09:45 11/11/2017 Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Mới đây, quận Hồng Bàng vừa triển khai việc dạy học sử dụng tài liệu giáo dục lịch sử Đảng bộ quận Hồng Bàng đến tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, qua đó khắc sâu kiến thức, đồng thời khơi dậy niềm tự hào của học sinh tại một địa phương có truyền thống anh hùng của thành phố Cảng...
Hoạt cảnh lịch sử trong chuyên đề
Niềm tự hào học sinh Hồng Bàng
Chuyên đề liên môn Lịch sử - Ngữ văn mang chủ đề “Sáng mãi trang sử Hồng Bàng” vừa được Trường THCS Hồng Bàng tổ chức thành công, thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh khối lớp 9 của nhà trường.
Sau hoạt cảnh mở màn “Con cháu Lạc Hồng” do các học sinh lớp 6 biểu diễn tái hiện một phần chiều dài lịch sử 4.000 năm của dân tộc, phim tư liệu dài 6 phút đã thể hiện sống động, chân thực và súc tích những tháng năm không thể nào quên về lịch sử quận Hồng Bàng trải qua 2 cuộc kháng chiến.
Dựa trên kiến thức được tìm hiểu tư liệu từ trước và qua xem phim tư liệu, học sinh đã tham gia vào màn hỏi đáp các câu hỏi trắc nghiệm.
Những kiến thức chừng như khó nhớ trong môn Lịch sử, nhất là về các mốc thời gian như: ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hải Phòng, tên gọi và địa điểm đặt trụ sở cơ quan tỉnh ủy (Đảng bộ thành phố Hải Phòng hiện nay); ngày thành lập quận Hồng Bàng, những danh hiệu cao quý mà quận đã đón nhận... ngay sau khi được nêu câu hỏi đã được các học sinh nhanh chóng trả lời một cách chính xác.
Đại tá Đồng Xuân Hiển kể chuyện lịch sử và hỏi đáp với các học sinh
Tại phần thi giao lưu, đại tá Đồng Xuân Hiển, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh quận Hồng Bàng, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn VN thành phố HP đã nói chuyện, giao lưu, bổ trợ kiến thức cho các cháu học sinh.
Là người chứng kiến và cũng từng trực tiếp tham gia những ngày kháng chiến, vị đại tá già đã mang lại cho các cháu học sinh một khung cảnh bằng lời về những đóng góp tiêu biểu của nhân dân Hồng Bàng trong 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là những thắng lợi của quân và dân Hồng Bàng trong trận chiến đấu chống không quân Mỹ năm 1972.
Đặc sắc nhất là màn báo cáo kết quả chuyên đề nhóm để nghiên cứu về những thành tựu nổi bật của quận Hồng Bàng sau 56 năm xây dựng và phát triển (từ năm 1961 đến nay). Với các hình thức như hát vè, làm phim tư liệu, hai nhóm thuyết trình đã thể hiện các nội dung về lịch sử, từ các kiến thức “khô cứng” trở thành những bài thuyết trình sinh động đã được sân khấu hóa...
Khơi sức sáng tạo bằng phương pháp dạy mới
Để có được một chuyên đề hay, sinh động, hấp dẫn như vậy, cô trò Trường THCS Hồng Bàng đã chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó. Em Đàm Thị Xuân Giao, học sinh lớp 9A5 đã cùng bạn bè nghiên cứu hàng trăm trang tài liệu, cũng như đọc các bài viết về quận Hồng Bàng trong gần 1 tháng qua. Nhóm của Giang được giao thực hiện chuyên đề những thành tựu nổi bật của quận Hồng Bàng sau 56 năm xây dựng và phát triển.
“Chúng em đã tìm được bài thơ “Hồng Bàng quê tôi” của nhà thơ Nguyễn Minh Trí, đã ghi lại lịch sử của quận đầy đủ bằng những vần điệu dễ học, dễ thuộc. Hai bạn Phương và Thái của lớp 9A2 đã chuyển thể phần thuyết minh dưới dạng hát vè. Như vậy, chúng em không chỉ học Ngữ văn, Lịch sử, mà còn học cả âm nhạc tích hợp trong chuyên đề này” - Xuân Giao khẳng định.
Cô giáo Vũ Thị Việt Hoa hướng dẫn học sinh tham gia chuyên đề
Mỗi màn thuyết trình dự thi có thời lượng từ 7 đến 10 phút, học sinh làm nhiệm vụ dẫn chuyện và đọc lời bình, còn giáo viên làm biên tập, thậm chí cả quay phim, dàn dựng. Cô giáo Vũ Thị Việt Hoa đã theo các học sinh trong suốt những ngày luyện tập vất vả trước đó.
Cô cho biết, môn học Lịch sử vốn đã được coi là khó, nay tích hợp thêm lịch sử đảng bộ địa phương với hàng tập tài liệu dày mà phải truyền đạt cho học sinh vào vỏn vẹn vài tiết học là việc không dễ dàng. Thông qua việc xây dựng chuyên đề có áp dụng đổi mới phương pháp dạy này đã giúp các em học sinh hào hứng hơn trong việc nghiên cứu, tìm tài liệu và thể hiện ra những kiến thức mình nắm bắt được bằng nhiều hình thức khác nhau, phong phú và sáng tạo.
“Trong quá trình thực hiện, cả cô và trò đều vất vả tìm tòi, tập luyện nhiều ngày mới thực hiện được. Song, thành quả lớn nhất chính là giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, giúp các em học sinh hiểu được giá trị của cuộc sống hôm nay và có thái độ trân trọng, gìn giữ truyền thống ấy”, cô Hoa nói.
Màn kết chuyên đề
Cô Bùi Thị Bích Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng cho biết, những chuyên đề mà nhà trường lựa chọn đều có ý nghĩa tiêu biểu, gắn với địa phương, với ngành giáo dục và nhà trường, giúp các em cảm nhận sâu sắc về các sự kiện lịch sử của quê hương.
Từ đó, học sinh của nhà trường cũng hiểu hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, lòng tự hào dân tộc, khí phách của những người anh hùng trung kiên, bất khuất để ra sức học tập, noi gương sáng và yêu thích môn học lịch sử địa phương hơn.
Cô cũng nhấn mạnh về một trong các chuyên đề được báo cáo lần này là về truyền thống của nhà trường, một cơ sở giáo dục tiêu biểu của quận Hồng Bàng trong những năm qua, qua đó giúp học sinh thêm yêu trương lớp, quyết tâm học giỏi, đạt thành tích cao, ghi thêm trang sử truyền thống của trường.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Thị Nhất, trong năm học 2017-2018, Ban Tuyên giáo quận ủy và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng tham mưu để triển khai việc dạy học liên môn, tích hợp kiến thức lịch sử đảng bộ quận Hồng Bàng vào dạy học môn Lịch sử trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận. Theo đó, các trường sẽ tự xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyên đề Đoàn Đội, rung chuông vàng, trải nghiệm thực tế... để các học sinh nắm được lịch sử vẻ vang của Đảng, Đoàn, Đội và địa phương.
HẢI HẬU