20:19 20/10/2017 Những năm qua, công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố đã đi vào nề nếp và đạt hiệu quả nhất định, góp phần ổn định thị trường, cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng.
Sản phẩm làm giả thương hiệu Nhựa Tiền Phong bị bắt giữ
Khi doanh nghiệp lên tiếng...`
Hải Phòng - thành phố đầu mối thông thương hàng hóa qua đường biển, đường không và đường bộ đã tạo nên sự lưu thông hàng hóa mạnh mẽ qua địa bàn từ nước ngoài về Việt Nam, từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đến khu vực Duyên hải Bắc bộ.
Cùng với đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp Hải Phòng ngày càng lớn mạnh, vươn tầm thương hiệu, đưa sản phẩm công nghiệp của Hải Phòng đến với thị trường cả nước.
Những tiềm năng, lợi thế này đồng thời cũng đặt công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của thành phố Hải Phòng trước những thách thức mới.
Nhựa Tiền Phong của Hải Phòng hôm nay đã trở thành thương hiệu hàng đầu quốc gia về ngành nhựa, với các sản phẩm ống nhựa được chuộng dùng cho các công trình lớn tại 33 tỉnh, thành phố trên cả nước. Song Nhựa Tiền Phong cũng không tránh khỏi việc bị làm giả sản phẩm.
Như An ninh Hải Phòng đã đưa tin về vụ việc mới xảy ra cách đây chưa đầy 1 tuần, cán bộ, nhân viên của Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) đã phối hợp cung cấp thông tin để Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) và Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an thành phố Hà Nội phát hiện một cơ sở nghi sản xuất, kinh doanh ống nhựa giả nhãn hiệu Nhựa Tiền Phong tại huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội thu giữ hàng ngàn ống nhựa nghi giả nhãn hiệu nổi tiếng này.
Với việc đưa truyền thông vào cuộc, Nhựa Tiền Phong đã chứng minh hiệu quả của việc chủ động lên tiếng tự bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, kiên quyết đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái vì quyền lợi của khách hàng.
Nỗ lực vì một thị trường “sạch”
Theo thống kê của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) thành phố Hải Phòng, trong cả năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 13.277 vụ, xử lý 10.773 vụ (xử lý hình sự 16 vụ, với 8 bị can), thu nộp ngân sách hơn 762 tỷ đồng; trong số đó có nhiều vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Những nỗ lực trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái của các lực lượng chức năng Hải Phòng trong thời gian qua đã làm giảm đáng kể số vụ vi phạm so với những năm trước.
Cũng theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hải Phòng, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang diễn biến phức tạp, được tổ chức đa dạng, tinh vi từ kênh sản xuất đến phân phối, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước, mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau cả chính ngạch và tiểu ngạch. Mặt hàng vi phạm đa dạng về chủng loại, từ hàng cấp thấp đến hàng cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến vật tư nguyên liệu sản xuất.
Đặc biệt, những loại hàng giả như: rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, mỳ chính, đồ gia dụng đã và đang gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hàng giả nhập lậu được các đối tượng xé lẻ, chia nhỏ, giá trị hàng hóa mỗi lần vận chuyển, tiêu thụ đều có giá trị không lớn, dưới mức xử lý hình sự. Vì vậy, công tác bắt giữ, xử lý đa phần ở mức xử lý hành chính nên ít có tác dụng răn đe.
Tại cuộc họp mới đây nhất của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hải Phòng, các lực lượng chức năng phân tích những khó khăn, vướng mắc trong cuộc chiến hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đó là nguồn lực tại chính cho các cơ quan chức năng trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái lại hạn chế.
Cụ thể, để phục vụ việc giám định hàng hóa đó có phải là giả hay không hiện nay vừa khó, vừa tốn kém. Bản thân các đơn vị chức năng hiện nay vẫn chưa có các phương tiện kiểm định hàng giả, mà phải trưng cầu giám định với giá thành khá cao. Đó là chưa kể, việc vận chuyển sau thu giữ, lưu kho, lưu bãi, tiêu hủy hàng giả, hàng nhái cần nguồn kinh phí khá lớn...
Trong thời gian tới, hoạt động chống, các lực lượng chức năng thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, mở các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đồng thời kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại của các đối tượng kinh doanh trên địa bàn về chấp hành các quy định về nhãn hàng hóa; tăng cường công tác tuyên truyền...
Ông Nguyễn Mai Ngọc, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KHCN: “Còn nhiều khó khăn trong xử lý xâm phạm quyền SHTT”
Thời gian qua, Sở KH&CN với vai trò là cơ quan đầu mối trong việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tích cực tham mưu, đề xuất về công tác quản lý Nhà nước về SHTT và đạt hiệu quả cao.
