Có một Hải Phòng đi xuyên 3 thế kỷ

23:50 23/01/2023

Cuối thế kỷ 19, người Pháp cho khai tạo vùng cửa Ninh Hải ở sông Cấm, lập thành cảng biển và một thành phố thuộc diện lớn nhất Đông Dương thời đó. Thành phố ấy mang tên Hải Phòng, tính đến nay đã bước sang tuổi 135.
Cảng Hải Phòng thời kỳ đầu thuộc Pháp (ảnh tư liệu)

Thành phố của những cửa sông

Với vị thế là vùng đất tập trung hầu hết những dòng chảy đổ ra biển thuộc chi lưu của sông Hồng và sông Thái Bình, từ cách đây hàng nghìn năm, Hải Phòng đã giữ vai trò là cầu nối giữa nước Việt và thế giới bên ngoài bằng đường biển. Những cuộc đụng độ giữa thủy quân của Mã Phục Ba với quân của nữ tướng Lê Chân, đặc biệt là 3 trận chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng vào các năm 938 (Ngô Quyền), 981(Lê Hoàn) và 1288 (Nhà Trần) đã khẳng định điều đó. Chỉ có điều, dấu ấn lịch sử để lại liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội là không đáng kể.

Vào thời vua Tự Đức, một vị quan nhà Nguyễn là Bùi Viện (quê huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, nay là thôn Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải, đồng thời lập một căn cứ gọi là Nha Hải Phòng sứ với lực lượng Tuần dương quân gồm 200 chiến thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến.

Có lẽ vì điều này nên tên gọi Hải Phòng đến nay vẫn còn nhiều tồn nghi khi có quan điểm cho rằng Hải Phòng là tên rút gọn của “Hải tần phòng thủ” được lập từ thời nữ tướng Lê Chân? Nhưng cụm tên: “tỉnh Hải Phòng”, “thành phố Hải Phòng” hoặc “cảng Hải Phòng” có lẽ rõ nét hơn kể từ khi có những văn bản hành chính của chính quyền Pháp.

Cụ thể, tên gọi Hải Phòng được nhắc đến trong một dữ liệu khi người Pháp xâm lược miền Bắc lần thứ nhất, buộc nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất 1874. Theo đó, nhà Nguyễn và Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng cảng Ninh Hải, gọi là “Hải Dương thương chính quan phòng”, gọi tắt là Hải Phòng. Năm 1887, thực dân Pháp chủ trương tách một số huyện ven biển của tỉnh Hải Dương nằm lân cận cảng Ninh Hải để thành lập tỉnh Hải Phòng. Ngày 19-7-1888, tỉnh Hải Phòng lại đươc tách thành thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An.

Về mặt hành chính, thành phố Hải Phòng là một nhượng địa nên việc cai quản, khai thác thuộc quyền thực trị của người Pháp. Họ đã cho xây dựng ở đây một hải cảng lớn, thường được gọi là Bến “6 kho”, đồng thời đầu tư xây dựng Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính… tầm cỡ, chỉ đứng sau Hà Nội và Sài Gòn thời điểm đó. Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ chính là vị thế của hệ thống cảng, với vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc, được thiết lập và giữ vững suốt 135 năm qua.

Cảng Hải Phòng ngày nay (ảnh tư liệu).

Thăng trầm nhịp sóng nơi cửa biển

Có lẽ với vị thế cửa ngõ như vậy, nên nhiều người ví von rằng, Hải Phòng là lời tựa cho những trang sử thăng trầm của dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng, Hải Phòng còn được coi là cái nôi, khi đây chính là một trong những vùng đất đầu tiên của cả nước được tiếp nhận tư tưởng chủ nghĩa Mác, dấu ấn quan trọng để định hướng cách mạng Việt Nam sau này. Đây cũng là nơi ra đời của tổ chức Công hội đỏ (tiền thân của Liên đoàn lao động ngày nay) gắn liền với tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và nhiều vị lãnh đạo tiền bối của Đảng ta.

 Cách mạng tháng Tám dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, Hải Phòng cũng chính là địa phương đầu tiên của miền Bắc vang lên tiếng súng bảo vệ Nhà nước non trẻ trước sự xâm lược trở lại của quân viễn chinh Pháp. Những người con Hải Phòng đã chiến đấu vô cùng quả cảm, gắn với những tên tuổi bất tử như: Đặng Kim Nở, Trần Thành Ngọ... Nhắc đến những trận chiến này, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết trong hồi ký: “Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự của cả nước…”. Và nếu như không có cảng, đầu mối hậu cần lớn nhất của quân Pháp ở miền Bắc, Hải Phòng rất có thể sẽ không lừng danh với những trận đánh trên Đường 5 quật khởi, hòa cùng cả nước trong 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Sáng chói truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, quân và dân Hải Phòng giữ vai trò khởi đầu, góp công làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Hiệp định Geneve được ký kết, khi các địa phương khác ở miền Bắc đã hưởng tự do, Hải Phòng vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường, trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Đúng ngày 13-5-1955, dưới ánh hào quang rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, các đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản thành phố, cũng là lúc những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng cuốn cờ rút khỏi Việt Nam theo đường biển từ Hải Phòng. Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày giải phóng Hải Phòng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cảng Hải Phòng tiếp tục giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong việc tiếp nhận nguồn viện trợ của các nước anh em và bè bạn, để tái thiết miền Bắc và tương trợ cho chiến trường miền Nam. Một lần nữa thành phố Cảng lại thành nơi thử lửa, với những chiến dịch phong tỏa, oanh tạc khét tiếng của hải quân, không quân Mỹ, và đỉnh điểm là cuộc chiến trên không trước cuộc đụng đầu lịch sử 12 ngày đêm vào tháng 12-1972. Trận chiến mà Hải Phòng đã cùng Hà Nội và nhiều địa phương khác của miền Bắc viết nên trang sử hào hùng, được ví là “Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành yếu tố mang tính quyết định, buộc người Mỹ phải chấp nhận chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Hải Phòng 135 năm là như thế, với việc sáp nhập trở lại với Kiến An (1962) và trước đó là Cát Hải (1956) và Bạch Long Vỹ (1957), dấu ấn của sự kiện xây dựng Cảng Hải Phòng nói riêng và thành lập thành phố Hải Phòng nói chung luôn có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Hàng trăm năm “những cái tên nghe chẳng thơ đâu…” như lời thơ của thi sỹ Hải Như đã gắn quyện thân thương với người Hải Phòng. Không chỉ bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên… mà còn Máy Chai, Máy Đá, Máy Tơ, cầu Quay, Nhà hát lớn, Nhà bảo tàng… vẫn từng ngày gợi nhớ một thời. Đặc biệt Bến 6 kho ngày mở đầu giờ đã phát triển thành hệ thống gần 12km cầu cảng, rồi thêm Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, gắn với cầu Tân Vũ, với hạ tầng giao thông 5 loại hình và các cơ sở hạ tầng khác, đưa Hải Phòng tự tin vỗ những nhịp sóng sôi trào hơn.

Hải Phòng – Thành phố Cảng, hai cách gọi khác nhau nhưng lại là một, trải suốt chiều dài thăng trầm của lịch sử vẫn vẹn nguyên một giá trị cốt lõi, giá trị ấy giờ được nâng lên tầm cao mới để Hải Phòng vững chãi trên lộ trình vươn ra biển lớn. Mà hình ảnh con tàu Silver Queen chở theo 999 chiếc ô tô thương hiệu Việt (Vinfast) xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một dấu son tiêu biểu.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông