09:11 10/09/2018 Tính đến hết tháng 8-2018, toàn thành phố đấu giá được 693 lô đất ở với số tiền thu được hơn 265 tỷ đồng, cũng còn xa mới đạt được 50% so với kế hoạch đã đề ra. Trong khi đó, nguồn thu này được xem là ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Nguyên nhân chính lại không phải đâu xa mà chậm trễ từ các khâu thực hiện các thủ tục liên quan. Phải chăng các sở, ngành, địa phương đang tự lấy dây buộc chân mình?!
Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường, tính đến ngày 27-8-2018, toàn thành phố đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở được 693 lô đất với diện tích 11,52 ha, tổng số tiền thu được 265.326.484,600 đồng.
Cụ thể, huyện An Lão đấu giá được 37 lô thu được 16,9 tỷ đồng; quận Đồ Sơn được 21 lô thu được 14,5 tỷ đồng; quận Hải An được 25 lô thu được 12,5 tỷ đồng; huyện Kiến Thụy được 124 lô thu được 31,68 tỷ đồng; huyện Thủy Nguyên được 117 lô thu được 127,98 tỷ đồng; huyện Tiên Lãng được 253 lô thu được 26,19 tỷ đồng; huyện An Dương được 67 lô thu được 19,12 tỷ đồng; huyện Vĩnh Bảo được 56 lô thu được 25,25 tỷ đồng.
Những địa phương chưa có đấu giá là quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Dương Kinh, huyện Cát Hải. Còn huyện đảo Bạch Long Vỹ không có đấu giá quyền sử dụng đất.
Về nguyên nhân, theo phản ánh của các địa phương thì thủ tục đấu giá đất còn rườm rà, thời gian giải quyết thủ tục hành chính kéo dài. Các quận, huyện kiến nghị cần đổi mới quy trình, thủ tục đấu giá đất, đặc biệt quy định rõ thời gian các ngành liên quan trả kết quả cho các địa phương.
Cũng theo phản ánh, hiện các thủ tục cấp chứng chỉ quy hoạch, phê duyệt giá cụ thể… để đấu giá đất còn phức tạp. Các thủ tục này liên quan đến các sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT), Xây dựng, Tài chính… Trong đó, thủ tục phê duyệt giá cụ thể mất khá nhiều thời gian với đường đi là: các quận, huyện gửi phương án về Sở TNMT, từ Sở TNMT chuyển lên Hội đồng thẩm định giá của thành phố (Sở Tài chính là đơn vị thường trực Hội đồng).
Sau khi Hội đồng thẩm định có ý kiến lại chuyển về Sở TNMT, sau đó mới về lại các quận, huyện để hoàn chỉnh. Như vậy, phải mất 6-7 lượt chuyển đi, chuyển lại giữa các đơn vị, địa phương, cần tới 4-6 tháng, mới có giá khởi điểm cho dự án đấu giá.
Rồi việc xin cấp chứng chỉ quy hoạch 1/500 cần tới hàng tháng, trong khi theo nhiều quận, huyện thủ tục này không thực sự cần thiết?
Đáng nói là, đây không phải lần đầu các quận, huyện có kiến nghị về vấn đề thủ tục đấu giá QSDĐ kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và việc tháo gỡ các vướng mắc, cải tiến quy trình đấu giá QSDĐ của thành phố thời gian qua chưa có nhiều chuyển biến.
Nguồn thu từ đấu giá QSDĐ sẽ giúp các huyện bổ sung kinh phí cho chương trình xây dựng nông thôn mới
Trước thực tế trên, tại cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã nghiêm túc phê bình và yêu cầu các quận, huyện cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch đấu giá QSDĐ hàng năm.
Hầu hết các địa phương đều rất chậm trễ trong việc lập kế hoạch, đến hết quý I-2018 mới hoàn thành kế hoạch đấu giá QSDĐ trình UBND thành phố phê duyệt, có địa phương phải cuối quý II-2018 mới xong kế hoạch.
Quận Kiến An, ngày 26-6-2018 mới có kế hoạch đấu giá QSDĐ. Gần đây các quận Hải An, huyện Thuỷ Nguyên mới hoàn thành việc lập kế hoạch và trình UBND thành phố phê duyệt.
Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các ngành cần nghiên cứu, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đấu giá QSDĐ, từ việc phê duyệt giá khởi điểm, tham vấn quy hoạch 1/500…
Các quận, huyện chỉ tham vấn Sở Xây dựng về địa điểm đấu giá đất, còn Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm về lập, phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án đấu đấu giá QSDĐ.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án đấu giá QSDĐ, thành phố cũng xem xét đề nghị của các quận, huyện về việc đấu giá QSDĐ không có cơ sở hạ tầng, lãnh đạo thành phố giao Sở TNMT tham mưu UBND thành phố điều chỉnh Quyết định 1639/ 2016/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành quy chế đấu giá QSDĐ có thu tiền sử dụng dất hoặc cho thuê đất để các quận, huyện có căn cứ thực hiện việc đấu giá không có cơ sở hạ tầng. Các quận, huyện nghiên cứu hình thức tổ chức đấu giá QSDĐ hiệu quả, hạn chế tình trạng “cò” đấu giá QSDĐ.
Từ thực tế trên có thể thấy, thành phố cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa đối với việc cải tiến quy trình đấu giá QSDĐ. Theo đó, quy trình đấu giá QSDĐ cần quy định rõ trách nhiệm các sở ngành liên quan; thời gian xử lý, giải quyết từng thủ tục làm căn cứ để các quận, huyện giám sát thực hiện, đồng thời quy trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ, làm chậm trễ.
Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện cần chủ động hơn nữa trong việc lập kế hoạch đấu giá đất hàng năm của địa phương mình, đẩy nhanh tiến độ đấu giá QSDĐ, tăng thu ngân sách.
Kim Oanh
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão