Cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù sẽ thúc đẩy Hải Phòng phát triển

16:53 16/08/2017

Nghị định số 89/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng đã chính thức áp dụng trong năm ngân sách 2017. Những chính sách mới này được nhận định là “đòn bẩy” để kinh tế Hải Phòng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Báo An ninh Hải Phòng có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Trung Kiên-Giám đốc Sở KH&ĐT xung quanh sự kiện trên.

 

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

PV: Xin ông cho biết trong bối cảnh hiện nay, Nghị định số 89/2017 có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của thành phố Hải Phòng?

Ông Lê Trung Kiên: Sau Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg ngày 05/4/2004 về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố thì từ năm 2011 đến nay, Hải Phòng không có cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, ngân sách, chỉ áp dụng chung theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành khác.

Trong khi đó, tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương: Nghiên cứu việc cho phép Hải Phòng được để lại tỉ lệ hợp lý nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trên địa bàn để hỗ trợ thực hiện chương trình, mục tiêu; có mức thưởng trên tổng số thu ngân sách vượt dự toán; việc cho thành phố thẩm quyền quy định một số loại phí và lệ phí”.

Như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 là một nhiệm vụ cụ thể hóa Kết luận số 72 của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố. Nghị định này có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng theo đúng mục tiêu, định hướng đã được Bộ Chính trị kết luận

 PV: Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tham mưu với thành phố những giải pháp gì để có thể triển khai hiệu quả, tận dụng cơ hội từ Nghị định số 89/2017?

Ông Lê Trung Kiên: Nghị định số 89/2017 quy định mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhưng “nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định”.

Do đó, trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, thành phố cần báo cáo, đề xuất cụ thể để các Bộ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét giao mức bội chi ngân sách của thành phố bằng mức dư nợ vay thêm (bằng mức dư nợ vay tối đa năm kế hoạch trừ đi mức dư nợ vay tính đến ngày 31/12 năm trước) để có thêm nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị của thành phố.

Do vậy, thời gian tới các cơ quan chức năng như Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố hằng năm đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan, các Hiệp định thương mại có tác động đến nước ta và điều kiện cụ thể của thành phố, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm để áp dụng cơ chế Trung ương hỗ trợ 70% số tăng thu ngân sách trung ương.

Triển khai thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và đã được HĐND thành phố thông qua, trong đó đã xác định tổng nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả các nguồn vốn vay của ngân sách thành phố, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách của thành phố. Như các bạn đã biết, vốn đầu tư công được xác định là “vốn mồi”, đầu tư vào những công trình hạ tầng thiết yếu của thành phố, tạo điều kiện nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư khác vào thành phố.

PV: Nghị định số 89/2017 đã mở ra những cơ chế thông thoáng cho huy động vốn đầu tư phát triển của thành phố. Tuy nhiên, những nguồn vốn như ODA, vốn vay nước ngoài… đều có những yêu cầu cao trong quá trình giải ngân. Theo ông, cần có những cơ chế nào để không tạo áp lực lớn cho quá trình trả nợ trong tương lai của thành phố?

Ông Lê Trung Kiên: Trong điều kiện các nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của thành phố, việc thành phố huy động các nguồn vốn vay để đầu tư là xu hướng tất yếu.

Để không tạo áp lực quá lớn cho quá trình trả nợ trong tương lai của thành phố, cần đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay, hiệu quả đầu tư là tối ưu nhất, cụ thể là: Cân nhắc, lựa chọn các nguồn vốn vay phù hợp nhất với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từ đó, tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ, vay vốn bằng mọi giá để chi đầu tư, để lại gánh nặng trả nợ cho các nhiệm kỳ sau.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, sớm hoàn thành và đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt để tăng thu ngân sách thành phố, vừa có điều kiện tăng nguồn vốn đầu tư công, vừa có điều kiện trả các khoản nợ đến hạn, cơ cấu lại ngân sách thành phố theo hướng lành mạnh hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Kim Oanh thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích