ukraine đã đạt được trong năm qua, lực lượng vũ trang của nước này vẫn có một điểm yếu lớn. "Sự thiếu hụt lực lượng không quân nghiêm trọng" đối với Ukraine có nghĩa là họ không thể so sánh với những quân đội mạnh khác.

Thật khó để vẽ ra một bức tranh chính xác về thiệt hại của Nga và Ukraine trong suốt cuộc chiến, nhưng số liệu của Statista vào năm 2023 cho thấy Nga có hơn 4.100 máy bay, so với 312 chiếc của Ukraine.

Các nước phương Tây đã phản đối lời kêu gọi của Kiev về việc viện trợ máy bay chiến đấu tiêu chuẩn của NATO, như F-16. Nhưng các chuyên gia cho rằng vấn đề không chỉ là máy bay tiên tiến đến mức nào, đó còn là sự kết hợp giữa máy bay và hậu cần, chuỗi cung ứng, bộ máy hỗ trợ và đào tạo.

Trong lúc cán cân xung đột vẫn còn cân bằng, người ta vẫn chưa biết quân đội của Kiev sẽ ra sao khi viện trợ quân sự khẩn cấp từ những người ủng hộ phương Tây bị cắt hoặc giảm.

"Rõ ràng Ukraine có ý chí chiến thắng vượt trội", ông Hodges nói, "nhưng mức viện trợ quân sự hiện tại của phương Tây sẽ không kéo dài mãi mãi. Việc họ có đủ nguồn cung cấp cần thiết để giành chiến thắng hay không sẽ phụ thuộc vào chúng tôi".

Theo báo Tin tức

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông