12:29 09/11/2024 Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn tổ 4 cùng đoàn Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng chủ trì thảo luận.
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Theo đồng chí Vũ Thanh Chương, tội phạm ma túy ngày càng tăng và có diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết, phát hiện. Có nhiều hành vi, biểu hiện mới như rủ nhau tới nhà riêng; khách sạn để sử dụng ma túy. Người dùng ma túy cũng không theo truyền thống như trước mà có cả CBCC, viên chức; thậm chí có cả người có học vấn cao, có hiểu biết rõ ràng về tác hại của ma túy nhưng vẫn sử dụng; và có cả những người giàu cũng dùng ma túy. Nhiều người vui cũng tìm đến ma túy; buồn cũng dùng ma túy để giải khuây. Hơn thế nữa, hiện có rất nhiều loại ma túy tổng hợp, dễ mua, dễ sử dụng.
Do đó, đồng chí Vũ Thanh Chương cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là rất quan trọng và cần thiết, đáp ứng những yêu cầu cấp bách hiện nay và cả những năm tới vì tội phạm ma túy là tội phạm gốc, là nguồn của rất nhiều loại tội phạm khác.
Góp ý vào các nội dung cụ thể, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương cho rằng, chỉ tiêu đưa ra là triệt phá 100% tụ điểm, điểm ma túy là rất khó vì họ còn tổ chức sử dụng tại nhà. Theo đại biểu, đưa ra mục tiêu này là quyết tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ nhưng cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị mới thành công. Trong đó, công tác tuyên truyền là giải pháp căn cơ và có ý nghĩa quan trọng.
Đối với chỉ tiêu giảm cầu, đồng chí Vũ Thanh Chương đề xuất quản chặt số người nghiện và cả số nghi nghiện. Theo thống kê, hiện có hơn 200.000 người nghiện nhưng số nghi nghiện cũng rất lớn và cần có giải pháp quản lý, không bỏ lọt đối tượng này.
Về truyền thông, đồng chí Vũ Thanh Chương cho rằng, quy định có trên 70% lực lượng thực hiện truyền thông được đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng truyền thông là còn thấp, nên đưa lên 100%. Cũng như vậy, cần 100% cơ quan truyền thông chủ lực mở chuyên mục về phòng, chống ma túy thay vì chỉ quy định 80%.
Đồng chí Vũ Thanh Chương cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nguồn lực cho địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn để bảo đảm cơ sở vật chất duy trì điều trị cho người nghiện và có kinh phí phòng, chống kiểm soát ma túy.
Cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị, về chính sách Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất cần nghiên cứu bổ sung một số quy định về đầu tư phát triển, tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có chính sách khuyến khích cho đầu tư nghiên cứu ứng dụng hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Về phát triển công nghiệp hóa chất, đại biểu đề nghị bổ sung, quy định rõ hơn về hạ tầng kỹ thuật, thương mại, thị trường, nguyên liệu sản phẩm dịch vụ, nhân lực, KHCN, năng lực cạnh tranh…
Về Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ, theo Luật Quy hoạch, phương hướng xây dựng phát triển KCN được tích hợp trong quy hoạch vùng; phát triển hệ thống CCN được tích hợp trong quy hoạch tỉnh.
Tuy nhiên, tại điểm c khoản 1 điều 9 dự thảo luật là định hướng quy hoạch phát triển chuyên ngành hóa chất phù hợp với quy hoạch không gian của các địa phương, vùng lãnh thổ, đáp ứng an toàn hóa chất.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa rõ theo quy hoạch nào. Hơn nữa, tại khoản 2 điều 10 quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt để xây dựng phát triển công nghiệp hóa chát trên địa bàn phù hợp với phát triển KTXH dịa phương. Quy định như vậy cũng chưa rõ về nội hàm cũng như tính pháp lý, không phải theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh như Luật Quy hoạch quy định nên địa phương khó thực hiện.
Từ đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị làm rõ tính tương đồng giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch không gian của các địa phương, vùng lãnh thổ; làm rõ định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống quy hoạch quốc gia, nhất là giữa định hướng hình thành các KCN chuyên ngành hóa chất thuộc chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với phương hướng xây dựng KCN trong quy hoạch vùng và phương hướng phát triển hệ thống KCN trong quy hoạch tỉnh.
Đồng thời làm rõ nội dung phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh; mối quan hệ với phương hướng phát triển ngành quan trọng thuộc quy hoạch tỉnh; làm rõ nội hàm và tính pháp lý về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn để có cơ sở thực hiện trong thực tiễn.
Về thẩm quyền thẩm định phê duyệt hệ thống phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, dự thảo Luật giao cho UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế ở địa phương, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng năng lực, đội ngũ cán bộ các sở rất khó thực hiện nhiệm vụ này, nhất là cán bộ, chuyên gia chuyên ngành hóa học đang rất mỏng, chưa đồng đều. Do đó, cần cân nhắc điều khoản này.
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét lại quy định cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Theo đại biểu, quy định này nhằm khuyến khích trẻ bú sữa mẹ nhưng thực tế không phải tất cả các bà mẹ đều có đủ sữa cho con bú, và trẻ em nào cũng không cần bổ sung dinh dưỡng. Do dó, thay vì việc cấm quảng cáo, cần xem xét nên thay thế bằng hình thức tuyên truyền tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ và sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan chức năng./.
Hồng Thanh
21:20 21/11/2024
16:13 21/11/2024
16:12 21/11/2024