10:04 06/07/2019 Trong một dịp ghé thăm đảo Hòn Dấu mới đây, chúng tôi may mắn được tiếp xúc và làm việc cùng các các cán bộ chiến sỹ thuộc Tổ công tác đảo Dấu (Đồn biên phòng Đồ Sơn) và Trạm trưởng Trạm hải đăng đảo Dấu (Xí nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ). Qua những câu chuyện dung dị mà các anh kể lại, chúng tôi mới hiểu được rằng, để đảo Dấu giữ được sự vẹn nguyên, hoang sơ cho đến ngày hôm nay và để tàu thuyền trên biển cập bến được an toàn là cả sự hy sinh, cống hiến của các anh - những người “gác” đảo thầm lặng.
Các chiến sỹ biên phòng (Đồn biên phòng Đồ Sơn) tuần tra khu vực rừng nguyên sinh trên đảo hòn Dấu (ảnh: Trần Sơn)
Hơn 3h chiều một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có mặt tại bến cảng thuộc Resort Hòn Dấu để chuẩn bị khởi hành ra đảo Dấu. Sau 15 phút di chuyển, chúng tôi đã đặt chân lên danh thắng quốc gia đảo Dấu. Đón chúng tôi là các chiến sỹ biên phòng thuộc Tổ công tác đảo Dấu - Đồn biên phòng Đồ Sơn và anh Nguyễn Văn Thắng - Trạm trưởng Trạm quản lý Hòn Dấu. Đã ghé thăm đảo Dấu nhiều lần nhưng đều là những chuyến đi chớp nhoáng.
Lần này, chúng tôi mới có cơ hội được đi thăm một vòng quanh đảo. Thay vì đi theo con đường bê tông với hàng nghìn bậc cầu thang mát dịu dưới tán lá của hệ thống rừng nguyên sinh, qua gợi ý của các anh, chúng tôi quyết định lựa chọn con đường mòn xuyên rừng làm hành trình di chuyển của mình. Tuyến đường xuyên rừng đã giúp rút ngắn khoảng cách đến trạm hải đăng của chúng tôi.
Đặt chân lên đến đỉnh ngọn hải đăng cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Hoàng hôn trên biển thật đẹp, mặt trời lấp ló ở phía xa nhuộm đỏ tím phía chân trời tạo thành từng vệt ráng chiều rực rỡ. Mặt trời tắt nắng cũng là lúc ngọn hải đăng Hòn Dấu sáng đèn. Với khả năng chiếu sáng lên tới 22 hải lý (tương đương gần 41 cây số), hải đăng đảo Dấu có nhiệm vụ soi đường, dẫn lối cho những con tàu ra vào cảng an toàn trong đêm tối giữa muôn trùng khơi.
Trời xẩm tối, như lời hẹn trước đó với những người “gác” đảo Dấu, chúng tôi xin phép được ngủ lại một đêm để tường tận hơn về công việc của các anh. Đêm trên đảo Dấu, trong bầu không khí mặn mòi của biển cả, hòa cùng tiếng sóng biển rì rào như những bản nhạc đầy du dương là tiếng nói, tiếng cười của chúng tôi. Giữa mênh mông sóng nước, chúng tôi được nghe các anh tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của mình.
Ngọn hải đăng hòn Dấu (ảnh: Trần Sơn)
Hướng mắt nhìn về nơi những ánh đèn lấp lánh của phố thị, Đại úy Lương Văn Phảng - Tổ trưởng Tổ công tác đảo Dấu không khỏi trầm ngâm, tổ công tác đảo Dấu chỉ có 2 người nhưng khá nhiều việc. Ngoài công tác tuần tra, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới biển đảo, các anh còn có nhiệm vụ quan sát, cảnh báo, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Theo lời anh Phảng chia sẻ, khi bão vào, sóng có khi cao đến 3-5m, đập vào bờ kè bọt tung trắng xóa; gió rít thành tia như mũi tên bắn thẳng vào da thịt, rồi lại rít lên từng cơn phẫn nộ đập vào khung cửa sổ. Những lúc ấy, những người trên đảo như anh chỉ muốn vào trong phòng, cài then cửa thật chặt.
Nhưng vì lo lắng cho sự an toàn của ngư dân, các anh lại động viên nhau gắng gượng nép vào từng tảng đá lớn để quan sát, tìm kiếm xem còn tàu thuyền nào mắc kẹt lại trên biển hay không. “Mặc dù công tác gần nhà nhưng do yêu cầu công việc, nhiều khi vài tháng trời chúng tôi không về thăm nhà được. Nhiều lúc nhớ gia đình nhưng cũng chỉ biết hướng mắt về đất liền để tự động viên mình”, Đại úy Lương Văn Phảng tâm sự.
Ngồi cạnh Đại úy Phảng là anh Nguyễn Văn Thắng - Trạm trưởng Trạm quản lý Hòn Dấu. Thấy nhắc đến gia đình, anh Thắng bỗng thở dài, những tưởng ở “thủ đô” đảo đèn là sung sướng, nhưng chỉ những người gắn bó với đảo Dấu lâu năm, mới hiểu hết những vất vả, khó khăn và gian khổ. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, đi hết hải đăng Long Châu, Nam Triệu đến Cô Tô và giờ là đảo Dấu, cuộc sống hàng ngày chỉ có biển khơi mênh mông cùng ánh chớp của ngọn đèn biển khiến anh nhớ nhà da diết.
Ngày mới vào nghề, có những lúc dao dộng, anh Thắng có ý định bỏ nghề. Nhưng rồi cũng chính gia đình là động lực để anh tiếp tục gắn bó với công việc “gác” đèn này. “Tính ra, thời gian mình ở đảo đèn còn nhiều hơn ở nhà. Nhiều lúc vợ con ốm đau hay gia đình có việc không về được cũng buồn lắm. Nhưng công việc thì khó tránh, cũng may là mọi người trong gia đình đều thông cảm và thấu hiểu”, anh Thắng cười nói.
Vốn là đảo du lịch, nhưng sau 18 giờ khi chuyến tàu khách cuối cùng trong ngày rời đảo cũng là lúc các anh em quay lại với nỗi cô đơn. Những lúc như vậy, những người không trong ca trực, ca gác của các đơn vị, lại tụ họp lại cùng nhau đánh cờ, đọc báo, nghe đài… Cuộc sống của những người “gác đảo” như anh Phảng, anh Thắng dù còn thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần song trong tâm niệm của mỗi người, chỉ cần hàng ngày thấy những con tàu nhộn nhịp ra vào cảng một cách an toàn thì mọi sự cô đơn, vất vả đều tan biến hết.
Hải Ngân