Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vì sao hiệu quả còn thấp?

17:20 21/08/2017

Mục tiêu của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là phải gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sau 6 năm (2010 - 2016) triển khai đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù đã đạt được kết quả nhưng vẫn chưa thực sự bền vững ...

Dù tỉ lệ sau đào tạo nghề cho LĐNT cao nhưng không bền vững (Trong ảnh: nghề dệt chiếu cói Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo)

Hơn 19.000 LĐNT được đào tạo

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, giai đoạn 2010-2016, toàn thành phố đã có 19.857 LĐNT được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đề án 1956, trong đó số người thuộc diện được hưởng chính sách (người có công, hộ nghèo, người bị thu hồi đất nông nghiệp, người khuyết tật) là 3.078 người, chiếm 16% số người được hỗ trợ học nghề.

Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 93% (bằng 18.509 người), gồm: hơn 10.000 người được doanh nghiệp tuyển dụng, 7.988 tự tạo việc làm, 205 người được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và 219 người thành lập tổ hợp tác, nhóm cung cấp dịch vụ.

Đặc biệt, một số mô hình đã tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Cụ thể như đối với các nghề phi nông nghiệp, đã đào tạo hơn 4500 người nghề may công nghiệp (tỷ lệ có việc làm 93%), phục vụ cơ sở may mặc, giày dép tập trung tại các huyện như: Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên.

Ngoài ra, đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Tiêu biểu là các nghề dệt chiếu cói ở Đồng Minh, Trấn Dương, Hòa Bình, Thanh Lương (Vĩnh Bảo), đúc Mỹ Đồng (Thủy Nguyên).

Đối với nghề nông nghiệp, thành phố đã đào tạo hơn 1.200 người ở nhóm nghề kỹ thuật trồng cây vụ đông, 757 người nhóm nghề kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, hơn 1.200 người nghề chăn nuôi thú y và 1295 người nghề trồng hoa cây cảnh, non bộ. Sau học nghề, người được đào tạo có mức thu nhập cao hơn.

Chưa bền vững

Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng nhưng theo đại diện Sở LĐTB&XH, tỷ lệ việc làm sau đào tạo tuy cao nhưng không bền vững. Nguyên nhân là do thời gian của mỗi khóa học là 3 tháng, trong khi mức kinh phí hỗ trợ thấp, không có nhiều điều kiện thực tập tay nghề, lượng kiến thức trang bị ít, không đảm bảo để người lao động đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ở một số doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực nông nghiệp chuyên sâu.

Đối với nhóm nghề phi nông nghiệp, thực tế một số lao động sau khi học nghề được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp chỉ đáp ứng được những công việc đơn giản, thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống dẫn đến tự ý thôi việc. Với nhóm nghề phi nông nghiệp, người lao động chủ yếu là tự tạo việc làm sau đào tạo nhưng khi áp dụng kiến thức, ứng dụng khoa học vào thực tiễn thì gặp khó khăn, gây chán nản, bỏ cuộc giữa chừng.

Trong khi đó, đối tượng đào tạo có nhiều LĐNT ở độ tuổi trung niên, trình độ học vấn và tiếp thu kiến thức hạn chế.

Trước những khó khăn và vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Bách Phái- Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, ngành đã tham mưu cho thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá về tính hiệu quả của đào tạo nghề cho LĐNT, chỉ đạo tăng cường bổ sung cán bộ quản lý dạy nghề tại các địa phương và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thực hiện đề án 1956 các cấp.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010-2016, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được thực hiện theo nguyên tắc: địa phương phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, làm cơ sở để triển khai. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học.

Về giải pháp trong giai đoạn 2017-2020, theo ông Phái, đào tạo nghề LĐNT được đưa vào là nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo quyết định 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, yêu cầu nang cao chất lượng đào tạo, sau đào tạo ít nhất có 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Do đó, các địa phương, cơ sở dạy nghề cần khảo sát và tổ chức đào tạo theo nhu cầu học của người lao động, nhu cầu của doanh nghiệp; gắn đào tạo nghề với quy hoạch xây dựng NTM của từng địa phương, đáp ứng chuyển đổi lao động- nghề nghiệp, dịch vụ lao động sang khu vực chính thức, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông