21:20 21/11/2024 Chiều 21/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết đã có 79 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội. Nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết.
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hải Phòng; HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên; UBND quận, phường và số lượng cấp phó. Đồng thời, cho ý kiến, về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Hải Phòng; HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên và UBND quận, phường.
Xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho biết, nghị quyết hiện nay đưa ra quy chế phối hợp của các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp nhưng mới chỉ đề cập tới việc trong bầu cử, chưa đề cập đến chức năng về giám sát, kiểm tra.
Theo đại biểu, khi bỏ HĐND ở cấp chính quyền địa phương, để thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy định phải có cơ chế phối hợp, vì lúc đó chức năng kiểm tra, giám sát của HĐND có thể sẽ được chuyển một phần qua các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, như thế có thể duy trì được hoạt động ở cơ sở một cách dân chủ hơn như luật đã quy định.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Quốc hội đã cho phép thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, việc thực hiện chính quyền đô thị của thành phố Hải Phòng rất phù hợp và hợp lý.
Liên quan tới trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch HĐND các thành phố, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề xuất nên thực hiện thí điểm để đảm bảo phù hợp với nội dung đang thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với mô hình tổ chức chính quyền đô thị của HĐND và UBND thành phố Thủy Nguyên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng là mô hình không mới và đề nghị nên áp dụng giống như mô hình của thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, "không phải Thủ Đức có gì thì Thủy Nguyên có cái đó" vì đặc thù của thành phố Thủ Đức khác so với đặc thù của thành phố Thủy Nguyên. Do đó, không cứng nhắc mà cần căn cứ vào đặc thù riêng để vận dụng mô hình này một cách linh hoạt.
Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết vào cuối kỳ họp thứ 8
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhấn mạnh, mô hình chính quyền đô thị có tác động mạnh mẽ, tạo động lực cho Hải Phòng có bước tiến mới trên con đường xây dựng phát triển thành phố. Đại biểu cũng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội nghị quyết để thay thế Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trong đó, nội dung nghị quyết sẽ tập trung xuất nhiều cơ chế, chính sách mới để tiếp tục tạo sự đột phá cho thành phố Hải Phòng.
Thể hiện sự tán thành cao nhưng đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cũng bày tỏ băn khoăn đối với Điều 10 của quy định chuyển tiếp tại dự thảo Nghị quyết.
Tại Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND là 5 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau. Chậm nhất 45 ngày trước khi HĐND hết nhiệm kỳ, HĐND khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Về nhiệm kỳ của đại biểu HĐND theo nhiệm kỳ củaHĐND, đại biểu HĐND được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo...
Từ phân tích nêu trên, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, nếu đưa vào trong dự thảo nghị quyết quy định cứng là HĐND, UBND quận, phường của Hải Phòng nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào ngày 30/6/2026 sẽ khó trong triển khai thực hiện. Vì vậy, đề nghị nên quy định theo hướng, việc thực hiện nhiệm vụ này theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung trọng tâm được các vị đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như Chính phủ trình. Theo đó, cơ bản tán thàn quy định về cơ cấu tổ chức HĐND thành phố Hải Phòng; HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên; UBND quận, phường và số lượng cấp phó. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị sắp xếp lại về mặt số lượng, cơ cấu tương tự như đã áp dụng đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, đối với thành phố Thủy Nguyên, có ý kiến đề nghị áp dụng tương tự như đối với thành phố Thủ Đức, trong đó có cân nhắc tới đặc thù của thành phố Thủy Nguyên. Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu Quốc hội còn nêu quan điểm về tên thành phố thuộc thành phố, quy định chuyển tiếp, vấn đề nội dung thí điểm;...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ 8./.
Hồng Thanh
16:13 21/11/2024
16:12 21/11/2024