09:40 05/10/2018 Chưa bao giờ dạy thêm, học thêm lại được dư luận quan tâm đặc biệt như hiện nay. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã dành một mục quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm. Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm, chỉ cấm dạy thêm sai quy định. Những người làm công tác quản lý giáo dục và giáo viên thành phố Hải Phòng đã đóng góp nhiều ý kiến về dạy thêm, học thêm trong thời điểm hiện nay tại cuộc hội thảo được Sở GD-ĐT vừa tổ chức cuối tháng 9-2018...
Niềm vui thí sinh hoàn thành bài thi tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Thủy Chung
“Cung - cầu” trong dạy thêm, học thêm
Theo Thạc sỹ Phạm Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, công tác dạy thêm, học thêm (DTHT) nếu được tổ chức đúng quy định sẽ tạo hiệu ứng tích cực đối với cả người dạy và người học. Đối với đội ngũ giáo viên, đây là cơ hội để nâng cao nghiệp vụ, đồng thời cũng tăng thu nhập chính đáng. Đối với học sinh, các em sẽ có cơ hội để củng cố, nâng cao kiến thức.
Như cô Phạm Thị Thu Hà phân tích, qua thực tế, nếu học sinh THPT chỉ tham gia các buổi học chính khóa thì các em khó có thể đạt điểm số cao tại Kỳ thi THPT quốc gia và đỗ vào các trường Đại học như mong muốn.
Cụ thể, với đề thi THPT quốc gia những năm gần đây, học sinh nếu không học thêm đa phần chỉ đạt khoảng đến điểm 7; để đạt được điểm 8,9,10 học sinh cần có nhiều thời gian tự học, đồng thời cần được thầy cô giáo đầu tư những chuyên đề chuyên sâu, bồi dưỡng nâng cao kiến thức.
Chính vì vậy, nhu cầu học thêm các môn có trong Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng cao, đặc biệt là các bộ môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học... Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên cũng cho rằng, ở một khía cạnh khác, việc DTHT xuất phát từ ý muốn của gia đình người học, mong muốn và tin tưởng vào sự tiến bộ của con em mình sau thời gian đi học thêm.
“Tuy nhiên, có tình trạng phụ huynh mải mê làm ăn, kinh doanh đã đưa con đi học thêm để nhờ thầy cô trông nom thay; hoặc nhiều phụ huynh chưa xác định được mục đích của việc học thêm mà chỉ theo trào lưu...”, cô Thu Hà khẳng định.
Thầy Phạm Quốc Hiệu, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Bảo cũng cho rằng, DTHT là một hoạt động có giá trị bổ sung kiến thức cho học sinh, giúp học sinh nâng cao năng lực học sau một thời gian rèn luyện và cũng là cơ hội để giáo viên năm bắt rõ hơn về năng lực học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp. Tại trường THPT Vĩnh Bảo, được chia thành 3 nhóm theo học lực từng bộ môn.
Thứ nhất là các em có học lực yếu, trung bình có nhu cầu ôn tập, củng cố kiến thức học chính khóa; thứ hai là các em có học lực khá và thứ ba là các em có học lực giỏi có nhu cầu nâng cao kiến thức để đạt điểm cao trong việc xét tuyển vào các trường Đại học.
Trên cơ sở phân loại học sinh, nhà trường tổ chức việc DTHT theo nguyên tắc: góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh phù hợp, không quá sức người học; không cắt giảm chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào dạy thêm; người học cần tự nguyện và có sự đồng ý từ gia đình...
“Hoạt động DTHT bị xã hội nhìn nhận và đánh giá sai lệch là do một bộ phận nhà giáo lạm dụng việc dạy thêm. Hệ lụy của mặt trái này là làm uy tín ngành giáo dục bị ảnh hưởng, uy tín nhà giáo bị giảm sút, hình ảnh nhà giáo không còn trong sáng với người học, phụ huynh học sinh và xã hội...”, thầy Phạm Quốc Hiệu nói về mặt trái của DTHT.
Cô Lê Thị Hồng Phương, Hiệu trưởng trường THCS Lương Khánh Thiện (quận Kiến An) cho rằng, học sinh cấp hai được bố mẹ cho đi học thêm bởi nhiều lý do: muốn con học tốt, một số học sinh chậm hoàn thành nhiệm vụ trên lớp cần được kèm cặp, hoặc một số bố mẹ bận rộn, không có khả năng sư phạm để phối hợp giáo dục con...; đặc biệt là lo lắng trước áp lực thi cử vào lớp 10 THPT với mong muốn vào trường công lập tốt... Nhiều bố mẹ đã gia tăng sức ép với con em họ đã làm gia tăng tình trạng DTHT.
Những bộ môn có nhu cầu học thêm nhiều có thể kể đến Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh - những bộ môn “điều kiện” để thi vượt cấp và định hướng cho việc học và làm việc trong tương lai. “Bản chất của việc DTHT là tốt nếu xuất phát từ nhu cầu bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy.
Bên cạnh việc thay đổi cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh sao cho các em nỗ lực, sáng tạp và tự lập hơn thì cũng rất mong các cấp có thẩm quyền lưu tâm quá trình học cần song hành với quá trình đánh giá chuẩn đầu ra, đặc biệt là Kỳ thi vào lớp 10 THPT”, cô Lê Thị Hồng Phương đề nghị.
Cần hạn chế những tiêu cực
Theo Thạc sỹ Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đa phần các thầy cô giáo nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm cao trong dạy thêm, tận tâm tận lực giúp đỡ, hướng dẫn, động viên các em học sinh yếu kém ngày càng tiến bộ; tạo niềm đam mê, cảm hứng, cổ vũ các em học sinh giỏi, có năng khiếu say mê học tập khẳng định mình qua các cuộc thi HSG thành phố, quốc gia và quốc tế với kết quả cao trong năm học vừa qua là một minh chứng.
Tuy nhiên, tình trạng DTHT tràn lan được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ ra là nhiều học sinh nhỏ còn phải học thêm “2 ca”, thậm chí “3 ca”, cá biệt có em học tới “4 ca” trong một ngày; chưa kể học thêm cả sau 19h30, hoặc cả vào ngày Chủ nhật, dịp nghỉ lễ. Thậm chí, nhiều thầy cô giáo vô cảm còn dạy thêm cho học sinh cả vào đêm rằm Trung thu, tết dành cho thiếu nhi...
Ngoài ra, ở một số trường, việc tổ chức dạy thêm còn chưa quan tâm đến phân loại học sinh. Việc này càng thể hiện rõ hơn ở các địa điểm dạy thêm ngoài trường. Một số thầy cô giáo dạy lại bài học ở trên lớp trong khi lẽ ra chỉ nên nhấn mạnh, củng cố khắc sâu kiến thức, sau đó rèn kỹ năng và nâng cao qua hệ thống bài tập, hoặc liên hệ, giải thích các hiện tượng trong thực tiễn...
“Thiết nghĩ, chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, thực hiện cuộc vận động của Công đoàn giáo dục Việt Nam “Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo cần luôn biết tự trọng và đề cao lương tâm, trách nhiệm, xứng đáng được xã hội tôn vinh Nghề dạy học là nghề cao quý nhất”, ông Vũ Văn Trà nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, DTHT còn bộc lộ những tác động tiêu cực, như: còn có hiện tượng những em đi học thêm thì được giáo viên “ưu ái”, còn em nào không đi học thêm bị đối xử thiếu công bằng.
Điều này làm “hỏng” nhân cách của giáo viên, gây dư luận không mấy tốt đẹp từ phụ huynh, từ xã hội đối với dạy thêm, đối với giáo viên. Đối với học sinh, các em có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào “bài tủ” khi học thêm mà không cần cố gắng khi học chính khóa. Ngoài ra, việc học chiếm nhiều thời gian, tước đi của các em nhiều cơ hội để phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực.
“Có thể nói, hiện nay rất nhiều thanh, thiếu niên không có tuổi thơ theo đúng nghĩa của nó bởi học quá nhiều”, thầy Nguyễn Minh Quý chia sẻ. Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị; trong đó mong muốn Nhà nước cần đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần của người giáo viên, nhất là lương để “giáo viên có thể sống được bằng lương của mình”.
Nhằm giảm thiểu tình trạng DTHT tràn lan, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho rằng, hiện nay cấu trúc đề kiểm tra định kỳ có nhiều đổi mới so với những năm trước, chú trọng đến hình thức thi trắc nghiệm và vốn sống thực tế nhiều hơn. Sở GD-ĐT cần sớm đưa ra cấu trúc đề thi HSG và đề thi vào lớp 10 để học sinh tự ôn thi ngay từ đầu năm, tránh áp lực cho học sinh thời gian gần thi.
Mặt khác, để các em theo kịp các hình thức thi này, giảm thiểu tình trạng DTHT, trước hết giáo viên cần nâng cao trình độ của mình để truyền tải đến các em phương pháp học và tư duy hiệu quả, nhất là kỹ năng phân tích, khái quát, vận dụng... để tránh trường hợp nhiều dạng bài, giảng bài theo lối mòn, nhồi nhét kiến thức khiến học sinh khó ghi nhớ...
HẢI HẬU