19:01 25/10/2014
Mới đây, khi tham dự sự kiện đình Hoàng Châu (huyện Cát Hải) được đón nhận Bằng di tích quốc gia, tôi có dịp gặp đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trọng Trinh cũng về dự. Nhìn dáng vẻ trẻ trung, nhanh nhẹn và hết sức phong độ, khó ai nghĩ rằng anh đã gần bước sang lục tuần. Đi cạnh Trọng Trinh hôm đó là người vợ xinh đẹp Lan Phương, quê ở thành phố Đà Nẵng. Điều may mắn hơn đối với tôi là khi Trọng Trinh đã không ngần ngại chia sẻ với cánh phóng viên về chuyện đời, chuyện nghề của anh… 1. Là người hâm mộ tài năng của Trọng Trinh qua màn ảnh nhỏ với các bộ phim có tiếng tăm như: Săn bắt cướp, Người đàn bà nghịch cát, Gánh hàng hoa, Gió qua miền tối sáng, Hai năm nữa anh về, Những công dân tập thể, Cầu vồng tình yêu, Tình yêu không hẹn trước… nhưng khi thực sự đối diện với người nghệ sĩ đa tài có khuôn mặt rất sáng này, tôi mới cảm nhận được sự gần gũi, mộc mạc, chân thành nơi anh. Trọng Trinh bảo rằng, anh rất vui khi bà con xã đảo Hoàng Châu có rất nhiều người nhận ra mình, đến bắt tay thân mật và chụp hình chung nữa. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất với Trọng Trinh, bởi tại một miền đất xa xôi, cuộc sống còn nhiều khó khăn mà bà con vẫn lạc quan, yêu đời và rất tình cảm với giới nghệ sỹ… Mà không riêng gì con người chân chất, ăn sóng nói gió, các món đặc sản của vùng biển đảo này cũng rất hấp dẫn, "Trinh khoái nhất là món gỏi sam, mực sim, sự đậm đà của nước mắt Cát Hải và rượu nút lá chuối khiến Trinh không thể không say…". Đêm hôm đó, ở Hoàng Châu, năn nỉ lắm thì Lan Phương mới chịu nhường chồng cho tôi một tiếng. Phải nói rằng, Lan Phương đúng là một người phụ nữ đẹp, nhã nhặn. Dù đã ngoài 40 nhưng cô vẫn giữ được dáng vẻ xuân sắc, đầy quyến rũ và giọng nói trong trẻo của người con gái miền Trung. Lan Phương tâm sự rằng, nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng vì anh Trinh quá bận rộn, đi đến đâu mọi người đều vây quanh anh ấy, nên bản thân thấy lạc lõng, cô đơn trước sự nổi tiếng và lịch làm việc rất dày của chồng. Bù lại, anh Trinh rất tâm lý, nhiều chuyến đi công tác xa đều đưa vợ đi theo, chứ không ở nhà thì khó mà yên tâm bởi rất nhiều cô gái hâm mộ chồng mình… Nghe vợ giãi bày như vậy, Trọng Trinh tỏ ra bối rối. Với anh, Lan Phương chiếm vị trí quan trọng trong cuộc đời mình. Trọng Trinh tâm sự, năm 2008, anh và người vợ đầu đường ai nấy đi sau hơn hai mươi năm chung một mái nhà. Cuộc hôn nhân tan vỡ khiến cho Trọng Trinh hụt hẫng, chán chường suốt một thời gian dài. Niềm an ủi còn lại chính là hai đứa con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Ngày đó, từ sáng đến tối, Trinh hết bù đầu với việc quay phim, về đến nhà lại xắn tay nấu ăn, dọn dẹp cùng hai con. Công việc cứ cuốn đi, chẳng mấy chốc mái đầu đã điểm những sợi bạc, khi đó Trinh mới thấy hốt hoảng, muốn tìm một người phụ nữ bầu bạn trước khi quá già...