Việc triển khai thực thi quyền sở hữu công nghiệp đã bám sát nhiệm vụ, đáp ứng được đòi hỏi yêu cầu hoạt động SHTT của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Chương trình phối hợp thực thi quyền SHTT trên địa bàn được tăng cường; cơ chế pháp lý cho việc triển khai hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khuyến khích hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật trên địa bàn được quan tâm triển khai; kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT.
Hàng năm, Sở đã phối hợp phối hợp với cơ quan chuyên môn, các ban ngành liên quan: Sở Y tế, Sở Công thương, Hải quan, Công an thành phố, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Chi cục quản lý thị trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm... trong việc triển khai thi hành quy định của pháp luật về thực thi, bảo vệ quyền SHTT.
Công tác thanh tra và xử lý vi phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính tuy chưa nhiều, nhưng mang tính tiêu biểu đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp; bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp trên địa bàn thành phố.
Ông Đào Văn Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường: “Tinh vi hơn!”
9 tháng qua, cơ quan Quản lý thị trường (QLTT) của Hải Phòng đã kiểm tra tổng số 2.093 vụ việc và xử lý 1.321 vụ việc; trong đó, kiểm tra 19 vụ, xử lý 17 buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Qua đó việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, đã đảm bảo cung cấp hàng hóa chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng, nhất là tại khu vực nội thành.
Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện nhiều thủ đoạn vi phạm tinh vi hơn. Cụ thể là có trường hợp sản phẩm mang nhãn mác “Italy”, hoặc “Japan”, tuy nhiên không có chữ “made in”.
Với nhãn mác “lập lờ” này dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm bởi có thể đây chỉ là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, hoặc nước thứ 3 nào đó, trung chuyển qua thị trường Ý, hoặc Nhật, rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Rồi thì, các vi phạm ngày càng xuất hiện nhiều tại khu vực ngoại thành, vùng sâu vùng xa, hải đảo, nhất là ở các chợ cóc, chợ tạm, dẫn đến khó kiểm soát nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa, việc niêm yết giá...
Theo tôi, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng, cần xem xét hỗ trợ kinh phí cho công tác chống hàng giả, cải thiện kho bãi thu giữ, tiêu hủy hàng vi phạm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng.
Ông Trần Kim Chung, Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao: “Bảo vệ tác quyền sản phẩm văn hóa”
Thời gian qua, ngành Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã hướng dẫn tăng cường quản lý và thực thi quyền tác giả và quyền liên quan. Thanh tra sở phối hợp với Phòng PA83 Công an Thành phố và đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các quận, huyện tổ chức kiểm tra và xử lý các vụ việc vi phạm.
6 tháng đầu năm, Thanh tra sở đã phối hợp kiểm tra 5 lượt, với tổng số 7 cơ sở kinh doanh băng, đĩa, 10 trường hợp trường hợp bán đĩa rong;, tịch thu và tiêu hủy 947 băng, đĩa các loại (băng đĩa ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép, đĩa không dán nhãn kiểm soát theo quy định), 155 ấn phẩm có nội dung bói toán, mê tín dị đoan không có tem mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Phòng PA83 Công an Thành phố và Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng kiểm tra hoạt động sản xuất đĩa ghi hình, tiếng của Công ty TNHH Huge Gain Việt Nam.
Để bảo vệ tác quyền của các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa, thời gian tới, thanh tra VHTT tập trung nhiệm vụ tuyên truyền; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và thể thao; lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào các chương trình nghệ thuật, hoạt động của các câu lạc bộ do ngành tổ chức.
Ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Ủng hộ những thương hiệu Việt Nam uy tín, chất lượng”
Không ít người tiêu dùng hiện nay khi mua sắm các mặt hàng thời trang như: đồng hồ, túi xách, quần áo, giày dép… mặc dù biết đó là hàng giả nhưng vẫn mua vì thích thương hiệu nổi tiếng thế giới mà giá lại rẻ.
Nhiều người bán hàng khéo léo gọi những loại hàng giả này bằng những mỹ từ, kiểu như: fake1, fake2, thậm chí super-fake... với những lời tán dương có cánh, thu hút khách mua.
Tuy nhiên, người tiêu dùng nên lưu ý khi chọn mua những mặt hàng này, bởi sẽ không được bảo vệ quyền lợi vì không có người chịu trách nhiệm về hàng hóa.
Hiện nay, Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Hải Phòng chỉ tiếp nhận các trường hợp khiếu nại có bằng chứng giao dịch, có địa chỉ nơi bán, nhà sản xuất rõ ràng, không hỗ trợ được trong những trường hợp mua hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Cùng với việc các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, hội chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, hình thành “người tiêu dùng thông minh”.
Đặc biệt, khi cả nước đang thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng cần ủng hộ những thương hiệu uy tín, chất lượng của Việt Nam, tạo thành làn sóng bài trừ “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
HẢI HẬU
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão