14:42 14/06/2022 Chiều tối ngày 6-6, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bất thường, nhằm quyết định hình thức kỷ luật đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN). Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật Đảng.
Trước đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KHCN. Các ông: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ KHCN, Bộ Y tế.
Đây là điều vô cùng đau xót, không ai mong muốn bởi họ đều là những cán bộ cấp cao, được Đảng rèn luyện, trưởng thành và tin tưởng giao nhiệm vụ. Thế nhưng, chính họ lại lợi dụng lòng tin của Đảng và nhân dân để làm trái pháp luật và kết cục ngày hôm nay là cái giá phải trả quá đắt. Càng đau xót hơn nữa khi vụ Việt Á đến cuối tháng 5 đã khởi tố 45 người, trong đó có 4 quan chức của Bộ Y tế; Bộ KHCN và 16 lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành. Con số này chắc chắn sẽ còn dài hơn nữa và càng dài thì càng đau lòng.
Đi tới bước đường cùng ngày hôm nay, những người liên quan hẳn sẽ vô cùng hối hận chỉ vì lợi ích cá nhân, mờ mắt vì đồng tiền mà đã “nhắm mắt đưa chân”, dung túng cho những việc làm sai trái.
Rõ ràng, khi mức “hoa hồng” lên tới vài chục phần trăm, nhất là những phần trăm đó là tính mạng, là sức khỏe của nhân dân; là những người đang hàng ngày, hàng giờ vật lộn, đấu tranh với dịch bệnh COVID-19; là hàng nghìn sinh mạng người dân Việt Nam đã bị dịch bệnh cướp đi… thì họ phải suy nghĩ, phải đấu tranh xem đó có phải là đồng tiền xứng đáng hay không. Đằng này ngược lại, họ thản nhiên nhận tiền trong khi cả nước phải căng mình chống dịch.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: trong một số vụ án, khi khám xét thì có những bị can trong ngăn kéo có đến hơn 10 tỷ đồng. Ví dụ, vụ Việt Á rất nhiều tiền. Theo lời khai là kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và bôi trơn khoảng 800 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản trị giá 1.600 tỷ đồng liên quan vụ Việt Á.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, một chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa người Việt Nam từ nước ngoài về thời điểm dịch đang căng thẳng, trừ các chi phí, số tiền lợi nhuận lên đến vài tỷ đồng một chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay thì số tiền các đối tượng trong cuộc trục lợi lớn thế nào. Trong khi đó, đồng bào ta, có những người phải chắt chiu, dành dụm từng đồng, phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, phải cầu cứu người thân trong nước gửi tiền trợ giúp mới có thể mua được vé chuyến bay để chạy nạn COVID-19. Họ đã hưởng lợi bất chính trên mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng của đồng bào mình.
Thế nên, những vi phạm này phải xử lý thật nghiêm; các cán bộ vi phạm đều phải chịu trách nhiệm, dù đó là ai, đang giữ cương vị gì. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ sự nghiêm minh của Đảng, của pháp luật và càng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là bài học đắt giá cho những ai có tư tưởng hoặc có hành động trục lợi, giơ tay nhận những đồng tiền không xứng đáng, không do chính sức lao động tạo nên. Cắt “ung nhọt” tham nhũng, trục lợi cá nhân, dù rất đau nhưng buộc phải làm để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Hồng Thanh
20:09 27/11/2024