Thế rồi, qua mai mối của bạn bè, Trọng Trinh gặp Lan Phương, người con gái quê ở sông Hàn, Đà Nẵng. Qua những lần tiếp xúc, Trinh thấy Phương dễ mến, hiền lành và biết sẻ chia với hoàn cảnh “gà trống nuôi con” cũng như nghề nghiệp của anh. Và sau một thời gian yêu nhau, tháng 1-2010, đám cưới của Trọng Trinh với người phụ nữ kém mình 16 tuổi đã diễn ra trước sự chúc phúc của người thân và đông đảo giới nghệ sỹ, diễn viên. 2. Tranh thủ lúc Lan Phương ra ngoài, tôi hỏi Trọng Trinh về mối tình với nhà thơ Đinh Thu Hiền - chuyện tình mà nhiều người cho đó như một cuốn tiểu thuyết hay, thì Trọng Trinh khá trầm ngâm, hoài niệm trong anh tràn về. Hồi đó, Trọng Trinh thủ vai chính trong bộ phim "Săn bắt cướp" được trình chiếu năm 1989. Với gương mặt điển trai, lãng tử và những pha bắt cướp ngoạn mục, Trọng Trinh đã làm cho không ít cô gái trẻ thầm thương, trộm nhớ, thậm chí có người đặc biệt còn “sản xuất” ra thơ.
Người đặc biệt ấy là cây bút trẻ Đinh Thu Hiền, đã có những vần thơ đề từ riêng tặng Trọng Trinh: "Tôi đã chôn sao anh cứ hiện về/ Nấm mồ ấy không một lần hương khói/ Vùi sâu anh trong quãng đời nông nổi/ Tôi bồi hồi… tôi bối rối… tôi yêu". Và bài thơ tình lãng mạn này đã đoạt giải nhất cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh năm 1989 của báo Tiền Phong. Trọng Trinh tâm sự, ngày đó tôi rất ấn tượng với Hiền bởi trong mấy năm liền cô ấy viết thơ tặng tôi. Không chỉ có những vần thơ hay, xúc động mà Hiền còn rất xinh đẹp với đôi mắt tròn lúng liếng và khuôn mặt bầu bĩnh. Ấy là lúc tôi gặp Hiền trong lần vào Sài Gòn đóng phim. Những quãng thời gian ngắn ngủi gặp nhau, tôi và cô ấy không ngại chia sẻ với nhau về những buồn vui trong cuộc sống, hay những chuyến công tác xa nhà. Tôi cảm nhận từ Hiền một sự lãng mạn, dịu dàng nhân hậu toát ra từ nụ cười thân thiện. Cuối cùng thì Hiền chủ động nói lời yêu tôi và đinh ninh rằng, dù cho điều gì xảy ra, em vẫn sẽ chờ quyết định của tôi… Và giờ đây, tất cả đã trở thành quá khứ, Hiền và tôi đều đã có hạnh phúc riêng… 3. Gác lại ký ức của những mối tình xưa, Trọng Trinh kể tôi nghe về những bước thăng trầm trong nghề nghiệp của mình. Sinh ra trong một gia đình công chức, bố nguyên là một cán bộ của Bộ Văn hóa nên gia đình được phân nhà trong khu tập thể văn nghệ sĩ. Bởi thế từ bé, Trọng Trinh đã quen với ánh đèn sân khấu của nhà hát như quen với cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy. Trọng Trinh khi đó còn nổi hứng cùng với chúng bạn trong khu tập thể học theo những vở kịch trên sân khấu rồi diễn cho nhau xem. Tất nhiên, Trọng Trinh là diễn viên kiêm đạo diễn. “Hồi đó, có những lúc Trinh ước mình trở thành một diễn viên thực thụ, được hóa thân thành một con người khác, sống một cuộc đời khác và được khán giả vỗ tay tán thưởng. Và rồi ước muốn ấy cũng thành hiện thực khi Trinh thi đỗ vào khóa 1 Nhà hát kịch trung ương. Bốn năm rèn dũa trong từng vai diễn, Trinh tốt nghiệp loại ưu với vai diễn Côlêxốp trong vở "Cuộc chia tay tháng 6" do NSND Trọng Khôi dàn dựng” - Trọng Trinh tâm sự. Thế nhưng đến với điện ảnh, niềm đam mê với môn nghệ thuật thứ 7 của Trọng Trinh cũng gặp không ít gian nan, trắc trở. Chính cái sự nghèo đã khiến Trọng Trinh quay cuồng với nghiệp diễn. Khi mới vào nghề, Trọng Trinh nghèo đến mức phải nợ bà hàng nước gần cơ quan mỗi tháng vài chục nghìn, chỉ có ăn bánh rán và uống nước chè. Đến khi lấy một cô vợ xinh đẹp đất Cảng nhưng Trọng Trinh chẳng có nổi một chỗ ở tử tế, mà phải 5 năm sau mới có nhà để đón vợ lên Hà Nội. An cư rồi, nhưng cuộc sống quá khó khăn khiến Trọng Trinh phải xin nghỉ không lương ở Nhà hát Kịch để mở cửa hàng bán quần áo kiếm sống. Thế nhưng hình như Trọng Trinh không có duyên với nghề buôn bán thì phải, bởi sau một thời gian bỏ diễn đi làm “thương gia”, lời lãi đâu chẳng thấy nhưng cửa hàng thì bị bọn trộm đột vòm lấy sạch đồ đạc cùng chiếc cần câu cơm là chiếc xe Honda cup 82… Không còn đường lùi, Trọng Trinh đành bán nốt thứ tài sản có giá trị nhất của mình là cái đài catssette để lấy tiền theo một người bạn vào Châu Đốc, tỉnh An Giang, làm ăn những mong đổi vận. Vào Nam, Trọng Trinh cũng chạy tướt mồ hôi, vừa làm ông bầu một đoàn ca nhạc, vừa kiêm luôn cả việc ra sân khấu hát và đóng kịch câm. Vất vả rồi cũng thu được thành quả, chỉ ít năm bôn ba ở miền Nam, Trọng Trinh cũng kiếm được một khoản kha khá, nhưng nỗi nhớ Hà Nội cứ lớn dần trong anh. Thế là anh quyết định ra Bắc và trở lại Nhà hát kịch Việt Nam. 4. Nói về những vai diễn của mình, Trọng Trinh vẫn cho rằng, vai chiến sỹ Năm Hà trong phim “Săn bắt cướp” là anh nhớ hơn cả. Cũng từ vai diễn này đã khiến nhiều thiếu nữ hồi ấy coi anh như thần tượng, thư viết tay được gửi đến tới tấp, đến mức Trọng Trinh phải nhờ người bạn là một nhà báo trả lời hộ để đáp lại tình cảm của người hâm mộ. Tiếp đến, Trọng Trinh nhận một loạt vai chính trong các phim “Hai năm nữa anh về”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Gánh hàng hoa”, “Người rừng”… đều là những bộ phim để lại nhiều dấu ấn cho điện ảnh Việt những năm 1990. Cho đến sau vai chính trong hơn 30 tập phim “Gió qua miền tối sáng” - một bộ phim nằm trong dự án phòng chống HIV/AIDS khá thành công năm 1996, Trọng Trinh đi học đạo diễn, và kể từ đây một đạo diễn tài năng của Việt Nam đã xuất hiện, anh sớm gặt hái được những thành công với 2 giải vàng trong Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốc năm 1998 và năm 2002 với hai bộ phim "Sân tranh" và "Sang sông". Bên cạnh đó, Trọng Trinh còn làm những bộ phim Truyền hình cho giới trẻ như "Ban mai xanh", "Nấc thang mới" để lại nhiều ấn tượng tốt. Đặc biệt với bộ phim 85 tập “Cầu vồng tình yêu” cũng đã có những hiệu ứng tốt trong lòng khán giả. Bộ phim Hàn được Việt hóa này một lần nữa khẳng cái tâm và tài của đạo diễn Trọng Trinh, như anh tâm sự: “Cầu vồng tình yêu” là một sự đầu tư xứng đáng và là quá trình làm nghề thực sự. Cho nên phim đã tạo một cơn sốt khi được chiếu trên màn ảnh nhỏ trong hơn một năm… Hiện nay, đạo diễn, NSƯT Trọng Trinh giữ vai trò Trưởng phòng Nội dung III, Hãng phim Truyền hình Việt Nam. Công việc tuy bận rộn nhưng trong anh vẫn cháy lên niềm khác khao được lên sân khấu, được ra trường quay để hòa mình vào những vai diễn mà khán giả ái mộ. Và với gia đình, Trọng Trinh bao giờ cũng chu toàn… Quảng Bình |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão