Chuyện thời cuộc: Hải Phòng với quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

14:53 03/10/2023

Mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước được xác định rất rõ trong các nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Đảng bộ thành phố. Ngày 2-8-2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nghị quyết 02 về phát triển cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Ngay sau đó, ngày 21-10-2021, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng ban hành kế hoạch số 238, cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết 02 với quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước. Theo đó, việc xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước về dịch vụ cảng biển và logistics, được định hướng, định lượng khá cụ thể và rõ nét.

           Theo đó, Hải Phòng tập trung  phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, theo chiều sâu là chủ đạo để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; có các cơ chế, chính sách có tính đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước…; phấn đấu  đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm.

Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn.Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới…

Cảng Tân Cảng (Lạch Huyện)

          Quyết tâm cao thì hành động phải mạnh mẽ và quyết liệt. Theo đó, Hải Phòng đề ra 6 nhóm, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tập trung vào nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; phát triển dịch vụ phục vụ cảng biển và dịch vụ logistics; tạo lập nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Hải Phòng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ hiện đại…

Điều mà người dân Hải Phòng quan tâm nhất là từ những mục tiêu, định hướng trên, thành phố đã chỉ rõ những dự án, công trình cụ thể. Trong đó có nhiều dự án lớn đang được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm như đầu tư xây dựng các bến Cảng tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; rà soát, sắp xếp lại hệ thống bến cảng tại khu vực Đình Vũ; triển khai đầu tư xây dựng các bến tại cảng nam Đồ Sơn; quy hoạch bến cảng Bạch Long Vĩ là bến cảng vệ tinh, đầu mối giao lưu với đất liền kết hợp phục vụ phát triển KTXH và QPAN; đầu tư cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp (Cát Hải) và cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc (Tiên Lãng); nâng cao năng lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi,container tại khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện, VSIP, Tràng Duệ, Tiên Lãng; kết nối các phương thức vận tải giữa đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường bộ và đường hàng không; đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu logistics gắn liền với các khu bến, bến cảng như trung tâm logistics Lạch Huyện, nam Đình Vũ, VSIP, Tràng Duệ, Tiên Lãng và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông quan trọng…

Cùng với đó, Hải Phòng kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách hoàn thiện, nâng cấp, cải tạo các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng có kết nối tới cảng Lạch Huyện; tuyến đường thủy nội địa hành lang số 1 (Quảng Ninh- Hải Phòng- Việt Trì); nâng cấp cầu Đuống… . Thành phố cũng có chủ trương phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công Thương đầu tư mở rộng hạ tầng kết nối trung tâm logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng.

           Như thế, định hướng, chủ trương, các công việc, các dự án cụ thể đều rất rõ. Tương lai trở thành trung tâm kinh tế biển của Hải Phòng đã hiện hữu. Vấn đề còn lại chính là các biện pháp triển khai trên thực tế, sao cho thật khẩn trương, hiệu quả, giảm bớt  thủ tục; huy động và kêu gọi được nguồn lực tổng hợp bao gồm cả nguồn lực vật chất của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tinh thần của hơn 2 triệu người dân thành phố, chắc chắn, Hải Phòng sẽ thành công. Hãy hình dung, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Hải Phòng đến nay là gần 170 triệu tấn; đến năm 2025 là 300 triệu tấn và tiến tới 600 triệu tấn, Hải Phòng sẽ vô cùng sôi động và sầm uất, xứng tầm thành phố cảng biển lớn nhất phía bắc. Đó là tương lai và là niềm vui, niềm phấn khởi của người dân Hải Phòng./.

                                                                                                                                          Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông