Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Quy định về trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh CAND, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động

15:01 25/12/2023

Điều 24, Chương III, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động”.

Theo đó, Cảnh sát cơ động sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân theo quy định của Luật Công an nhân dân. Cảnh sát cơ động có phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu riêng. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Với vị trí là một lực lượng thuộc Công an nhân dân nên Cảnh sát cơ động sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Tuy nhiên, để phù hợp với tính đặc thù công tác, chiến đấu của Cảnh sát cơ động, tại khoản 2 Điều 24 Luật Cảnh sát cơ động quy định: “Cảnh sát cơ động có phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu riêng” và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết.

Theo đó, so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Luật này đã bổ sung quy định về trang phục huấn luyện cho Cảnh sát cơ động để đáp ứng yêu cầu công tác thường xuyên tổ chức huấn luyện (hơn 80% thời gian trong năm dành cho công tác huấn luyện) để cán bộ, chiến sĩ thành thục về võ thuật, kỹ chiến thuật, làm chủ các loại vũ khí, trang bị sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trước đây, phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục chiến đấu chung của Cảnh sát cơ động được quy định tại Thông tư số 31/2014/TT-BCA ngày 24/7/2014. Trong đó, Giấy chứng nhận công tác đặc biệt là loại giấy riêng, thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động, được cấp cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi được giao thực hiện phương án tác chiến chống khủng bố và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

Giấy chứng nhận công tác đặc biệt được thu hồi ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đối với trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu thì các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động đều sử dụng chung một loại trang phục là Cảnh sát cơ động màu rêu đậm để thực hiện cả nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu.

Thực hiện nhiệm vụ được Luật giao, ngày 16/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 55/2022/TT- BCA quy định về phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động. Trong đó, quy định về đối tượng cấp, đổi, cấp lại, quản lý, tiêu hủy, sử dụng phù hiệu, giấy chứng nhận đặc biệt và trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát Cảnh sát cơ động.

Tại Thông tư không quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức và mẫu trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trang phục trong Công an nhân dân. Đối với nội dung quy định về giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư số 31/2014/TT-BCA, Thông tư đã bổ sung quy định rõ hơn thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại, giao, thu hồi, tiêu hủy và trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng để đảm bảo giấy chứng nhận công tác đặc biệt được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy định của Luật Cảnh sát cơ động và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định Cảnh sát cơ động có 6 loại trang phục chiến đấu gồm:

(1) Trang phục chiến đấu chung; (2) Trang phục chiến đấu của Cảnh sát đặc nhiệm; (3) Trang phục Cảnh sát bảo vệ mục tiêu; (4) Trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay của Không quân Công an nhân dân; (5) Trang phục nghi lễ đặc thù của Cảnh sát cơ động Kỵ binh; (6) Trang phục biểu diễn nghi lễ đặc thù của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.

Đối với trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động có 2 loại gồm: (1) Trang phục huấn luyện chung; (2) Trang phục huấn luyện đặc thù của Cảnh sát cơ động Kỵ binh, đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và đơn vị Không quân Công an nhân dân. Việc quy định cụ thể, chi tiết danh mục các loại trang phục chiến đấu, trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động nhằm phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng lực lượng, tạo cơ sở cho việc trang cấp đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện, chiến đấu và xây dựng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông