Công nghiệp Hải Phòng với vai trò trụ cột phát triển: Sứ mệnh, tầm nhìn và cơ hội bứt phá (Bài 4)

08:50 03/10/2024

Bài 4: Những cơ hội bứt phá Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; NQ 30 của Bộ Chính trị về về phát triển KTXH và bảo đảm QPAN vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định rõ, Hải Phòng phải là địa phương đi đầu và về trước cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, phát triển công nghiệp là mũi nhọn và có tính chất quyết định. Đáng mừng là thành phố đã và đang có những định hướng đúng đắn để công nghiệp phát triển bứt phá, phát huy tốt nhất vai trò trụ cột kinh tế và góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Hải Phòng.

                                      Rộng mở cơ hội và dư địa phát triển từ Khu Kinh tế ven biển phía Nam

          Thực tế phát triển rất sinh động và hiệu quả của KKT Đình Vũ- Cát Hải là một trong những yếu tố quan trọng để Hải Phòng nghĩ tới việc phát triển KKT thứ 2, tức là Khu Kinh tế ven biển phía nam. Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định: ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với các định hướng phát triển Hải Phòng về phía nam, để cùng với KKT Đình Vũ- Cát Hải tạo thành thế đứng vững chắc, hội đủ các ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng và là cú hích quan trọng để phát triển công nghiệp.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu thăm nhà máy của Công ty LG Electronics tại Hải Phòng 

           Đề xuất thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Trung ương. Hiện việc xây dựng đề án đã hoàn tất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

           Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, tổng diện tích dự kiến của Khu kinh tế mới là khoảng 20.000 ha, bao gồm toàn bộ địa bàn các xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp,Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Phúc (Kiến Thụy); một phần xã An Thọ, Chiến Thắng (An Lão); toàn bộ xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh (Tiên Lãng); toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am (Vĩnh Bảo); một phần phường Bàng La (Đồ Sơn).

Tại đây sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Tiên Lãng; cảng Nam Đồ Sơn; hệ thống cảng dọc sông Văn Úc; trung tâm logistics Kiến Thụy; trung tâm logistics Tiên Lãng...; các tuyến giao thông chính gồm đường cao tốc ven biển; quốc lộ 37 và các tuyến đường giao thông khác... Cùng với đó, thành phố đang nghiên cứu thành lập Khu Thương mại tự do trong Khu Kinh tế ven biển phía Nam, tạo sức hấp dẫn lớn cho cả khu vực.

          Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, việc thành lập một khu kinh tế mới tại Hải Phòng sẽ tận dụng được dư địa phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải, tiếp tục trở thành một khu kinh tế thành công với khả năng thu hút đầu tư các dự án, công trình quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng. Từ đây, Hải Phòng có thêm các cơ hội, dư địa rộng lớn để phát triển bứt phá, đặc biệt là phát triển công nghiệp, thực hiện thành công nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, xứng đáng với vai trò động lực phát triển của cả vùng, cả nước.

                                            Đẩy nhanh quá trình thành lập các KCN, CCN

          Theo lãnh đạo BQLKKT Hải Phòng, hiện Hải Phòng đang trong giai đoạn phát triển bứt phá của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn để phát triển các KCN, KKT.  Quan điểm chung đã được thống nhất là tập trung phát triển các KCN, KKT có sức hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ; có tính cạnh tranh quốc tế; là điển hình trong cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đến năm 2030, hình thành hệ thống KCN, KKT phát triển ổn định, đồng bộ, hiện đại, hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội; phát triển công nghiệp phụ trợ;đi đầu trong cả nước trong việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; tạo thêm quỹ đất thu hút và hình thành địa bàn chiến lược của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đón tiếp và làm việc với các nhà đầu tư Đan Mạch tìm hiểu, nghiên cứu về phát triển điện gió ngoài khơi

Theo đó,BQLKKT đề xuất với thành phố, phấn đấu  đến năm 2025,  tỷ lệ lấp đầy 14 KCN đã được thành lập đạt trên 70% và thành lập thêm 4 – 6 KCN mới; thực hiện chuyển đổi 2-3 KCN sinh thái; 1 KCN công nghệ cao; bảo đảm 100% các KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu hút FDI vào các KCN, KKT đạt 12,5 - 15 tỷ USD; thu hút DDI đạt 10 - 15 tỷ USD; bình quân thu nhập người lao động tại KCN, KKT đạt 20 triệu đồng/người/tháng; hoàn thành 2-3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải; thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha.

Tổ hợp KCN DEEP C là hình mẫu về sự thành công tại Hải Phòng. Ảnh: Một góc KCN DEEP C (ảnh: Nguyễn Thị Hưng)

          Đến năm 2030, thành lập thêm các KCN với diện tích khoảng 1.433 ha. KCN, KKT đóng góp trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; thu hút FDI đạt 15 tỷ USD; thu hút DDI đạt 12 - 16 tỷ USD; cơ bản đảm bảo nhà ở và các thiết chế cho công nhân, người lao động.

          Một số KCN đã được quy hoạch thành lập  là KCN Tràng Duệ 3 diện tích 620ha; KCN Thủy Nguyên 1000 ha; KCN An Hưng- Đại Bản 255 ha; KCN nam Tràng Cát 200ha; KCN Tân Trào 500-550 ha ; KCN Ngũ Phúc 450-500 ha; KCN Cầu Cựu 115ha; KCN Giang Biên 2 diện tích 370ha; KCN An Hòa 110 ha; KCN Vinh Quang, Vĩnh Bảo 310ha; KCN Vinh Quang, Tiên Lãng 1380ha; KCN Tam Cường 1300 ha; KCN sân bay Tiên Lãng 540ha; KCN Tam Hưng- Ngũ Lão 156ha; KCN thị trấn Vĩnh Bảo 880ha… Ngoài ra, còn có hàng chục CCN đã được quy hoạch và xúc tiến thành lập.

                    Cần có những cơ chế, chính sách đủ mạnh

          Khu Kinh tế ven biển phía Nam và các KCN, CCN cùng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao sẽ tạo nên những cơ hội để Hải Phòng thu hút mạnh mẽ vào đầu tư phát triển công nghiệp, nhất định tạo nên những giá trị mới, góp phần để Hải Phòng thực hiện thành công nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, sớm đưa thành phố trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH, động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.

          Để thực hiện được mục tiêu đó, Hải Phòng đã và đang phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp. Vừa qua, HĐND thành phố khóa 16 đã tổ chức giám sát chuyên đề về phát triển công nghiệp Hải Phòng, đánh giá đúng mức hiệu quả việc ban hành các nghị quyết, các cơ chế chính sách và sự phát triển công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề để công nghiệp Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng vị thế của Hải Phòng và đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Sản xuất ô tô điện tại Nhà máy sản xuất ô tô VinFast

Theo đó, HĐND thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, đủ mạnh để giúp thành phố tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong phát triển công nghiệp; sớm phê duyệt thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam; cho phép Hải Phòng thực hiện ngay đề án Khu Thương mại tự do; xem xét, quyết định, cho phép Hải Phòng thành lập các KCN đã được quy hoạch, tạo dư địa phát triển bền vững cho công nghiệp Hải Phòng.

          Cùng với đó, Hải Phòng đề nghị sớm ban hành các Luật khu Kinh tế; Luật Công nghiệp trọng điểm; Luật Công nghiệp hỗ trợ nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật có liên quan trong phát triển công nghiệp. Đồng thời đề nghị xây dựng bộ tiêu chí đáng giá trình độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa của các địa phương; ban hành các tiêu chí cụ thể đối với KCN sinh thái; KCN hỗ trợ; KCN công nghệ cao để làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng đề nghị Trung ương ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư vào KKT, KCN ; thúc đẩy việc hình thành các KCN mang tính chuyên môn hóa cao và hình thành các cụm liên kết ngành, cụm. Hải Phòng cũng đề nghị sớm xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Vùng đồng bằng sông Hồng đặt tại Hải Phòng theo Nghị quyết số 108 ngày 26-11- 2019 của Chính phủ về thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị…

Được như vậy, chắc chắn công nghiệp Hải Phòng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, thực sự bứt phá trong giai đoạn tới, phát huy tốt nhất vai trò trụ cột phát triển, góp phần quan trọng để Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp CNH- HĐH, hiện thực hóa khát vọng phát triển./.

                                                                                                                                   Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông